Nghệ sĩ bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh: Xử lý ra sao?

Ca sĩ Thu Minh trở thành nạn nhân tiếp theo bị kẻ xấu 'xài chùa' hình ảnh để quảng cáo trá hình và trục lợi.

Mới đây, trên trang fanpage cá nhân, ca sĩ Thu Minh bất ngờ chia sẻ dòng trạng thái bày tỏ sự tức giận khi bị một hãng trà lợi sữa “trắng trợn” lấy hình ảnh của cô để quảng cáo.

“Đây không phải đơn giản là một trường hợp sử dụng hình ảnh bất minh như bình thường mà đã vi phạm vào thứ quan trọng nhất đời tôi: Tình mẫu tử”, nữ ca sĩ nói trong uất ức.

Giọng ca Chuông gió bức xúc khi thành quả trong những tháng ngày nhọc nhằn vắt sữa cho con của mình đã bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo khán giả bán hàng. Điều đáng nói, chính Thu Minh cũng không hề biết đến sản phẩm trà lợi sữa này.

Hình ảnh của Thu Minh bị một trang web "xài chùa" để quảng cáo bán trà lợi sữa.

“Đã có những nhãn hàng đề nghị với số tiền lớn để tôi quảng bá các sản phẩm thực phẩm cho bà mẹ, trẻ em, nhưng tôi vẫn rất cân nhắc, vì điều này đối với tôi là một sự thiêng liêng. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ mình và tâm tư của những người mẹ, nên không bao giờ có gan để hi sinh sức khỏe con cái hay của những bà mẹ, em bé khác vì những sản phẩm chưa được kiểm chứng. Vậy mà hôm nay, tôi bị đem ra sử dụng một cách bất hợp lý, bất nhân như thế này”, Thu Minh bày tỏ.

“Bà mẹ một con” khẳng định, những thông tin được đưa ra trong các bức hình quảng cáo trà lợi sữa là không chính xác. “Tôi chưa bao giờ biết đến những sản phẩm này, huống chi nhận lời quảng cáo cho nhãn hàng trà lợi sữa này”, cô cho biết.

Thu Minh cũng cho hay, sẽ nhờ luật sư làm việc với những bên liên quan để làm sáng tỏ mọi việc. Qua đây, nữ ca sĩ cũng mong các bà mẹ hãy tỉnh táo để tránh trường hợp vì nghĩ rằng Thu Minh dùng mà mọi người cũng dùng theo. Tránh trường hợp gặp phải những hậu quả không mong muốn.

Nhà báo Lại Văn Sâm, ca sĩ Mỹ Linh, NSND Hoàng Dũng từng "nổi đóa" vì bị mạo danh hình ảnh.

Trước Thu Minh, nhiều sao Việt cũng gặp “tai bay vạ gió” khi bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh cá nhân để bán hàng trên mạng xã hội.

Hồi tháng 4/2018, nhà báo Lại Văn Sâm nổi giận khi bị kẻ xấu mạo danh để quảng cáo thuốc chống ngủ ngáy. "Tôi có thể dùng từ "đê hèn và khốn nạn" cho những kẻ mượn hình ảnh của tôi để lừa đảo”, cựu MC Ai là triệu phú nói.

Ngoài ra, NSND Hoàng Dũng, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh – Anh Quân, NSND Lan Hương,… từng “nổi đóa” vì bị xài “chùa” hình ảnh để trục lợi.

Nghệ sĩ là người nổi tiếng, được nhiều người biết mặt, nhớ tên, yêu mến, do đó hình ảnh của họ dễ dàng đánh vào thị hiếu của công chúng và “uy tín” hơn là hình ảnh của cá nhân bình thường. Vậy nên, việc mời nghệ sĩ quảng cáo, PR sản phẩm là hình thức được nhiều thương nhân sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh phương thức này, thì nhiều người lại lợi dụng hình ảnh của nghệ sĩ để quảng cáo, PR sản phẩm mà không xin phép. Hình thức “xài chùa” này khiến các nghệ sĩ không khỏi bức xúc. Khi vướng phải, có nhiều nghệ sĩ cũng chỉ ngậm ngùi cho qua, mạnh mẽ hơn thì lên mạng xã hội giãi bày, cảnh báo người tiêu dùng, hoặc thanh minh nếu sản phẩm có tính chất lừa đảo. Có thể nói, một phần vì các nạn nhân đang xem nhẹ cách xử lý khiến cho các đối tượng vi phạm lại càng thờ ơ với việc sử dụng hình ảnh phải xin phép.

Dưới góc độ pháp luật, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường (văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết: "Theo quy định pháp luật, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, nên việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trừ trường hợp hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, hoặc hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm: hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác, mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Pháp luật cũng quy định Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, hoặc sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không được người đó đồng ý, cho phép là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh quy định tại Điều 32, BLDS 2015.

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này, thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Do đó các nghệ sĩ có thể nộp đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Ngoài ra, trường hợp việc sử dụng hình ảnh không xin phép, có xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì người bị sử dụng hình ảnh không xin phép có thể làm đơn tố cáo hành vi của người xâm phạm hình ảnh đến cơ quan công an có thẩm quyền. Việc xử lý hành vi của người vi phạm ra sao thì cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra, xem xét và tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm cũng như hậu quả xảy ra, mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, pháp luật đã quy định về bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân cụ thể và đầy đủ. Việc các nghệ sĩ cần làm khi nhận thấy hình ảnh của mình được sử dụng không xin phép, gây hậu quả không tốt đó là có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý vừa để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như ngăn chặn hành vi phạm pháp luật".

“Tùy thuộc vào tính chất và mức độ hành vi vi phạm, cũng như hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 51, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì hành vi Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định đối với việc quảng cáo của thương nhân. Nếu hành vi có dấu hiệu quảng cáo gian dối về hàng hóa dịch vụ, hình ảnh quảng cáo không đúng với thực tế và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối quy định tại Điều 197, Bộ luật hình sự”.

Hà Linh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nghe-si-bi-ke-xau-loi-dung-hinh-anh-xu-ly-ra-sao-a380453.html