Nghề rèn Phúc Sen: Tất bật vào mùa sản xuất

Những ngày cuối năm, khi những cánh đào hé nụ phớt hồng cùng hoa mai, hoa mận trắng mong manh báo hiệu mùa xuân về cũng là thời điểm đồng bào Nùng An ở làng nghề rèn Phúc Sen (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) lại tất bật vào mùa sản xuất.

Cách làng rèn Phúc Sen hàng trăm mét chúng ta đã nghe thấy âm thanh rộn ràng, chí chát nện búa lên đe, tiếng reng reng của máy mài, tiếng bễ phì phò… Thứ âm thanh cứ thế xuất hiện mỗi lúc một dày hơn trên trên các nóc nhà của bản làng nghề rèn Phúc Sen.

Nghề rèn Phúc Sen, tất bật vào mùa sản xuất

Nghề rèn Phúc Sen, tất bật vào mùa sản xuất

Đến Phúc Sen, bước chân vào làng, rất nhiều bếp than đang rực lửa. Những đốm hoa lửa đua nhau bắn tóe lên sau những nhát búa, nhát đe. Hầu hết, bà con ở Phúc Sen, nhà nào, nhà nấy cũng đều có lò rèn, có nghề rèn nông cụ riêng của mình. Ông Nông Chấn một người làm nghề rèn dao lâu năm ở Phúc Sen cho biết: Hầu hết các công đoạn đều phải làm thủ công, từ chọn nguyên liệu, mài, tôi thép, đập, uốn tạo hình sản phẩm. Ngay cả khi có những thiết bị hỗ trợ như quạt điện, máy mài, máy cắt,… thì những khâu quan trọng nhất của nghề rèn vẫn làm bằng sức người. Để hoàn thiện mỗi con dao, liềm, cuốc, xẻng, kéo... người thợ dùng nhiều sức để đập, quai búa, mài. Nhiều công việc tưởng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi phải tinh mắt, chắc tay, nếu không sẽ sản phẩm giòn hoặc non, dễ hỏng.

Sản phẩm làng nghề rèn Phúc Sen khá phong phú đa dạng

Nhiều công việc tưởng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi phải tinh mắt, chắc tay

Nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ thính nhạy của tai, tinh tế đôi mắt và cảm nhận chính xác từ đôi tay được xem là những kỹ năng nghề quan trọng của người thợ. Giờ đây nhiều nhà đã mua máy dập đỡ công quai búa rèn hoặc mài thô lưỡi dao. Nhưng riêng việc tôi dao và mài sắc thì vẫn phải trông vào bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng nghề.

Cảm nhận chính xác từ đôi tay

Lấy độ sắc, chắc làm thế mạnh của sản phẩm

Mặc dù các sản phẩm làng nghề rèn Phúc Sen không bóng bẩy, bắt mắt, nhiều khi thô mộc nhưng lại lấy độ sắc bén, bền chắc làm thế mạnh. Chính vì thế sản phẩm của làng nghề rèn Phúc Sen có giá bán cao gấp hai, ba lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Hiện nay, nhiều gia đình trong bản đã chuyển ra cạnh đường sinh sống, mở lò rèn đồng thời bán lẻ các loại nông cụ cho khách. Các sản phẩm dao động 20 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. Mỗi phiên chợ tại các vùng lân cận, nếu có thời gian bà con đem liềm, dao, cuốc, xẻng... tới bày bán.

Nhiều gia đình trong bản đã chuyển ra cạnh đường mở lò rèn

Sản phẩm được bày bán tại phiên chợ

Những ngày cuối năm, làng nghề rèn Phúc Sen lại bận rộn hơn bao giờ hết. Không chỉ người dân ở Cao Bằng mà tại nhiều địa phương khác nhau, như: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nội… nhiều người cũng đã tranh thủ lên đây mua sắm nông cụ. Nhiều khách quen ở xa đặt mua theo lô số lượng lớn, sau khoảng 15 - 20 ngày đến lấy, hoặc gửi xe mang về. Có những ngày làng nghề rèn Phúc Sen bán được hàng nghìn sản phẩm.

Nghề rèn ở Phúc Sen mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Có thể thấy, nghề rèn ở Phúc Sen đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân (bình quân 5 triệu đồng/người/tháng), góp phần cải thiện đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở xã. Đồng thời, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua nghề rèn truyền thống ở nơi đây cũng tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm Cao Bằng.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-ren-phuc-sen-tat-bat-vao-mua-san-xuat-151762.html