Nghe ông Nguyễn Sự kể 'niềm kiêu hãnh Cù Lao Chàm'

Câu chuyện xoay quanh chiếc túi ni lông giữa nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường với ông Nguyễn Sự tưởng nhanh mà kéo dài cả tiếng đồng hồ. Bao tâm huyết vì môi trường, gìn giữ di sản của người đứng đầu Hội An một thời giờ vẫn nóng hổi. Ngọn lửa nhiệt huyết của ông Sự vẫn hiển hiện qua từng cử chỉ, lời nói.

Ông Nguyễn Sự - Ảnh: Việt Hùng

Ông Nguyễn Sự - Ảnh: Việt Hùng

KHỞI ĐẦU GIAN KHÓ

Mười năm trước, tháng 5/2009, tình trạng rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường vùng biển Cù Lao Chàm trầm trọng, ông Nguyễn Sự, khi đó là Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam đã lên quyết tâm làm sạch môi trường vùng biển đảo này.

Từ ý tưởng thành quyết tâm

Ông Sự bảo, tưởng đâu vấn đề rác đơn giản, nhưng khi làm vô cùng khó khăn và phức tạp. Bởi vì, nhà nào cũng có rác, không phải một bộ phận xả rác. Vấn đề này ở đâu cũng có và Cù Lao Chàm cũng không ngoại lệ, khi giải quyết, ta nên đi từ từng con người. Do vậy, cần tập trung vào đối tượng chủ yếu là những người đi chợ mua đồ hay dùng vỏ nhựa, túi ni lông phải sử dụng giỏ nhựa.

Thứ hai, mua 1 tô phở, ly cafe cũng đổ vào túi ni lông mang về, phải sử dụng cặp lồng. Như vậy là với 1.100 hộ và 2.200 cái giỏ, mỗi hộ được cấp 1 giỏ lớn, 1 giỏ nhỏ và 1 cặp lồng lớn, 1 cặp lồng nhỏ. Khi ra làm việc với cán bộ thôn, tổ, tôi yêu cầu, ban đầu ai cũng bảo khó. Đúng là khó thật, tôi mới nói, khó nên mới cần Đảng viên đi trước. Khó mới cần đầu tàu làm gương, chứ dễ, dân đâu cần. Đảng viên dứt khoát phải làm trước.

Người dân Cù Lao Chàm đã hơn 10 năm không xài túi ni lông. Ảnh: Việt Hùng

Họp xong làm ngay

Nhớ lại những ngày đầu, ông Sự cho biết: Từ khi họp đến triển khai làm có 1 ngày. Họp xong, bắt tay làm ngay. Nay có thể kỷ niệm 10 năm dân Cù Lao Chàm không sử dụng túi ni lông, vì việc làm này có ý nghĩa và giá trị vô cùng lớn.

Tôi xác định như vậy, sau anh em bảo tập trung họp dân, ngay trong chiều hôm đó, dân đến dự rất đông. Tôi nói khoảng 2 giờ chiều và hỏi dân có làm được không? Người dân bảo “được”. Gần 600 người dự hội nghị đều giơ tay tán thành đồng ý. Tôi hỏi 3 lần và hỏi ngược lại, ai không làm được, không ai giơ tay cả. Tôi nói rõ ràng: Bây giờ chốt lại, chúng ta quyết tâm làm, phát giỏ và phát cặp lồng ngay luôn.

Sau đó, tôi mời tiếp các hộ buôn bán lại, tất nhiên các hộ đều lăn tăn vì họ không biết buôn bán phải sử dụng sao? Tôi hỏi, bà con có khó khăn cứ trao đổi. Họ đã đưa ra một loạt băn khoăn: Buôn bán thế này, thế kia rồi lấy cái gì đựng và tôi đều có giải pháp hợp lý.

Và trong tư tưởng người dân lúc đó, có không ít người nghĩ rằng, tôi nói như vậy thôi, họ cứ ừ cho qua và vẫn cứ dùng túi ni lông cũng chẳng nói gì đâu. Ngay cả trong đội ngũ cán bộ cũng có tư tưởng đó, cho nên, tôi nói, mai đi chợ mấy chị phải mang xách theo, không bán và sử dụng túi ni lông gói về nữa.

Ngày mai, tôi xuống đứng ngay chợ sáng sớm lúc 5 giờ. Thấy mấy chị đi chợ tay không, tôi hỏi chị đi đâu? Mấy chị trả lời đi chợ. Tôi hỏi tiếp, hôm qua, đã phát giỏ cho chị chưa? Họ trả lời rồi. Vậy sao chị không mang theo? Họ trả lời tui quên. Tôi quyết liệt, thế chị quay về lấy rồi mới được vào chợ.

Tôi đứng đó đúng 3 buổi sáng. Vì chợ chỉ đông buổi sáng, buổi chiều, tôi đi lang thang hàng quán và ngồi nói chuyện với họ. Họ bảo: Bây giờ anh cấm ngoài này dân không dùng, khi khách ra tham quan mang theo túi ni lông xử lý ra sao? Lượng ni lông hiện nay mua xong chưa dùng, xử lý thế nào?

Tháo gỡ những phát sinh

Những băn khoăn của người dân khi đó gợi mở cho tôi, để đưa ra những giải pháp tiếp theo. Lúc đó, tôi cho rằng: Thứ nhất, đối với người ra Cù Lao Chàm phải xác định ngay từ cảng Cửa Đại trong đất liền, phải kiểm soát và có thông báo, bảng hiệu, bằng lời của hướng dẫn viên,... về quy định không được mang túi ni lông ra đảo Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý Bảo tồn biển có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát vấn đề này trước khi khách xuống tàu.

Thứ hai, các doanh nghiệp vận chuyển khách được mời lên và quán triệt luôn về chủ trương và biện pháp không dùng túi ni lông ra ngoài đảo, phát cho du khách túi tái sử dụng để họ đựng hành lý trước khi ra đảo, để giải quyết đầu vào của Cù Lao Chàm cho sạch. Ngoài ra, không chỉ từ cảng Cửa Đại còn từ Đà Nẵng, do vậy, thành lập đội kiểm tra hướng dẫn ngay tại các bãi đón khách Cù Lao Chàm gồm cả biên phòng, lực lượng xã, bảo tồn biển. Khi phát hiện người có mang theo túi ni lông cương quyết thuyết phục mời lại dưới tàu hoặc phải đổi. Thứ ba, trong thành phố phải có trách nhiệm, tất cả các giấy báo khi đọc xong gửi cho dân Cù Lao Chàm để người dân dán lại thành bao bì, để phát cho chủ cửa hàng, buôn bán dùng gói thức ăn khô mang về, không dùng túi ni lông.

Như vậy, theo thời gian dài liên tục được chúng tôi kiểm tra, nhắc nhở, ai vi phạm, xử lý nghiêm. Kể cả phương tiện du lịch khi để khách mang túi ni lông ra đảo mà bị phát hiện, chúng tôi mời ngay lên bờ. Người dân vi phạm, tôi sẽ đình chỉ buôn bán có thời hạn với người đó. Ban đầu, có vài trường hợp vi phạm, dần dần, họ quen và tự giác không dùng túi ni lông. Bây giờ, người ta tự làm vật liệu thay thế để sử dụng nhưng vẫn phải duy trì, kiểm soát.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG DỰA VÀO TỰ NHIÊN

Giữ môi trường trong lành, cũng có nghĩa là duy trì và bảo tồn các giá trị tự nhiên. Đưa vào khai thác các giá trị này cũng trên nền tảng bảo vệ môi trường, nâng tầm giá trị thiên nhiên. Chính bởi thế, Cù Lao Chàm nổi lên như một hình mẫu trong phát triển du lịch bền vững dựa vào tự nhiên.

Một góc Cù Lao Chàm. Ảnh: Việt Hùng

Không làm bẩn nơi mình sống

Như chạm vào chiều sâu suy nghĩ, trăn trở bấy lâu, ông Nguyễn Sự cho biết, riêng ở Hội An, không chỉ Cù Lao Chàm, phải đi lên từ chính giá trị nội tại của mình trong điều kiện hội nhập, thiên hạ đi mình không thể đứng lại, đặc biệt, phát triển du lịch, Hội An phải đi lên từ chính tài nguyên của mình là: Giá trị văn hóa, giá trị thiên nhiên. Văn hóa là phải giữ gìn giá trị truyền thống những giá trị tốt đẹp của chính người dân Hội An.

- Nhưng so với Lý Sơn, Cù Lao Chàm có những nổi trội gì? - tôi hỏi ông Nguyễn Sự.

Ông Sự đăm chiêu khi chúng tôi nhắc đến điều này. Dân cư Lý Sơn khác với Cù Lao Chàm là dân bản địa và dân đông hơn Cù Lao Chàm rất nhiều, quan điểm của tôi về xử lý túi ni lông là: Nơi nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Điểm giống nhau giữa hai đảo này là xa đất liền, phương tiện đi lại qua biển có sự kiểm soát và bản tính người dân biển hai bên đều là người chân chất, khi đã thông là sẽ làm đến nơi đến chốn. Đó là phẩm chất của người dân biển.

Việc kiểm soát người đi đến các vùng này đều có thuận lợi, chất thải công nghiệp của hai nơi này chưa có, không có nhà máy xả thải mà chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Tình trạng ô nhiễm vùng biển không giống như đất liền, đô thị, bản thân nó vẫn còn giá trị tự nhiên. Tuy vậy, Lý Sơn diện tích nhỏ hơn (Cù Lao Chàm 15 km2, Lý sơn 7,5 km2) nhưng dân Lý Sơn đông hơn nhiều, Cù Lao Chàm là dân bản địa chứ không phải nhập cư và số dân ít hơn. Nên Lý Sơn khó khăn hơn, nhưng tôi tin rằng, khi làm thông tư tưởng người ta sẽ tự giác chấp hành. Khi đã tự giác rồi, dần dần sẽ thành thói quen, một thói quen tốt, sống thân thiện với môi trường, không xâm phạm và làm bẩn chính nơi mình sống, nơi nuôi sống mình.

Thay vì đựng lý cafe trong túi ni lông, chúng ta đựng trong túi giấy,... rất đơn giản nên không phải là việc đội đá vá trời mà việc này hoàn toàn trong tầm tay. Cho nên, Lý Sơn, không tự sản xuất túi ni lông mà phải nhập từ đất liền qua các cảng, tàu thuyền, vậy phải kiểm soát ngay từ đầu trước khi ra biển và lên đảo là được.

Thanh niên trên đảo gấp túi thay thế túi Ni lông. Ảnh: Việt Hùng

Đừng làm môi trường kiểu phong trào

Chi phí mua túi tự hủy cao hơn nhiều so với túi ni lông, do vậy, đây có phải là khó khăn cho việc thực hiện chủ trương trên. Trong khi, vì sao Cù Lao Chàm làm được nhưng Lý Sơn chưa làm được, phải chăng do nguồn lực của TP. Hội An lớn hơn so với ở Lý Sơn hay không mà lại thành công thế?(?)

Thật ra, thu nhập ở Lý Sơn không thấp hơn Cù Lao Chàm. Khi bắt đầu triển khai phong trào không dùng túi ni lông ở Cù Lao Chàm người dân còn đang đói nghèo, trong khi người dân Lý Sơn hiện nay là đang rất khá. Nhưng vì sao, Cù Lao Chàm làm được? Ngoài ý thức của người dân, điều quan trọng là sự quyết tâm của hệ thống chính trị, của người đứng đầu phải truyền lửa cho họ, cả bộ máy vào cuộc, đừng làm kiểu phong trào, không cần ra quân “đờn ca sáo thổi” mà phải làm thiệt, kiểm tra thường xuyên. Ban đầu, họ khó chịu nhưng lâu dần sẽ thành thói quen.

Thứ hai, cần huy động các doanh nghiệp tham gia cùng bảo vệ môi trường. Lý Sơn có không ít doanh nghiệp như du lịch, vận tải, cần huy động họ góp sức để bảo vệ môi trường, giúp dân chấp nhận phát túi tái sử dụng dễ phân hủy cho du khách chứ không phải là dân làm điều đó, thậm chí, doanh nghiệp cần giúp cho người dân những túi khi bán hành, tỏi, giá bán ki ốt là 10.000 đồng, cộng thêm túi tự phân hủy thêm 1.000 đồng, du khách vẫn mua.

Tôi nghĩ, quan trọng là cách làm. Hiện nay, Hội An đang tiến tới phát động Cù Lao Chàm và TP. Hội An hạn chế và không sử dụng các vật liệu nhựa vứt ra như: Ly, ống nhựa... Thay vào là những ly giấy, ống hút giấy, tre,... các doanh nghiệp trẻ đã hứa là sẽ đi đầu trong việc này, tự giác đi đầu bỏ ra chi phí vận động khách và hỗ trợ cho dân và vận động các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ cho dân, mà trước hết là dân khó, nhưng vai trò doanh nghiệp quan trọng vô cùng.

Muốn doanh nghiệp vào cuộc, Nhà nước, chính quyền phải đứng ra và quyết tâm. Đối với Cù Lao Chàm, năm đầu tiên thực hiện, tuần nào tôi cũng ra Cù Lao Chàm. Có khi tôi ra buổi sáng 2 giờ, xong vào thấy là nhắc liền, kể cả thứ 7, Chủ nhật lúc khách đông nhất, đôi lúc anh em không biết mình đi đâu, để đón đầu kiểm soát, xem phát sinh bất hợp lý là nhắc nhở người dân.

ĐỪNG TÍNH TOÁN HẸP HÒI KHI LÀM MÔI TRƯỜNG

Hãy làm tốt để gìn giữ cho mai sau

Ông Nguyễn Sự cho biết: Đây là trách nhiệm của chính quyền đảo phát động trục vớt và phát động cho các đoàn thể, học sinh nhặt túi ni lông bán lại cho thành phố. Rác túi ni lông nhặt được mua giá gấp đôi bao ni lông mới, nên tôi giải quyết triệt để ngay từ ban đầu, thật ra, chi phí cũng không nhiều lắm, trên dưới 20 triệu. Nhưng 20 triệu là so với ô nhiễm môi trường, đừng tính toán bằng kinh tế một cách hẹp hòi khi thực hiện việc làm này sẽ không bao giờ giải quyết được môi trường. Nếu làm môi trường mà tính toán từng đồng, tính toán thiệt hơn sẽ không thể giải quyết được, thậm chí, bây giờ có những cái tốn kém hàng nghìn tỷ đồng cũng không thể giải quyết được.

Hiện nay, các siêu thị thay thế túi ni lông bằng những lá chuối, lá môn, thân thiện môi trường, được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, trong khi toàn dân Cù Lao Chàm và cả du khách gần nửa triệu lượt/năm làm cách đây 10 năm là còn tạo ý thức cho khách là không chỉ không mang túi ni lông ra Cù Lao Chàm mà tạo ra ý thức chung là nên hạn chế túi ni lông ở mọi nơi. Nó có ý nghĩa lớn lao lắm. Kể cả ý thức cho những đứa trẻ sau khi ra Cù Lao Chàm về không vứt túi ni lông để bảo vệ môi trường ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày các nơi khác. Làm tốt hôm nay, giữ gìn môi trường trong lành hôm nay là để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Đó là cái được lớn nhất nên chúng ta đừng toan tính.

Ngoài ra, khi túi ni lông dọn hết bãi biển sạch và tắm được. Trước đây, khu vực làng Hội An, Núi A8 túi ni lông nổi lềnh bềnh, không ai dám xuống; nhưng giờ, tắm thoải mái, sạch sẽ. Ngày trước, khi túi ni lông chìm xuống quấn vào các rạn san hô, làm nó chết, bây giờ, không có túi ni lông, san hô phát triển vào cả sát bờ.

Ông Nguyễn Sự và phóng viên Báo TN&MT. Ảnh: Việt Hùng

Biển hồi sinh - người dân no ấm

Những lợi ích nhìn thấy còn lan tỏa, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân. Ông Sự hào hứng kể: Chuyện dọn túi ni lông mang lại lợi ích không chỉ san hô hồi sinh. Khi những rạn san hô rực rỡ trở lại, thành phố trực tiếp yêu cầu ban bảo tồn biển khoanh vùng lại để bảo vệ không cho tàu thuyền vào. Tiếp đó là khai thác cảnh quan sau khi khoanh vùng. Chúng tôi tổ chức cho dân làm thuyền thúng chở du khách đi ngắm san hô và thu tiền. Việc này vừa bảo vệ được tài nguyên vừa tạo ra việc làm cho người dân. Lợi ích từ không túi ni lông là đây chứ đâu! Thu nhập từ du lịch giúp dân Cù Lao Chàm từ đói nghèo dẫn đến khá và có bộ phận giàu lên thấy rõ.

Như vậy, rõ ràng cuộc sống rất công bằng, khi làm việc tốt, kết quả trả lại rất lớn và ngược lại. Nhân dân bây giờ rất tự hào về vấn đề này và trở thành niềm kiêu hãnh ở Cù Lao Chàm trong việc giữ gìn môi trường không dùng túi ni lông. Và những lợi ích đem lại hiện hữu là vô cùng xứng đáng đối với người dân Cù Lao Chàm. Họ tự hào vì có tài sản thiên nhiên vô cùng lớn được tạo hóa ban tặng cùng một môi trường sạch do chính họ tạo ra và giữ gìn...

Đó là những điều lớn lao nhất ở Cù Lao Chàm.

Việt Hùng - Lan Anh - Tống Minh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/chong-rac-thai-nhua/nghe-ong-nguyen-su-ke-niem-kieu-hanh-cu-lao-cham-1268543.html