Nghề nuôi chim yến có nhiều tiềm năng nhưng cần quy hoạch

Tỉnh Vĩnh Long có tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến nhưng tỉnh đang gặp khó khăn vì còn thiếu các cơ chế, chính sách quản lý nghề nuôi….

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 62 nhà nuôi và có xu hướng tăng thêm. Các nhà yến chủ yếu tập trung ở TX Bình Minh và huyện Long Hồ. Hai địa phương này hiện có gần 2 chục nhà nuôi yến. Các nhà yến này phần lớn do những người có kinh nghiệm lâu năm từ TP HCM, TP Cần Thơ và tỉnh khác đến đầu tư.

 Một nhà nuôi chim yến ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít. Ảnh: Minh Đảm.

Một nhà nuôi chim yến ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Thụ (Tư Thụ-67 tuổi) ở phường Đông Thuận (TX Bình Minh) là người đầu tiên xây cất nhà yến ở Vĩnh Long. Ông Thụ gốc ở TP Cần Thơ cùng con rễ là anh Lê Văn Hải về đây xây nhà nuôi yến 4 tầng ở khu vực gần cầu vượt Cần Thơ đã mười mấy năm rồi. Ông Tư Thụ cho hay:

“Từ kinh nghiệm và hiệu quả của nghề này ở TP Cần Thơ nên tôi quyết định về đây đầu tư xây nhà nuôi yến. Nghề nuôi yến rất nặng vốn đầu tư xây nhà nhưng bù lại thu hoạch tổ yến bán được nhiều tiền, lợi nhuận khá hấp dẫn. Nhà yến hoạt động hơn chục năm rồi, thu nhập vẫn đều đều”.

Tại ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít và ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ vừa mọc lên 2 nhà nuôi yến cao tầng mới xây nằm sát đường tỉnh 902. Anh Nguyễn Ngọc Hòa (45 tuổi) là quản lý của nhà nuôi yến 5 tầng có diện tích đất rộng hơn 1.000m2 ở ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức cho biết: Ông chủ của anh tên là Đinh Quang Tiến ở TP HCM về Vĩnh Long xây nhà nuôi yến vì đất đai ở đây rẻ hơn và môi trường rất thích hợp, nhất là nhiều cây cối, sông rạch. Nhà yến xây gần sông Cổ Chiên rất thuận lợi để chim yến xuống uống nước. Nhà yến có vốn đầu tư trên 5 tỷ này đã vận hành vài ngày nay. Ông chủ của anh sắp khởi công xây nhà nuôi yến thứ 2 như vậy tại ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít.

Vĩnh Long có tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến bởi khí hậu tương đối mát mẻ, không khí trong lành, ít ô nhiễm…Có nhiều cây xanh, nhiều kinh rạch, sông ngòi, đồng ruộng lớn, vừa tạo không gian bay thoải mái, vừa mang đến nguồn thức ăn phong phú và dồi dào cho chim yến. Ngoài ra, còn tiếp cận đàn yến hiện có tương đối nhiều ở các tỉnh, thành lân cận.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long cần phải khai thác tốt nhất nghề này để mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, mang lại nguồn thu ngân sách không nhỏ cho tỉnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng nuôi chim yến nhưng cần phải có chính sách, quy hoạch vùng nuôi để phát triển bền vững. Ảnh: Minh Đảm.

Tiềm năng của nghề nuôi chim yến là như vậy nhưng trong thời gian qua nghề này ở Vĩnh Long còn những tồn tại nhất định. Trước hết, nghề nuôi yến hiện nay đang mang tính tự phát, chủ yếu do dân làm. Anh Nguyễn Ngọc Hòa (quản lý của nhà nuôi yến ở ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho hay: Tỉnh Vĩnh Long chỉ tạo điều kiện về cấp phép xây dựng nhà và cấp phép cho phép nuôi yến, chớ chưa hỗ trợ về kinh phí đầu tư và kỹ thuật.

Kế đến là hiện có một số nhà nuôi nằm xen lẫn trong khu dân cư, khu trường học, khu thương mại - dịch vụ…phát âm thanh dẫn dụ yến liên tục từ sáng đến tối làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân xung quanh và họ đã khiếu nại đến chính quyền địa phương.

Sau cùng là tỉnh còn thiếu những cơ sở pháp lý cụ thể về quản lý nghề nuôi và chưa có quy hoạch vùng nuôi chim yến. Cơ sở pháp lý cho quản lý nuôi chim yến mà tỉnh đang áp dụng là Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Tuy nhiên, Nghị định này không quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Đây là một việc rất khó cho cấp địa phương trong triển khai thực hiện, đặc biệt công tác quy hoạch.

Để quản lý tốt hơn nghề nuôi chim yến, năm 2020, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay chưa kịp hoàn chỉnh để HĐND tỉnh này thông qua.

Còn theo Tiến sĩ Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Nam (thuộc Tổng cục Môi trường) cho rằng: Để không gặp khó khăn sau này trong giải quyết vấn đề vệ sinh, môi trường cũng như phải di dời các nhà yến đã xây dựng trong các khu dân cư, khu đô thị như đã xảy ra ở các tỉnh, thành lân cận như TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, TP Sóc Trăng, Đồng Tháp..., tỉnh Vĩnh long cần có quy hoạch chi tiết vùng nuôi chim yến đến cấp xã. Đặc biệt là đối với những xã, phường, thị trấn có điều kiện phát triển nghề này. Quy hoạch sẽ xác định vùng nuôi phù hợp, góp phần kiểm soát được môi trường, dịch bệnh và đảm bảo phát triển bền vững của nghề nuôi chim yến ở Vĩnh Long trong tương lai.

MINH ĐẢM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nghe-nuoi-chim-yen-co-nhieu-tiem-nang-nhung-can-quy-hoach-d288659.html