Nghệ nhân ưu tú Lan Hương: Người thổi hồn cho tà áo dài truyền thống

Nghệ nhân ưu tú Lan Hương không chỉ dành cho tà áo dài tình yêu, mà luôn có sự tự hào về trang phục truyền thống này. Áo dài đối với chị không đơn giản là trang phục mà nó là biểu tượng của bản sắc Việt, tinh thần Việt, văn hóa Việt.

Nhà thiết kế Lan Hương.

Nhà thiết kế Lan Hương.

Duyên nợ với áo dài

Giữa tiết trời lạnh giá của mùa Đông, nhà thiết kế Lan Hương đã rất tất bật để chuẩn bị cho ngày 10/1/2021 tổ chức đêm Dạ tiệc thời trang tại Hoàng Lê Gia Garden, Minh Tân - Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội. Làm việc không ngơi nghỉ, nhưng Lan Hương chẳng một câu than phiền. Chị bảo, “làm vì sở thích và đam mê, vất vả mấy cũng không thấy mệt”. Tại nơi diễn ra buổi lễ, chị đã chia sẻ về chuyện đời mình, từ một cô gái tỉnh lẻ trở thành nhà thiết kế áo dài được mọi người biết đến.

“Cách đây 18 năm, khi thị trường áo dài chưa phát triển, thì áo dài thường rất đơn giản, chưa có câu chuyện cũng như nghệ thuật, chưa thành tác phẩm trong đó, lúc đấy tôi nghĩ rằng áo dài Việt Nam nếu cứ như thế này thì không biết đến bao giờ mới có được đẳng cấp trên trường quốc tế. Và như có sự thúc giục vô hình, tôi đã bắt tay vào làm áo dài.

Khi làm áo dài, tiêu chí đầu tiên mà tôi đưa ra là tất cả sự khởi nguồn đầu tiên phải được xuất phát từ thiên nhiên, từ chất liệu tự nhiên. Ở Việt nam chúng ta có hai loại chất liệu là vải lanh và vải tơ tằm. Lúc đấy tôi đã nghiên cứu rất kỹ, thấy rằng tơ tằm là chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường cũng như cơ thể, tôi quyết định đặt ra một khuynh hướng cho áo dài là áo dài phải xuất phát từ nguyên liệu trong nước, phải do người Việt Nam mình làm ra từ khâu nuôi trồng đến sản xuất, sản phẩm nhất thiết phải đẹp và kỳ công, có giá trị về mặt thẩm mỹ, giá trị về văn hóa và cả về kỹ, mỹ thuật”, Lan Hương kể.

Chị tâm sự, thuở đầu khi mới vào nghề, chị chỉ là một cô gái còn rất bỡ ngỡ vì chưa học một ngày nào về may áo dài, nhưng với kinh nghiệm nhiều lần đi chấm hoa hậu nên đã biết cách tính về cử động của cơ thể và cho mình công thức may áo dài riêng.

Trong quá trình bắt đầu làm áo dài, chị phát hiện ra rằng, ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều làng nghề cổ vô cùng quý giá và mỗi một vùng miền thì lại có một chất liệu khác nhau tạo ra những hiệu ứng và mang lại cho người sử dụng những công dụng khác nhau, từ đó tôi nhận ra rằng nguyên liệu trong nước hoàn toàn có thể thay thế hàng nhập khẩu, hơn thế, nếu áo dài làm bằng những chất liệu ngoại nhập thì nó sẽ không mang Quốc hồn, không mang những tinh túy của dân tộc Việt Nam.

Chính vì vậy, năm 2003 chị đã quyết tâm làm sản phẩm áo dài lụa thêu tay, tuy nhiên những ngày đó thật sự khó khăn. Khách hàng đến đặt may áo dài đều từ chối những mẫu thiết kế của chị. Nghe đến tơ tằm hay thêu tay, họ vội vã lắc đầu vì sợ già, sợ quê. Lúc đó chị đã có chút bối rối bởi với một người chưa có tiếng tăm gì nhưng lại bắt tay vào làm theo kiểu vừa làm vừa học hỏi vừa rút kinh nghiệm thì liệu rằng mình có thành công hay không?

Tuy nhiên, với trái tim và với tất cả tình yêu với nghề tôi vẫn làm từng bước một. Ví dụ như với những khách hàng quay lưng lại với lụa, chị phải ngồi lại thuyết phục từng người, thuyết phục bằng mọi cách và cam kết rằng nếu làm xong không đẹp thì khách không cần nhận và sẽ hoàn lại tiền. Lời hứa này càng giúp chị vượt qua được chướng ngại vật lớn hơn bởi chị nghĩ rằng muốn đến được đích thì phải mở đường và phải chấp nhận đau thương.

“Lúc đấy tôi làm áo dài không hề có điều kiện gì, may một chiếc áo dài làm mẫu thôi cũng đã là cả một sự đắn đo bởi lúc đấy tôi chưa phải là một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Tôi xuất phát là sinh viên Đại học Văn Hóa để rồi với tình yêu với áo dài truyền thống, tôi đã tự mày mò, học hỏi cách may, tôi coi đó như một sứ mệnh, vì vậy mà tôi lao vào làm và làm. Tôi làm những điều mà không ai làm, những điều mà người khác cho là không thể. Nhưng may mắn rằng những người bên cạnh đã dành cho tôi sự cảm thông, đặc biệt là anh Hoàng Hiệu - chồng tôi. Người đồng hành với tôi suốt hơn 20 năm qua, hiểu rõ sự trăn trở cũng như ủng hộ tôi trong mọi quyết định”, chị xúc động chia sẻ.

Sứ mệnh lan tỏa tình yêu với tà áo dài Việt

Cho đến thời điểm hiện tại, Lan Hương là một trong số ít những nhà thiết kế đạt được nhiều thành công lớn khi gắn bó với áo dài truyền thống Việt Nam. Nổi tiếng là người kĩ tính và cầu toàn, với mỗi thiết kế, Lan Hương luôn thể hiện được tài năng riêng, phong cách tinh tế và đẳng cấp, trong mỗi thiết kế Lan Hương đều ẩn ý sau đó là một câu chuyện.

Ngoài ra, các thiết kế của nghệ nhân áo dài Lan Hương đã tôn vinh được vẻ đẹp hình thể của người mặc, sự tài khéo của các nghệ nhân may thêu cũng như những họa tiết làm nổi bật những nét đẹp văn hóa truyền thống. Để từ đó, Áo dài Lan Hương gây tiếng vang không chỉ ở các sàn diễn trong nước mà còn xuất hiện trên nhiều sàn diễn quốc tế.

Các thiết kế áo dài của NTK Lan Hương được biết đến trong các dịp lễ hội, các chương trình thời trang lớn như: Năm 2004, tại triển lãm Vân Hồ, Áo dài Lan Hương đã tỏa rạng trên sân khấu và vinh dự được chọn mặc làm lễ phục cho các hội nghị thượng đỉnh ASEM, APEC…

Năm 2010, dịp Đại Lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, cặp đôi áo dài thêu đủ 1.000 rồng, phượng của NTK Lan Hương không chỉ được trưng bày phục vụ khách thăm quan đến từ năm châu bốn bể mà còn được công nhận kỷ lục Việt Nam. Cặp áo dài kỷ lục đánh dấu bước tiến dài của NTK Lan Hương, đó là một cú bứt phá vượt mình để lớn mạnh.

Ngoài ra, Lan Hương cũng là người đầu tiên đưa được áo dài Việt vào các bảo tàng danh tiếng như Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Với những đóng góp của mình, năm 2013, Lan Hương được chứng nhận tham gia tích cực Festival Huế, năm 2016 chị đã trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên được Bộ VHTTDL trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa - thể thao - du lịch Việt Nam”.

Đặc biệt, vào cuối năm 2020, NTK Lan Hương đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”, đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng cho các nghệ nhân, là sự ghi nhận công lao to lớn thể hiện sự tri ân các nghệ nhân đã có cống hiến trong việc gìn giữ và phát triển ngành thủ công mỹ nghệ. Danh hiệu này cũng là sự ghi nhận xứng đáng, là động lực cho Lan Hương phát huy tài năng, phát triển tinh hoa nghề nghiệp để tiếp tục hành trình lan tỏa tình yêu với tà áo dài Việt đến với mọi người.

Bên cạnh đó, đây cũng là sự khẳng định một câu chuyện thành công, đáng để học hỏi, là niềm tự hào của người Việt về một thương hiệu trang phục cổ truyền đã tìm được vị trí cao quý trong thời hiện đại.

Nguyễn Na

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nghe-nhan-uu-tu-lan-huong-nguoi-thoi-hon-cho-ta-ao-dai-truyen-thong-20180504224249560.htm