Nghệ nhân Phạm Thị Thịnh - bao sóng gió cuộc đời đều qua đi nhờ ánh dương quang đại của đạo Mẫu

Sinh năm 1954 tại thành phố Hồ Chí Minh, nghệ nhân Phạm Thị Thịnh đã có 21 năm đồng. Vốn là một nữ doanh nhân quản lý một Công ty ở Sài Gòn nhưng vì gặp sự cố trong sinh hoạt đời sống mà bà đã một lòng hướng đạo phụng sự Thánh.

21 năm hành trì việc đạo, bà đã truyền dạy cho rất nhiều đệ tử là những người thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội, hiểu đạo và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Bà nhớ lại những năm tháng khó khăn khi cuộc sống còn gặp nhiều nỗi truân chuyên, bao nhiêu biến cố để rồi khi biết đến Mẫu, biết đến Phật Thánh, cuộc đời bà lại bước sang một trang mới tươi vui, nhẹ nhàng, bà như bắt gặp thứ ánh sáng “mặt trời chân lý chói qua tim”. Và rồi bà say sưa tìm hiểu và học đạo, gắn bó với các nghi thức hầu bóng truyền thống, tái hiện “bóng” của các vị Thánh thần. Niềm tin tâm linh có vai trò vô cùng quan trọng và là biểu hiện sinh động của văn hóa Việt. Người thực hiện Hầu thánh là các thanh đồng, họ là người được Thánh chọn, có cơ duyên theo nghiệp nhà Thánh, phụng sự Đạo. Khi lên sập hầu Thánh là lúc thanh đồng thực hiện kết nối các bậc tiên Thánh với thế giới trần tục để truyền đạt các giá trị về Chân – Thiện – Mỹ, hướng con người đến các giá trị tốt đẹp của đạo đức. Nghệ nhân Phạm Thị Thịnh trải qua 12 năm đồng thử thách của bề trên, nhà Ngài trao chọn bà mang một sứ mệnh cao cả là truyền dạy những giá trị văn hóa tâm linh tốt đẹp này cho những thế hệ tương lai. Bà chính là người khơi thông dòng chảy văn hóa tâm linh được lưu truyền mãi mãi như một mạch nguồn chẳng bao giờ vơi cạn.

Bà được đồng thầy là Nguyễn Trung Chừ làm lễ tôn nhang và trình đồng mở phủ tại đền Mẫu Cửu, đường Tôn Đản, Thành phố Hồ Chí Minh vào đúng ngày tiệc quan Hoàng Mười ngày mùng 10 tháng 10 năm 1997. Thầy chính là người đã truyền dạy cho bà rất nhiều điều, từ đó bà ngộ ra một thế giới tâm linh đầy màu nhiệm luôn hiện hữu giữa thực tại đời sống của con người Việt Na, đó chính là tục thờ vũ trụ, thờ nhiên thần và nhân thần, cha trời, mẹ đất. Người Việt Nam có tục thờ Mẫu, hướng cho tâm hồn con người luôn được bình an giữa bao bộn bề, khó khăn của cuộc sống. Những năm tháng khó khăn ấy, bà đã chuyên tâm học hỏi, từ một người còn ngô nghê với đạo, giờ đây bà đã trở thành một nghệ nhân truyền dạy cho các lớp học trò, và luôn phát tâm Hoằng dương đạo Mẫu tới khắp nơi thậm chí trao truyền tới cả đến bạn bè quốc tế.

Bà đã xây dựng hai ngôi điện thờ Mẫu tại thành phố Hồ Chí Minh là điện Phúc Linh thờ Quan Đệ Tứ có địa chỉ tại 479 Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình và đền Cô Bé Sóc ở tỉnh Bình Phước là hai địa chỉ tâm linh thực hành nghi lễ diễn xướng chầu văn hầu đồng vào các ngày lễ khánh tiệc của các vị Thánh, hoặc bốn mùa xuân hạ thu đông tâm thành chí thiết hương hoa lễ vật dâng tiến, cung đàn tiếng hát, cung nghinh loan giá phụng hành, bắc ghế hầu Thánh. Đó chính là Tâm lớn của người con Thánh tưởng nhớ công lao ân đức của các bậc tiền nhân, các vị đã được phong Thánh, để bản thân được hướng đạo, tu sửa về đạo đức. Trong những giai đoạn khó khăn nhất bà vẫn lo chu toàn trọn vẹn trước sau để thực hiện giữ gìn bản sắc tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu được tốt đẹp.

Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là một truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã gìn giữ và lưu truyền lại. Chính vì vậy bà luôn cố gắng học hỏi và tích lũy từ nhiều thế hệ đồng thầy cựu, từ những anh đồng bạn đồng để cùng nhau phát triển gìn giữ và lưu truyền đạo Mẫu cho thế hệ sau này. Đó là một việc làm hàng ngày hàng giờ kiên trì và bền bỉ nhưng lại rất cần ở những người thực hành một cái TÂM Trong Sáng. Nghệ nhân Phạm Thị Thịnh cho biết bản thân mình đã được đi rất nhiều nơi, được tham quan rất nhiều ngôi đền như đền thờ quan Hoàng Bảy Bảo Hà, Lào Cai, đền Phủ Dày Nam Định thờ Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Bà luôn tự hào mình là người kế thừa và gìn giữ được nghi lễ diễn xướng chầu văn.

Người hát chầu văn chính là một nghệ sĩ thực thụ

Thực tế thì người hát chầu văn cũng là người có căn đồng và có khả năng cảm thụ âm nhạc đặc biệt bởi mỗi một giá đồng là một bản văn khác nhau kể lại lai lịch của từng vị Thánh đã ứng đồng. Diễn xướng cần phải hiểu để diễn tả lại sao cho đúng hình tượng của các vị Thánh. Diễn xướng hầu đồng chính là lối múa thiêng của Nam thần và Nữ thần. Người ứng đồng cần phải diễn tả và tái hiện cả hai hình tượng Nam thần và Nữ thần. Nghệ nhân Phạm Thị Thịnh có cơ hội được thực hành nghi lễ diễn xướng hầu đồng tại nhiều đền thờ ở cả trong Nam và ngoài Bắc. Mỗi ngôi đền bà đặt chân đến đều có vẻ oai nghiêm tôn kính khác nhau nhưng tựu chung lại sức ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu tới đời sống tâm linh người miền Bắc vẫn mạnh mẽ và sinh động hơn hẳn.

Sau 12 năm đồng, nghệ nhân Phạm Thị Thịnh mới chính thức nhận ấn sắc phong đồng thầy, làm việc mở phủ cho con nhang đệ tử. Bà cho biết, tùy từng hoàn cảnh của mỗi con nhang khác nhau mà có sự chuẩn bị nghi lễ khác nhau sao cho phù hợp, nhưng phải đầy đủ cơ bản khi ra trình đồng. Song các lễ nghi không thể thiếu trong một đàn lễ mở Tam phủ Tứ phủ cần chuẩn bị hoa quả, lễ tam sinh. Đăng trà quả thực, kim ngân vàng mã; trầu cau chè thuốc. Quy cách thực hiện khoa cúng như sau: cúng Phát tấu Thỉnh Phật tuyên Kinh, cúng Phật. Sau đó đến cúng Mẫu, cúng Trần triều, cúng Tứ phủ, cúng sơn trang và cuối cùng cúng là khao thỉnh chúng sinh. Bất cứ một đàn lễ nào cũng đều tuân theo trình tự cúng như trên. Nếu vô ý hoặc cố ý làm sai hoặc thay đổi thứ tự các khoa cúng là đồng thầy đang tự làm lỗi đạo. Bước vào đàn lễ hầu mở phủ đồng thầy vào hầu chứng: đệ tử chuẩn bị cành cau, chè thuốc để thỉnh đồng thầy vào hầu chứng. Khi mở phủ đồng thầy thường hầu Tráng bóng 3 giá Mẫu xong hầu 5 hàng quan, 1 chầu đệ nhị sau đó sang khăn cho đệ tử.

Theo đó giá quan Đệ nhất thể hiện phủ màu đỏ, nhận sớ xin ra trình đồng làm con của Mẫu, nhận đàn, nhận lễ (pháp sư đã tấu đối tuyên Kinh thỉnh Phật trình Mẫu).

Giá Quan Đệ nhị về mở hai phủ màu đỏ, xanh (Đệ nhất - nhị).

Giá Quan Đệ tam về mở hai phủ trắng, vàng (Đệ tam - tứ)

Giá Quan đệ tứ nhận đàn, nhận sớ và cấp sắc cho Thanh đồng (là con nhà Thánh có đạo Mẫu)

Quan tuần, chứng lễ và tiễn đàn để hóa sớ (Quan Đệ nhất cai quản Thượng thiên (thủ phủ). Quan Đệ Nhị giám sát cai quản Nhạc phủ, Quan Đệ tam cai quản Thoải phủ, Quan Đệ tứ khâm sai quản cai Địa phủ.

Đa số đồng thầy thỉnh hầu giá Chầu bà đệ nhị cai quản miền thượng ngàn để sang khăn sang áo cho tân thanh đồng và chứng lễ sơn trang (khăn đỏ, áo đỏ). Cũng có một số đồng thầy mở phủ cho đệ tử thỉnh chầu giá Chầu Lục, chầu Mười, chầu Bé …

Là người trực tiếp được tiếp xúc với tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu qua đồng thầy, qua bạn bè là các thanh đồng từ khắp trong Nam ra Bắc, nghệ nhân Phạm Thị Thịnh hiểu rõ hơn bao giờ hết những giá trị to lớn về một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đó là truyền thống Uống nước nhớ nguồn, truyền thống Ân trung hiếu nghĩa, tốt đời đẹp đạo của con dân đi đời gìn giữ và kế thừa của dân tộc Việt. Đồng thời đó cũng là niềm tự hào thúc đẩy người nghệ nhân dân gian luôn cố gắng phát huy tiến triển đạo Mẫu cũng như thể hiện trách nhiệm của một đồng thầy một thanh đồng đi trước. Mặc dù sinh sống và làm việc ở dải đất miền Nam nhưng bà luôn hết lòng phụng sự Thánh, hoằng dương đạo Mẫu tại hai miền Nam Bắc. Nghệ nhân Phạm Thị Thịnh đã dốc sức cùng nghệ nhân dân gian đồng đền Nguyễn Văn Được xây dựng đền Tiên Hương Vọng Phủ xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngôi đền thờ vọng quan Hoàng Mười được xây dựng khang trang, tôn nghiêm. Ngôi đền có tượng Quan được tự tay nghệ nhân Phạm Thị Thịnh nhờ người cất công đem từ Nam ra Bắc để tôn thờ tại đền. Bà đã trao truyền cho rất nhiều đệ tử tiếp tục kế thừa và gìn giữ những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc.

Người “Thổi Hồn” cho những giá trị truyền thống được lưu danh

Nghệ nhân Phạm Thị Thịnh luôn răn dạy kĩ lưỡng, chi tiết cho mỗi một đồng tân về quy cách và cung cách hầu Thánh sao cho chuẩn mực. Bởi đó không đơn thuần chỉ là một lễ nghi truyền thống mà còn là niềm tự tôn và tự hào dân tộc về những bậc vĩ nhân từng có công lớn với quê hương, đất nước được nhân dân tôn sùng làm Thánh, Thần. Khi hầu Thánh, phải có lễ chay, mặn, đăng trà, quả thực, hương hoa. Khăn áo, tôn nghiêm, trang trọng. Khi hầu Thánh mặt phải hướng về phía công đồng, tuyệt đối không được xoay người vào công đồng. Khi hầu các bóng các giá là tái hiện hình tượng các vị Thánh nhân hoặc thiện thần, thủy thần… Hầu quan lớn đệ Tam ngài là vị quan lớn cai quản bản mệnh các chư vị thanh đồng, ngài là thủy thần có từ thời Hùng Vương có công dẹp giặc nên được mệnh danh là Quan Tam Phủ nắm giữ sổ sinh sổ tử, nên các thanh đồng bắt buộc phải hầu giá quan Đệ Tam trong các canh hầu. Hầu giá quan lớn thanh đồng mặc áo thêu rồng, hổ phù thắt đai đỏ, thanh đồng đi lưu thủy, tế, khai quang, khi trống trận nổi lên cung văn hát thì ngài dùng song kiếm để tái hiện lại cảnh đánh giặc… khi tọa ngự thì nghe văn chúc rượu, thơ phú tái hiện lại cảnh tượng thung dung khi an nhàn thảnh thơi.

Hầu giá chầu bà là hóa thân thành vị thánh nữ miền núi như: Chầu Bà Đệ Nhị Đông Cuông, bà cai quản các cửa rừng nên khi hầu thánh bà các thanh đồng cũng không thể bỏ qua giá hầu bà, trang phục hầu theo lối dân tộc như đầu đội nón buồm, áo thêu hoa, cổ đeo kiềng bạc…khi múa hầu là tái hiện lại năm thế múa cổ, múa cuộn tay năm ngón, có điệu múa mồi, múa đuốc rất tâm linh …

Khi hầu đến giá các ông Hoàng như ông Hoàng Mười, ngài là nhân thần có công dẹp giặc giúp dân khai hoang, văn võ song toàn, các thanh đồng khi hầu ngài thể hiện tư thái nhẹ nhàng khoan thai khi thưởng thức cung đàn tiếng hát. Khi nhập đồng thì mặc áo thêu màu vàng. Chiện thọ, khi hầu ngài ra trận thanh đồng cầm cờ để tái hiện hình tượng áo vải cờ đào.

Hầu các giá Thánh Cô: Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Ba Bông, Cô Tư Tây Hồ, Cô Sáu Sơn Trang, Cô Chín Sòng Sơn, Cô Bé Thượng, đó là hình tượng các Thánh Cô tuổi chừng mười tám đôi mươi khi lên hầu các Thánh Cô rất nhẹ nhàng vui tươi, uyển chuyển như Cô Đôi: trang phục màu xanh lá cây, áo thêu hoa lá, quần xòe, cổ đeo vòng bạc, tai đeo hoán vàng, cô về đồng cũng vui tươi múa mồi đốt đuốc… Khi các đệ tử hầu làm sao cho không khí tưng bừng, vui tươi, hoan hỷ thì các canh đàn mới đắc lộc, đắc tài và cầu được bình an. Khi các đệ tử hầu đến Cô Bơ là Thánh Cô có công giúp vua chèo thuyền chở binh lính quan quân thời chống giặc qua sông Thác Hàn, khi hầu Cô khăn áo màu trắng, trang nghiêm và khi người hầu có những mối lo chưa được giải quyết thì bóng cô về sẽ dự báo tốt xấu cho những sự việc đó, nếu tốt đẹp thì nét mặt cô tươi còn nếu chưa trọn thì nét mặt cô Bơ buồn, cô dùng đôi mái chèo để thể hiện hình tượng của cô khi nhập đồng ảnh bóng. Hầu đến giá Cô Bé Thượng Ngàn, Cô mặc áo quần dân tộc, đốt đuốc múa mồi, người hầu thể hiện không khí vui tươi, hát văn thì thể hiện âm nhạc và lời hát âm vang núi rừng gợi lên cảnh rừng thiêng, lời văn hát như: Đền thờ Cô ở tận nẻo xa, Có cây bên suối có nhà sàn nương…

Khi hầu đến Cậu Bé, trang phục áo ngắn, Cậu Bé hầu thì vui tươi nhưng cũng rất nghiêm trang, không nghiêm nghị như hầu Quan, Hoàng. Cậu Bé về đồng thường múa hèo, múa lân là một trong những giá hầu cuối của khóa lễ, nên người hầu kết thúc cho thật vui tươi, mọi người ra về được hoan hỷ.

Năm 2015, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao tặng Kỷ niệm chương, đây là phần thưởng cao quý nhất của Hội. Năm 2016, bà tham gia chương trình Nghệ thuật và diễn xướng nghi lễ chầu văn lần thứ 3 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp phép. Nghệ nhân Phạm Thị Thịnh nhận được Giấy chứng nhận và tặng Kỷ niệm chương. Năm 2017, bà tham gia chương trình Nghệ thuật và diễn xướng nghi lễ chầu văn lần thứ 4 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp phép. Tháng 10 sắp tới bà chính thức được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, đó cũng chính là món quà tuyệt vời nhất cho những nỗ lực trọn đời của bà phụng sự hoằng dương đạo Mẫu.

Với TÂM LỚN của một người con Thánh, nghệ nhân Phạm Thị Thịnh luôn nguyện cống hiến hết sức trẻ, tài năng và trí huệ của mình phát tâm công đức khắp các đền các phủ và truyền dạy cho lớp lớp những thế hệ học trò. Đồng thầy cần là người hiểu và thương con đồng hơn bao giờ hết, nhắm biết được kế sinh nhai của con đồng mà sắm bày lễ nghi sao cho đầy đủ, hợp lý và vừa với khả năng của mỗi thanh đồng. Cái tâm sáng trong của người đồng thầy chính là ánh hào quang sáng nhất để bao thế hệ học trò luôn học hỏi và noi theo. Lưu giữ và chân truyền nét đẹp trong bản sắc văn hóa tâm linh luôn màu nhiệm, hướng tới Chân, Thiện, Mĩ là việc làm cần thiết mà mỗi một đồng nhân cần tu dưỡng trong đời sống hàng ngày.

Xuân Huy

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nghe-nhan-pham-thi-thinh--bao-song-gio-cuoc-doi-deu-cung-qua-di-nho-anh-duong-quang-dai-cua-dao-mau-63506