Nghệ nhân nặng lòng với Then ở Nà Làng

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Hoàng Thị Viên (sinh năm 1957), ở thôn Nà Làng, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh vẫn miệt mài đóng góp vào việc giữ gìn và phát huy vốn văn hóa Then cổ của cha ông để lại.

Bà Hoàng Thị Viên (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng các hội viên trong câu lạc bộ của địa phương. Ảnh: Long Vũ

Bà Hoàng Thị Viên (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng các hội viên trong câu lạc bộ của địa phương. Ảnh: Long Vũ

Khuôn mặt hiền hậu, cái nắm tay thân tình cùng nụ cười tươi rói vẫn còn đầy nét duyên trong lần đầu gặp gỡ khiến chúng tôi thầm nghĩ, chắc hẳn thuở trước, bà Viên là cô gái xinh đẹp trong vùng. Vừa dẫn chúng tôi vào nhà, bà Viên vừa niềm nở bảo lâu rồi mới có khách đến chơi, bà vui quá. Nhớ về chuyện xưa, bà Viên kể: Ngày còn nhỏ, mỗi khi có dịp, bà lại theo chân người thân trong gia đình đi xem múa, hát Then. Lớn lên, trong những lần đi chơi cùng bạn bè, nghe và xem những bài hát Then, bà càng thêm yêu và mong muốn gắn bó với nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tày. Nghe một lần chưa nhớ, hai lần chưa thuộc thì cứ nghe tiếp, xem tiếp, lời ca thấm dần rồi chẳng biết từ bao giờ, bà thuộc làu làu những bài Then.

Ngày ấy, múa hát Then xuất hiện thường xuyên trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Tày bên dòng suối Nà Làng, từ lễ hội cầu mùa, cúng giải hạn, mừng nhà mới, đám cưới... Trong ký ức của bà Viên giờ vẫn nhớ như in những bài hát then rộn rã tiếng đàn, tiếng hát, những điệu múa uyển chuyển, dập dìu từ sáng sớm đến đêm khuya với bao hân hoan, say đắm...

Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Hoàng Thị Viên nằm trên một con đồi nhỏ nhìn xuống khe suối trước bản. Bà đang bộn bề ngổn ngang với những tài liệu, bản thảo nghiên cứu về gốc tích các bài Then, làn điệu Then của dân tộc Tày. Ở tuổi 63, bà Viên vẫn còn nhanh nhẹn. Là người con của dân tộc Tày, sinh ra giữa miền rẻo cao vùng Đông Bắc của Tổ quốc, dường như tình yêu của bà với văn hóa Tày chưa bao giờ vơi cạn. Văn hóa Tày có rất nhiều điều đặc biệt, vừa phong phú, vừa đa dạng. Được tiếp xúc với văn hóa Tày ngay từ nhỏ nên bà Viên càng thấy yêu và tự hào về văn hóa của dân tộc mình. Hát Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, đây cũng là sản phẩm văn hóa tinh thần của người Tày được gìn giữ qua hàng trăm năm. Vì vậy, bà Viên rất vui và hạnh phúc là người vừa sưu tầm, vừa truyền dạy về văn hóa người Tày, đặc biệt là các bài Then của dân tộc mình.

Theo bà Viên, hát Then là một trong những kho tàng văn hóa “đặc biệt” của người Tày. Hát Then cũng có nhiều dạng như hát then mùa Xuân, hát Then trong lao động sản xuất và cũng có lúc hát then trong lễ cầu mùa, mừng nhà mới, lễ cầu an... Tất cả các bài hát Then đều mang ý nghĩa răn dạy con người những điều tốt đẹp, tình yêu và cả những kinh nghiệm của người xưa... Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, đã có lúc hát then tưởng chừng như bị mai một, dần mất đi vị thế của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Vì thế, để gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa quý giá ấy thì chính nghệ nhân phải là người “giữ lửa”, giữ cho mình một tình yêu chung thủy với then, dành tất cả tâm huyết, niềm đam mê, làm tất cả những gì có thể để hát then giành lại vị trí xứng đáng của mình trong cộng đồng xã hội. Và nghệ nhân Hoàng Thị Viên đã làm được điều đó.

Hiện tại, bà Viên là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính, hát Then thôn Nà Làng, xã Tình Húc với trên 40 thành viên trong xã và các xã lân cận như Húc Động, Đồng Tâm... Trong đó, có nhiều thành viên nhỏ tuổi đã được bà truyền dạy hát then, đàn tính, qua đó, giúp các em thêm yêu và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Em Lý Thị Nương là một trong những học trò trẻ tuổi nhất của bà Viên, chỉ mới 10 tuổi nhưng em đã thành thạo đánh đàn tính, thuộc 16 bài hát Then, trong đó có cả những bài Then cổ. Em Nương nói, bà Viên chỉ dạy rất tỉ mỉ, sau khi học xong đàn thì mới học hát. Khi biết đánh đàn và hát thành thạo nhiều bài then, em và các bạn rất thích, càng say mê tập luyện hơn. Vui nhất là các em được cùng các thành viên trong câu lạc bộ biểu diễn phục vụ người dân địa phương.

Ông Ngô Bảo Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tình Húc cho biết, chính quyền xã luôn tạo điều kiện tốt nhất để câu lạc bộ hát Then luyện tập và sinh hoạt theo định kỳ, từ đó giúp câu lạc bộ ngày càng nâng cao chất lượng và tăng thêm số hội viên tham gia. Chính quyền xã cũng khuyến khích bà Hoàng Thị Viên tiếp tục truyền dạy cho bà con cũng như các em nhỏ để có thể duy trì và bảo tồn làn điệu Then truyền thống, khi mà hát then được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Không chỉ truyền dạy cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày, bà Hoàng Thị Viên còn đang sưu tầm, sáng tác những làn điệu, những bài hát mới, từ đó góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật của dân tộc Tày.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghe-nhan-nang-long-voi-then-o-na-lang/