Nghệ nhân mong muốn Thành phố quan tâm hơn đến nghề làm lụa tơ sen

Lụa tơ sen xuất hiện tại làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) từ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân dệt lụa dâu tằm tơ Mỹ Đức. Cùng với những nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các nghệ nhân Mỹ Đức đã xây dựng thương hiệu lụa tằm ngày một phát triển bền vững. Riêng đối với lụa tơ sen, một sản phẩm mới hình thành từ quá trình sáng tạo của nghệ nhân dệt lụa Mỹ Đức để tạo nên sự khác biệt đối với những làng dệt lụa khác, thì rất cần được đầu tư và có định hướng cụ thể.

Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được thành lập năm 2010 ngay chính giữa làng nghề dệt mụa Mỹ Đức, tạo điều kiện việc làm cho hàng chục người lao động địa phương. Các sản phẩm của công ty sản xuất hiện nay như gối, khăn, áo, túi.. đang được ưa chuộng ở cả thị trường trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Đức, Thái Lan…

Nghệ nhân Phan Thị Thuận miệt mài bên những guồng tơ. (Ảnh: Tuấn Trần)

Tuy nhiên, theo Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, sản phẩm lụa tơ tằm chủ yếu do con tằm nhả tơ rồi kén sợi mất nhiều thời gian và công đoạn, chi phí tốn kém… Từ những quan sát và theo kinh nghiệm làm nghề lâu năm, năm 2015 nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu sáng kiến để con tằm tự dệt ra sản phẩm mền bông để tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất giảm nhưng đem lại hiệu quả cao. Sản phẩm này đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Nhật, Anh, Đức, Mỹ, Ý, Thái Lan…

Sáng kiến để tằm tự dệt đã mang lại cho nghệ nhân Phan Thị Thuận Giải nhất cuộc thi Nhà nông sáng tạo năm 2015 và nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, Thành phố, chính quyền địa phương.

“Đầu năm 2017, tôi được chính quyền địa phương và các đơn vị đưa sang thăm Campuchia để giao lưu học hỏi về kỹ thuật làm lụa tơ sen của họ. Sau chuyến công tác này tôi cho rằng, hoàn toàn có thể phát triển ngành này ở Mỹ Đức. Với số lượng nhân công cũng như diện tích đầm sen của huyện Mỹ Đức, ngành dệt từ tơ sen có nhiều lợi thế để phát triển”, nghệ nhân cho biết.

Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, bên cạnh việc gìn giữ và phát triển lụa tơ tằm, bà rất mong muốn làm sản phẩm từ lụa tơ từ cuống lá se. Vì sen là loại cây rất phổ biến ở Việt Nam. Lụa tơ sen vốn là loại lụa quý giá có nguồn gốc từ Myanmar. Bà đã bắt tay vào nghiên cứu dù bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Trong quá trình nghiên cứu thực hành đã thất bại nhiều lần và tạo ra những sản phẩm có chất lượng chưa cao.

Sau một thời gian miệt mài với nghề và quyết tâm cho ra những sản phẩm tinh tế, đạt chất lượng, đến nay đã cho ra những chiếc khăn lụa mang chất lượng và màu sắc đảm bảo như những sản phẩm lụa cao cấp khác. Đây là bước đột phá trong việc không ngừng tìm hướng đi đầy sáng tạo cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm khác trong việc làm lụa.

Với hướng đi mới này, Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời tăng thu nhập cho các chủ đầm sen và tạo ra một sản phẩm lụa mới mang thương hiệu Mỹ Đức.

NNƯT Phan Thị Thuận cho biết, bà sẵn sàng chỉ dạy mọi công đoạn từ cách lấy sợi tơ sen đến cách dệt khăn cho các công nhân, nghệ nhân dệt lụa. Hiện nay, nghệ nhân Phan Thị Thuận đang tiến hành đào tạo kỹ thuật sản xuất tơ sen cho hàng chục người trong và ngoài địa phương để phát triển ngành dệt lụa tơ tằm, lụa tơ sen, đưa làng nghề ngày càng phát triển và có lớp nghệ nhân kế cận thạo nghề.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận mong muốn được Thành phố quan tâm, tạo điều kiện, có định hướng cụ thể để cho việc phát triển lụa tơ sen, giải quyết được vấn đề công việc cho nhiều lao động nông nhàn, tận dụng được nguồn cuống sen sau khi đã thu hoạch hoa. Từ lụa sen, có thể sản xuất các mặt hàng lưu niệm, làm quà tặng các đoàn khách quốc tế đến thăm Hà Nội, đó là món quà ý nghĩa và thuần Việt. Điều đó sẽ mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen ở Việt Nam.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nghe-nhan-mong-muon-thanh-pho-quan-tam-hon-den-nghe-lam-lua-to-sen-84882.html