Nghệ nhân lưu giữ nghệ thuật tò he trong lòng Hà Nội

Việt Nam là một trong số những nước hiếm hoi trên thế giới có truyền thống làm đồ chơi con giống bằng bột hay còn gọi là tò he cho trẻ em. Nhiều năm về trước, tò he đã từng là đồ chơi dân gian không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu về. Đến nay, đồ chơi này đã không còn thịnh hành, thế nhưng thật đáng quý, vẫn có những nghệ nhân miệt mài tìm cách lưu giữ và bảo tồn những nét đẹp ấy ngay trong lòng Hà Nội.

Mang nét đẹp xưa quay lại

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, thời điểm này, nếu có dịp ghé qua phố cổ Hà Nội, ai cũng phải choáng ngợp với những sắc màu rực rỡ của hàng ngàn món đồ chơi dành cho trẻ em. Nếu để ý kỹ, người ta sẽ thấy có một chiếc bàn thấp nhỏ ghé trên hè phố Hàng Mã trưng bày những con giống như lợn, gà, trâu, ngựa, dê, chó…

Bé Thanh Tùng, 7 tuổi, được mẹ đưa đi chơi trên phố cổ. Khi nhìn thấy những con thú nhỏ xíu với đủ các màu sắc, bé rất tò mò và lạ lẫm. Hết nhặt từng con vật lên ngắm, nhìn, bé lại chạy ra chỗ người nghệ nhân trẻ đang miệt mài nặn nên những con giống. Người nghệ nhân đó là anh Đặng Văn Hậu, 33 tuổi ở làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Đây là ngôi làng có nghề truyền thống làm con giống bột còn lại duy nhất ở Thủ đô.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề làm tò he

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề làm tò he

Mặc dù còn rất trẻ, thế nhưng anh Hậu đã có 15 năm gắn bó với nghề này. Ngay từ khi còn nhỏ, anh Hậu thường hay ngồi bên manh chiếu nhìn ông ngoại trực tiếp nặn ra những “con giống” đẹp đẽ. Ban đầu chỉ xuất phát từ sở thích bình thường, nhưng dưới sự chỉ dạy tận tình của ông, dần dần những cục bột màu, những con tò he đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh.

Chia sẻ về cái tên tò he, anh Hậu cho biết, thực ra trước đây nó không phải là tên tò he mà gọi là bánh chim cò, con giống bột. Con giống bột gồm có ba loại là con giống của Đồng Xuân, của Phố Khách và của Phú Xuyên. Tuy nhiên vào đầu năm 90 con giống bột của Đồng Xuân và Phố Khách gần như đã thất truyền, con giống Phú Xuyên thì chỉ thịnh hành nặn các nhân vật trong phim và được gắn vào que tre.

Không biết do nhầm lẫn nào đó mà một bài báo viết về nghề này vào năm 1994 đã gọi con giống bột của Phú Xuyên thành “tò he”, trong khi “tò he” vốn là tên gọi của những con giống bằng gốm cũng thổi được và là sản phẩm của làng gốm Thanh Hà, Hội An. Cũng kể từ đó cho đến nay, đa số mọi người vẫn gọi con giống bột là tò he.

Quyết tâm giữ nghề

Trong quá trình gìn giữ nghề nặn tò he truyền thống, nghệ nhân Đặng Văn Hậu gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm “bám trụ” tiếp tục những kế hoạch để giữ gìn và phát triển nghề nặn tò he của quê hương. Đặc biệt, anh Hậu cho biết trong quá trình “bám trụ” với nghề, anh may mắn được gặp nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách và nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh – người duy nhất còn làm được con giống Đồng Xuân.

Anh Hậu đã và đang nghiên cứu để phục hồi lại con giống Đồng Xuân, con giống Phố Khách

Kết hợp từ kỹ thuật của nghệ nhân Nguyệt Ánh cùng với kí ức và những phác họa của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã học và phục hồi được những con giống cổ như ngày xưa. Từ con giống chợ Đồng Xuân, đến con giống Phố Khách, con giống Phú Xuyên đã được phục hồi từ năm 2017. Và thế là từ đó đến nay, những người dân Hà Nội lại được nhìn thấy những con nghê hý châu, sư tử hý cầu, con cá vàng, bộ lục súc và cả con giống ở Huế cũng được phục hồi lại gần như đầy đủ.

Bên cạnh đó, anh Hậu cũng không ngừng tìm tòi các nguyên liệu, mẫu mã mới, cho tới giờ anh đã sáng tạo ra được những con tò he bền hơn và có thể giữ được trong nhiều năm. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ: “Đây là một nét đẹp cổ của Hà Nội, nhất là trong dịp Trung thu, là một món đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam. Do vậy, tôi cho rằng không có ký do gì mà mình lại không giữ gìn và bảo vệ những nét đẹp xổ xưa đó”.

Để ngày một phát huy hơn nữa làng nghề truyền thống, nghệ nhân Đặng Văn Hậu nói riêng và các nghệ nhân khác nói chung luôn phải cập nhật các nhân vật hoạt hình cho phù hợp thị hiếu của lớp trẻ nên bản thân cũng thường xuyên tìm hiểu phim hoạt hình, nhân vật nào đang được yêu thích. Đồng thời vạch ra những kế hoạch riêng cho bản thân trong việc phát triển nghề.

Ngoài việc nặn và bán tò he tại các hội chợ và trung tâm Thương mại, vào hai ngày cuối tuần, anh Hậu còn mở thêm lớp dạy nghề tại nhà. Bên cạnh đó, mỗi khi nhận được lời mời đến biểu diễn và dạy tò he tại các trường học và một số nơi trên địa bàn Hà Nội. Trong quá trình làm nghề, nghệ nhân Đặng Văn Hậu rất phấn khởi vì ở thời điểm hiện tại, tò he vẫn còn nhận được sự quan tâm lớn từ mọi người.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nghe-nhan-luu-giu-nghe-thuat-to-he-trong-long-ha-noi-96141.html