Nghệ nhân Lê Văn Tuy: 'Ngọn gió' làng Chuông

Bố mất sớm, nên chỉ được học hết cấp 2, cậu bé Lê Văn Tuy đành xếp lại giấc mơ trở thành một thầy giáo làng. Nghề làm nón mà anh đã mắt quen thấy, tay quen làm từ khi 5-7 tuổi đã giúp cả gia đình anh vượt qua thời kỳ gian khó.

Dù đã có một cơ ngơi kha khá, anh Lê Văn Tuy vẫn bẽn lẽn cười hiền khi được gọi là “doanh nhân” hay “nghệ nhân”. Chuyện với chúng tôi về những ngày xưa ấy, Lê Văn Tuy kể với vẻ tiếc nuối, rằng anh đã khao khát được học tiếp biết bao. “Đề thi tốt nghiệp cấp 2 năm đó tôi vẫn nhớ như in, cũng là lần cuối cùng tôi được miệt mài với con chữ ở trường. Nhưng cảnh nhà khó, đành cứ miệt mài làm nghề, rồi khấm khá dần lên. Có lẽ vì tôi chịu khó mày mò, khéo tay nên nón kiểu gì cứ đưa mẫu hoặc nêu yêu cầu là tôi khắc làm được”.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh…

Nằm bên sông Đáy, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Quốc Oai) thuộc Hà Tây cũ từng nổi tiếng khắp miền Bắc với nghề làm nón. Nón Chuông từng được chọn để cung tiến hoàng hậu, công chúa trong cung cấm. Hình ảnh đảm đang mà vẫn dịu dàng, duyên dáng của các cô gái Bắc kỳ xưa không thể thiếu chiếc nón Chuông:

“Trên đầu đội nón làng Chuông
Ra đồng, xuống chợ, tới trường, vào thơ
Dịu dàng che nắng, che mưa
Nón bằng, nón chóp ngàn xưa chung tình”
(Hoàng Cẩm Thạch)

Nón có rất nhiều loại, nhưng chiếc nón nào cũng phải có chóp. Đặt chóp rồi mới xây nón, thắt nón (từ riêng của người làng để chỉ việc lợp lá, khâu nón); lồng cạp, khâu nhôi… Khâu nào cũng cần sự tỉ mỉ, chăm chút thì chiếc nón làm ra mới ưng ý - anh Tuy giảng giải. Tất nhiên, trước khi bắt đầu “xây nón” thì cần chuẩn bị đủ đầy nguyên liệu tốt. Người làng Chuông từ lâu đã cậy nhờ các làng bạn những khâu này. Lá cọ non, già được người làng buôn từ Nghệ An ra, Phú Thọ xuống. Khuôn nón người làng Vác đóng khéo. Vòng nón bằng tăm tre vót nuột, uốn dẻo tay đã có xã Kim Thư, cạp nón có Trường Xuân. Tất cả nguyên liệu đều có thể mua ở chợ Chuông, cứ một tháng 6 phiên (ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch, họp từ tờ mờ sáng). Làm hàng nhiều như anh Tuy (trung bình mỗi ngày xuất bán chừng 1.000 chiếc nón) thì đã có các mối hàng quen. Thợ nhà chừng 10-15 người, chủ yếu đáp ứng những đơn hàng “độc”, khó. Với khách có yêu cầu đơn giản hơn, đã có các hộ làm nón trong làng cung ứng. Anh Tuy chỉ việc tập hợp, kiểm định, giao hàng.

Chính vì có nhiều công đoạn, nên làm nón là công việc có thể phân công, “chuyên môn hóa” theo dây chuyền trong từng hộ gia đình, hoặc một nhóm hộ sản xuất. Trẻ em bảy, tám tuổi cho đến các cụ phụ lão đã thất thập đều có thể tham gia. Ấy nhưng vì thế mà nhiều người có thể rất quen tay một khâu nào đó, nhưng chưa chắc đã làm chủ được kỹ thuật làm nón từ đầu đến cuối. Không nhiều người trong làng nghề có thể đáp ứng mọi yêu cầu khó của khách hàng như anh Tuy.

Bước ngoặt lớn đến với anh vào năm 1999, khi nhận được đơn đặt hàng là một chiếc nón cỡ lớn, đường kính tới 1m, với yêu cầu lá nón không được nối. Loay hoay tự thiết kế xong chiếc khung mới với kích thước khổng lồ, anh Tuy còn kỳ công chọn lựa được từng chiếc lá nón dài, trắng đẹp, mỏng tang, nhưng lại bền, dai. Trước khi đưa lá vào khuôn, lá nón được là phẳng bằng cách miết trên chiếc lưỡi cày hơ nóng, đảm bảo không “sống”, không cháy, phẳng phiu mà không giòn, không rách. Vì chiếc nón quá lớn, 2 vợ chồng anh đã phải miệt mài cùng làm, mỗi người ngồi khâu một phía.

Thành công từ chiếc nón này không chỉ đem lại một khoản thu nhập và tiền thưởng đáng kể từ khách hàng, mà còn mở ra cho anh Tuy một hướng đi mới: sáng tạo thêm nhiều mẫu mã để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Thế là, ngoài những chiếc nón che mưa nắng thông thường, anh còn đưa ra thị trường nón quai thao, nón phủ lụa, các loại nón làm quà lưu niệm, nón phục trang trong các phim cổ trang; nón kiểu Thái, kiểu Hàn Quốc, kiểu Tàu…

Anh kể: “Mấy năm trước, có cô giáo đặt tôi làm chiếc nón vuông để mang đi Nhật. Không có mẫu, chỉ tự tưởng tượng, thế mà rồi tôi cũng làm xong, khách hàng rất vừa ý. Mới đây, hồi năm ngoái, xưởng phim truyện đặt tôi phục dựng nón thời Nguyễn, cũng lại tự nghĩ tự làm, các anh ấy cũng rất hài lòng”.

Anh Tuy đang ấp ủ có một khoảnh đất đủ rộng để trưng bày sản phẩm, tổ chức dạy nghề cho du khách, nhất là để các em học sinh đến trải nghiệm

Để gió làng Chuông thổi mãi

Tuy vẫn duy trì được các đơn hàng với số lượng lớn (mỗi tháng, gia đình anh xuất bán khoảng 3 vạn chiếc nón các loại), nhưng anh Tuy chia sẻ, nhu cầu tiêu dùng nón trên thị trường nói chung không còn cao như xưa. Anh chỉ là “một trường hợp may mắn”. Vì nghề nón nói chung đã mai một nhiều, khó phát triển, thu nhập của người làm nón không cao. Thợ giỏi cũng chỉ được khoảng 70.000 đồng/ngày, nên không nhiều người trẻ còn tha thiết với nghề. Chỉ được cái là lúc nào cũng có việc làm, gia đình quây quần, trẻ con ít lang thang hư hỏng, người già vừa làm vừa trò chuyện, tình làng nghĩa xóm nhờ vậy cũng gắn bó hơn.

“Hai con trai tôi, đứa đang đại học năm cuối, đứa học cấp 3, tuy cũng biết làm nón, nhưng chỉ tham gia vài khâu, chưa đứa nào làm được một chiếc hoàn chỉnh từ đầu đến cuối”, anh Tuy trăn trở. Chính vì thế, không thể duy trì mãi cách làm hiện tại. Anh Tuy đang ấp ủ mong muốn có một khoảnh đất đủ rộng để trưng bày sản phẩm, tổ chức dạy nghề cho du khách, nhất là các em học sinh, đến trải nghiệm. Dù cơ sở của anh đã là một “địa chỉ đỏ” cho khách du lịch đến tham quan, nhưng vẫn “chật quá nên cứ có sao bày ra vậy, chưa có quy cách gì” – anh Tuy cười ngượng nghịu.

Và dù đã tham gia nhiều đợt triển lãm trong nước, dù đã xuất nhiều container hàng đi khắp 5 châu 4 bể, doanh nhân này cho biết, anh chưa bao giờ trực tiếp gặp gỡ khách hàng nước ngoài. Anh mong muốn sẽ có dịp đi xa, giới thiệu cho bạn bè các nước cái hay, cái đẹp của chiếc nón và nghề làm nón của quê mình - một làng quê ven đô vẫn còn giữ được vẻ chất phác, bình yên đến nao lòng. Nhất là vào những buổi chợ phiên có tiếng cười nói lao xao trong sương giăng mờ ảo những sớm mùa đông giáp Tết...

Ngọc Khánh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nghe-nhan-le-van-tuy-va-nhung-chiec-non-chuong-124795.html