Nghệ nhân - làng nghề - du lịch: Gắn kết cùng phát triển

Vấn đề phát triển du lịch làng nghề nhận được sự quan tâm rộng rãi trong thời gian gần đây. Khó khăn, giải pháp tháo gỡ nhằm phát triển du lịch làng nghề là điều được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các hội nghị, hội thảo liên quan đến vấn đề này ở đất Hà Nội trăm nghề, trong đó, vướng mắc chính là thiếu sự gắn kết cần thiết giữa nghệ nhân, làng nghề và doanh nghiệp du lịch.

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (áo trắng) truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Ảnh: Sơn Hà

Nghệ nhân là hạt nhân

Vừa qua, 42 người đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” - một tín hiệu tốt cho câu chuyện tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân. Là một trong những người trẻ nhất được vinh danh trong đợt phong tặng danh hiệu này, nghệ nhân sơn mài sinh năm 1983 Nguyễn Tấn Phát (Ái Mỗ, Trung Hưng, Sơn Tây) không giấu niềm vui mừng trước “sinh lộ” mở ra trước mắt.

Nguyễn Tấn Phát có đôi tay khéo léo cùng đam mê tìm hiểu nghệ thuật truyền thống. Ngay từ khi còn học tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành sơn mài, anh đã làm việc cho các cửa hàng trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ ở khu phố cổ Hà Nội. Thời gian rảnh, anh về làng sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín), xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu.

Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Tấn Phát mở doanh nghiệp tư nhân ở thị xã Sơn Tây, chuyên làm tranh, đồ gia dụng, đồ trang sức khảm trai, sơn mài. Từ năm 2010 đến nay, Nguyễn Tấn Phát liên tục được trao giải thưởng thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng của Hà Nội và nhiều địa phương khác. Tiêu biểu là giải thưởng “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP Hà Nội” năm 2011 dành cho bộ trang sức sơn mài, giải Nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014 cho bộ đĩa cá biển sơn mài…

Nguyễn Tấn Phát cho rằng, do được tiếp xúc với nhiều khách du lịch từ khi còn làm thợ ở khu phố cổ nên anh hướng vào thiết kế các sản phẩm lưu niệm, trang sức nhỏ gọn. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình phục vụ khách du lịch tại Sơn Tây, liên kết với các điểm đến nổi tiếng của vùng đất này như Làng cổ Đường Lâm, chùa Mía… là điều anh đã nghĩ tới. Về danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” vừa được trao, anh chia sẻ, đó là một động lực giúp mình thực hiện hoài bão phát triển nghề khảm trai, sơn mài thông qua con đường du lịch.

Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là nơi có nghề làm gốm sứ nổi tiếng Hà thành. Làng gốm Bát Tràng có 5 thôn với 3.800 nhân khẩu thì hơn một nửa làm nghề và dịch vụ thương mại liên quan tới gốm sứ. Ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện làng gốm cổ truyền Bát Tràng nói: “Với người Bát Tràng, làm gốm sứ vừa là nghề vừa là nghiệp. Thế hệ này truyền cho thế hệ kia bí quyết làm nghề”.

Nhiều năm qua, Bát Tràng là điểm đến lý tưởng của du khách - những người tìm về đây để tham quan cơ sở làm gốm truyền thống, trải nghiệm cách làm gốm và mua sắm đồ lưu niệm… Cùng với làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Bát Tràng nằm trong dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch của TP Hà Nội đến năm 2020.

Ông Hà Văn Lâm cho biết, từ khi có chủ trương của thành phố, Bát Tràng có nhiều khởi sắc, sôi động hơn trước. Đường làng sạch sẽ, thoáng mát, đúng chuẩn xây dựng nông thôn mới; tất cả các gia đình đã chuyển từ lò đốt than củi sang đốt bằng gas nhằm giải quyết vấn đề môi trường. Hàng hóa tiêu thụ tốt, lượng khách du lịch ngày một tăng, nhất là vào dịp cuối tuần…

Hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Các làng thủ công mỹ nghệ nức tiếng như lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, mỹ nghệ Sơn Đồng… có hàng nghìn người theo đuổi nghề truyền thống. Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội, đó chính là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.

Khắc phục tình trạng hoạt động tự phát

Truyền nghề mây tre đan tại làng Phú Vinh (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền

Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ nhận định, du lịch làng nghề tại Hà Nội chưa có sự gắn kết giữa các lực lượng tham gia để cùng tạo lực đẩy cho sự phát triển chung. Hầu hết các làng nghề hoạt động tự phát, chưa biết cách làm du lịch.

“Điều hấp dẫn du khách ở làng nghề trước tiên là sản phẩm tinh xảo, nhỏ gọn, đặc sắc mang hồn Việt, tiếp theo đó là không gian truyền thống. Chẳng hạn, nếu đến làng lụa mà không có khung cửi, cuộn tơ thì khó thuyết phục du khách. Hay ở làng gốm, làng chạm khắc mà bày những lọ lục bình lớn, những bộ bàn ghế cầu kỳ thì không phù hợp để khách mua về”, bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho biết.

Theo bà, nhân tố quan trọng để giữ gìn và phát triển làng nghề gắn với du lịch chính là nghệ nhân, nhưng vẫn cần giúp họ có thêm hiểu biết về du lịch, về sản phẩm phù hợp với du khách. Bên cạnh đó, sự liên kết tổng thể từ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, làng nghề và người làm nghề để xây dựng quy hoạch đường sá, dịch vụ trải nghiệm, vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi… thuận tiện, an toàn cho khách du lịch cũng cần được chú trọng.

Ông Hà Văn Lâm thừa nhận, hoạt động du lịch ở Bát Tràng chủ yếu do các hộ gia đình tự tổ chức, chưa chuyên nghiệp. Dự án bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch vẫn đang trong giai đoạn khởi động, chưa có chương trình hành động, tiêu chí cụ thể về cơ sở vật chất, dịch vụ, khiến người dân vẫn phải loay hoay. Về phía các nghệ nhân, đặc biệt là các nghệ nhân đã được phong danh hiệu, theo ông Hà Văn Lâm, họ cần phát huy hơn nữa sức sáng tạo, nhiệt huyết để chế tác những sản phẩm phù hợp với khách du lịch.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng bày tỏ mong muốn được sự giúp sức của chính quyền, cơ quan quản lý trong việc liên kết với các công ty du lịch để cùng xây dựng điểm đến, hình thành tour du lịch làng nghề tại Sơn Tây. Theo anh, việc phát triển du lịch đồng nghĩa với thúc đẩy kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương và hỗ trợ đào tạo nghề. “Biết đâu sau này Sơn Tây cũng nổi danh với làng nghề khảm trai, sơn mài”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bày tỏ ước mơ.

Sau thời gian khảo sát, Sở Du lịch Hà Nội đã lập Đề án “Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc” trong tổng thể dự án đầu tư bảo tồn, phát triển hai làng nghề này của thành phố. Tiếp theo, TP Hà Nội sẽ triển khai xây dựng nhiều dự án phát triển du lịch tại các làng nghề khác, nhằm đưa mô hình làng nghề gắn bó mật thiết hơn với hoạt động du lịch của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/888427/nghe-nhan---lang-nghe---du-lich-gan-ket-cung-phat-trien