Nghệ nhân Chăm bên Mẹ xứ sở

Nói đến văn hóa Chăm truyền thống không chỉ có những đền tháp, mà còn có nghề thủ công nức tiếng là gốm Bàu Trúc và thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Chính vì vậy, sự góp mặt của các nghệ nhân người Chăm ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar đã làm giàu thêm dấu ấn văn hóa Chăm ở xứ Trầm Hương.

Từ kỹ nghệ dệt thổ cẩm…

Chiều dần buông trên Khu di tích Tháp Bà Ponagar (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang). Theo bước chân du khách, tôi đến khu trình diễn nghệ thuật truyền thống của người Chăm. Trong tiếng trống Ginăng rộn ràng của những điệu nhạc mang âm hưởng của người Chăm, chị Đổng Thị Thanh Thuyết (đến từ Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đang trình diễn kỹ nghệ dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nức tiếng. Từ đôi tay khéo léo của chị, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành từng mảnh thổ cẩm có hồn với hoa văn tinh xảo nổi bật như: Hoa cúc, mây, các khối hình học… Rất nhiều du khách đứng vây quanh chăm chú theo dõi, tìm hiểu kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Chăm. Kế bên, những tiếng xuýt xoa bày tỏ sự thích thú với những chiếc khăn, túi xách làm bằng thổ cẩm Chăm truyền thống đang được bày bán. Dường như đã quá quen với điều này nên chị Thuyết để cho khách quay phim, chụp hình, xem đồ thoải mái.

Chị Đổng Thị Thanh Thuyết trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm ở Tháp Bà Ponagar.

Chị Đổng Thị Thanh Thuyết trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm ở Tháp Bà Ponagar.

Nghệ nhân Trương Thị Gạch làm gốm.

Bắt chuyện, chị Thuyết cho biết, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp của người Chăm hình thành từ thế kỷ thứ X. Cho tới nay, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Một trong những tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (bà tổ quê hương) đặt ra cho phụ nữ Chăm là phải thông thạo nghề dệt. Con gái làng Mỹ Nghiệp lớn lên ai cũng phải tập dệt thổ cẩm. “Hơn 10 tuổi, tôi đã được bà ngoại chỉ dạy dệt thổ cẩm. Trong các công đoạn dệt thổ cẩm, khó nhất là khâu phối màu. Để tạo nên những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về màu sắc. Ở khâu dập vải đòi hỏi phải làm đều tay, nếu không thổ cẩm sẽ không căng mịn và khó làm nổi bật hoa văn”, chị Thuyết cho biết.

Nghệ nhân người Chăm hướng dẫn du khách làm gốm ở Champa Island.

Tính đến nay, chị Thuyết đã ngồi dệt thổ cẩm ở Tháp Bà Ponagar được 4 năm. Dệt thổ cẩm vừa là công việc, đồng thời là cách giới thiệu văn hóa của người Chăm với du khách. Thế nên, mỗi khi du khách hỏi han, chị lại dừng việc, tỉ mẩn giới thiệu về kỹ nghệ dệt thổ cẩm Chăm. Theo chị, làm thổ cẩm phải trải qua các công đoạn: tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm đập, nhuộm... Trước đây, để có màu đen làm nền, người dệt phải nhuộm tẩm thổ cẩm bằng lá chùm bầu, sau đó ngâm trong bùn non 7 ngày đêm liên tục. Muốn có màu đỏ thì phải đi tìm mủ cây cánh kiến ở rừng, còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm… Hiện nay, màu nhuộm thổ cẩm có sẵn trên thị trường đã giúp người thợ dệt Mỹ Nghiệp bớt phần vất vả hơn.

Du khách xem sản phẩm làm bằng thổ cẩm Chăm.

Bà Bá Thị Huệ - người phụ trách việc tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa Chăm ở Tháp Bà Ponagar (theo hợp đồng với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh) cho biết, hiện nay, làng nghề Mỹ Nghiệp có hơn 700 hộ với gần 4.000 nhân khẩu gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trong đó có khoảng 500 thợ dệt lành nghề. Thợ lành nghề là người có khiếu thẩm mỹ chuẩn về màu sắc, đường nét, hình khối và khả năng dệt ra được những tấm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo, độc đáo. Bên cạnh những hoa văn cổ mang tính truyền thống, thể hiện sự sang trọng, quý phái như: Hoa văn thần đèn, thần Siva, rồng cách điệu… ngày nay, những nghệ nhân làng nghề còn sáng tạo ra những hoa văn mới lạ khác nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc của văn hóa Chăm. Không dừng lại ở các sản phẩm thô, làng dệt Mỹ Nghiệp còn có cơ sở chế tác ra những mẫu mã như: Túi xách, ví, ba lô bằng thổ cẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Do điều kiện hạn chế nên bà chỉ trưng bày, bán sản phẩm từ thổ cẩm và trình diễn dệt thổ cẩm loại nhỏ…

Đến tuyệt kỹ làm gốm

Ngoài Tháp Bà Ponagar, làng nghề truyền thống ở Champa Island cũng có các nghệ nhân đến từ làng nghề Bàu Trúc trình diễn kỹ nghệ làm gốm. Nghệ nhân Đàng Thị Lớn (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết, để chọn nguyên liệu làm gốm tốt, đất sét phải được lấy từ bờ sông Quao, sau đó đem về đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được sử dụng để trộn với đất sét phải tùy thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Khi ra Khánh Hòa, các nghệ nhân phải đem theo đất từ quê nhà ở Bàu Trúc để làm.

Ngoài dệt thổ cẩm, những người Chăm còn được mời ra Khu di tích Tháp Bà Ponagar để trình diễn nghề làm gốm Bàu Trúc truyền thống. Một trong những người thường xuyên đến trình diễn nghề làm gốm là nghệ nhân Trương Thị Gạch (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận). Ở tuổi ngoài 70, bà Gạch vẫn thoăn thoắt bước chân quanh cột đá tròn làm trụ nặn gốm. Mười ngón tay chai sần của bà mềm mại như múa với đất dẻo, chẳng mấy chốc hình hài một bình gốm đã hiện ra. Sau đó, bà dùng “vải cuộn” thấm nước quấn vào tay rồi chà láng mặt ngoài của gốm, dùng vỏ sò ấn lên bình gốm để tạo hoa văn. Nhìn kỹ thuật làm gốm “không giống ai” của nghệ nhân, du khách ồ lên kinh ngạc, khâm phục. “Đến Tháp Bà Ponagar, nhìn các nghệ nhân làm gốm một cách rất khéo léo, tôi rất thích thú. Điều này không có gì ngạc nhiên khi tổ tiên của họ xây dựng nên được những đền tháp tuyệt đẹp như ở đây”, du khách Lưu Hiểu Minh (Trung Quốc) bày tỏ.

“Người Chăm chúng tôi theo chế độ mẫu hệ. Phụ nữ là người chủ gia đình nên thuở xưa, ông bà tổ Poklon Chanh chỉ truyền nghề cho phụ nữ. Đàn ông đào đất làm nguyên liệu, gánh rơm làm chất đốt”, bà Gạch chia sẻ sau khi hoàn thành một chiếc bình gốm tuyệt đẹp. Cuộc đời người phụ nữ Chăm ở Bàu Trúc gần như chỉ bước quanh cột đá để làm gốm kể từ khi họ được truyền dạy nghề gốm đến lúc không còn đi được nữa. Trong hàng chục năm ấy, hàng triệu triệu bước chân đó đã góp phần biến những khối đất sét thành bình, thành lọ… để xuất bán đi muôn nơi, lo cho cuộc sống gia đình. Cũng chính vì vậy, những tuyệt kỹ làm gốm đều do phụ nữ nắm giữ. “8 tuổi, tôi đã làm gốm. Thời bà tôi, mẹ tôi chỉ làm lu đựng nước, nồi kho cá… chứ chưa biết làm nhiều mặt hàng đẹp như ngày nay”, bà Gạch nói. Ngoài chuyện nặn gốm, các nghệ nhân còn nắm giữ bí quyết ém khói riêng khi nung để tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm gốm như: Vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu rất cổ kính…

Người Chăm tôn thờ bà Ponagar là Bà mẹ xứ sở nên việc họ trở về đây trong những lễ hội hay kể cả ngày thường để giới thiệu văn hóa Chăm đến du khách thập phương đều là trở về với nguồn cội! Đó cũng chính là tâm sự của nghệ nhân Trương Thị Gạch: “Với tôi, việc làm gốm đã là cái nghiệp, nên còn đi được tôi sẽ còn làm. Tôi xem việc trở về làm gốm ở Tháp Bà Ponagar như một kiểu hành hương về với đất mẹ”.

T.N

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201910/nghe-nhan-cham-ben-me-xu-so-8132888/