Nghệ nhân bonsai Nguyễn Phước Lộc - sống trọn với đam mê

ĐTO - “Tôi cảm thấy không có công việc nào phù hợp với mình bằng nghề làm kiểng bonsai. Với tôi, gắn bó với bonsai chính là được sống trong niềm đam mê của chính mình, tôi luôn tự nhắc nhở mình sẽ cố gắng sống trọn với niềm đam mê này...” - đó là chia sẻ của nghệ nhân bonsai Nguyễn Phước Lộc - người hơn 30 năm gắn bó với nghề kiểng bonsai ở Sa Đéc.

Nghệ nhân Phước Lộc bên cặp me kiểng 160 năm tuổi

Nghệ nhân Phước Lộc bên cặp me kiểng 160 năm tuổi

Sưu tầm cây kiểng độc, lạ

Được nhiều người giới thiệu, nhưng mãi tôi mới có dịp ghé thăm vườn kiểng bonsai nổi tiếng của anh Nguyễn Phước Lộc ở xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc. Trong cái nắng gay gắt của những ngày tháng 3, người đàn ông da ngăm đen đang say mê cắt tỉa tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ trên thân lá cây bonsai, anh Lộc nói: “Kiểng này mà sơ sẩy một chút là xem như bao công sức đổ sông đổ bể”...

Trong khu vườn rộng trên 17.000m2 với đủ loại bonsai, từ cây nhỏ đến cây lớn. Thấy tôi trầm trồ, tròn mắt khi lần đầu tiên chứng kiến những cây tùng, nguyệt quế, mai chiếu thủy đẹp, lạ. Anh Lộc nói: “Những cây bonsai này tôi sưu tầm được vài chục năm thôi, nếu đem so với cây me hàng trăm năm tuổi thì những cây này thì chỉ là dạng... con cháu”. Nói xong, anh Lộc dẫn tôi “mục sở thị” tác phẩm quý giá của mình. Chỉ vào cặp me cổ trước mặt, anh Lộc giới thiệu: “Cặp me này có tuổi kiểng 160 năm, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam” năm 2013...”.

Thoạt đầu, hai tác phẩm này đập vào mắt “người ngoài nghề” như tôi thì cũng chỉ như bao tác phẩm kiểng bonsai khác, nhưng khi được anh Lộc phân tích tôi hiểu rõ hơn giá trị của tác phẩm. Anh Lộc nói: “Giá trị của cặp me này chính là được khai thác chơi kiểng từ rất nhỏ. Cụ thể là, ngoài đời có thể mình thấy cây me kiểng to hơn rất nhiều nhưng đó không được xem là cổ nhất, bởi vì nó chỉ có tuổi đời cao nhưng tuổi kiểng thì rất thấp. Còn ở cặp me này, giá trị của tác phẩm là do được chơi kiểng từ nhỏ nên các chi (nhánh) và phần thân không chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt kiểng được sửa theo lối sơn thủy nên được người chơi kiểng rất yêu thích, giá trị của nó chính là ở đó”.

Anh Lộc chia sẻ, cặp me này được anh sưu tầm từ tỉnh Tiền Giang ở hai huyện khác nhau, nhưng trùng hợp là cả hai cây đều có tuổi kiểng bằng nhau. Tính đến nay, cặp me đã được 160 tuổi và không tìm được cây thứ 3 tại Việt Nam nên giá trị của nó cũng rất cao. Hiện đã có người trả trên 10 tỷ nhưng anh chưa bán bởi vì luôn dành tình cảm rất đặc biệt với tác phẩm này.

Anh Lộc bộc bạch, mặc dù thuở nhỏ mình chưa bao giờ nghĩ sẽ đi theo nghề kiểng, nhưng như một định mệnh khiến mình bén duyên và gắn bó luôn với nghề. Khoảng đầu thập niên 90, anh theo học ngành điện tử Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, rồi gia đình gặp biến cố nên anh đành bảo lưu kết quả học tập về Sa Đéc tiếp quản nghề làm kiểng của gia đình. Cơ hội phát triển nghề của anh thêm thuận lợi khi có thời điểm công viên Suối Tiên (TP.HCM), khu du lịch sinh thái Ba Láng (Cần Thơ) liên tục cần nguồn hàng kiểng nên họ về Sa Đéc tìm đến anh đề nghị cung ứng hàng. “Bận đó, có thời điểm thu nhập mang lại cho gia đình từ nghề kiểng rất cao. Mê mần ăn, thời gian bảo lưu kết quả học tập trôi qua lúc nào không hay nên mình đành chia tay con đường học vấn. Nghĩ lại, chắc là cũng định mệnh để mình theo nghiệp này” - anh Lộc nói.

Nhờ có năng khiếu và tình yêu với công việc nên anh Lộc đã gắn bó với nghề được hơn 30 năm. Từ những ngày đầu chập chững với ki-ốt bán kiểng nhỏ ở chợ Sa Đéc, đến nay nhờ làm ăn khấm khá, anh Lộc mua thêm được 2,6ha đất (ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) để trồng cây tùng, rồi mở Công ty Cây xanh Sa Đéc (diện tích 1,7ha) ở xã Tân Khánh Đông để vừa bán kiểng, vừa giới thiệu cho bạn bè trong và ngoài tỉnh về sản phẩm kiểng bonsai của Sa Đéc.

Anh Lộc tỉ mỉ chăm sóc một tác phẩm bonsai

Trăn trở với nghề

Là nghệ nhân Sinh vật cảnh cấp Quốc gia (được phong tặng năm 2014), anh Lộc từng là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.Sa Đéc và từng tham gia vai trò giám khảo cuộc thi Bonsai châu Á - Thái Bình Dương nên anh có cơ hội được chiêm ngưỡng những phẩm bonsai nổi tiếng của các nước bạn. Theo anh Lộc, mặc dù so với Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - các nước có truyền thống chơi kiểng bonsai hàng mấy trăm năm thì mình không thể sánh kịp, nhưng cái hay của kiểng bonsai Việt Nam là chúng ta đi sau học hỏi nên có thể chắt lọc những điểm ưu cho bonsai của mình. Vì thế bonsai Việt Nam có giá trị, nét đẹp riêng. Nếu có sự trao đổi thích hợp thì bonsai Việt Nam cũng có thể tiếp cận với thế giới.

Theo anh Lộc, hiện Đài Loan được xem là nước có nền tảng bonsai phát triển khá mạnh, nếu nghệ nhân Việt Nam có sự giao lưu, trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm kỹ thuật kiểng bonsai thì sẽ có thêm bước tiến cho bonsai Việt Nam nói chung và Sa Đéc nói riêng. Chính vì điều này nên trong cuộc thi Bonsai Châu Á - Thái Bình Dương vừa qua, tôi và các anh em trong Hội Sinh vật cảnh Đồng Tháp đã có sự giao lưu, chia sẻ và đặt vấn đề trao đổi hàng hóa với phía bạn Đài Loan. Hai bên cũng đã thống nhất kết nghĩa và đang xúc tiến các bước hoàn thiện để hoàn thành dự án. Hy vọng với dự án này, kiểng bonsai của Đồng Tháp sẽ có những bước tiến xa hơn...

Để nghề kiểng bonsai phát huy giá trị cũng như tạo dấu ấn riêng, anh Lộc cho rằng, tỉnh nên có kế hoạch quảng bá hiệu quả hơn cho nghề hoa kiểng nói chung và kiểng bonsai nói riêng. Hiện nay nói đến hoa kiểng thì người ta nghĩ ngay đến TP.Sa Đéc. Đồng Tháp cũng đã chọn hoa kiểng là 1 trong 5 ngành hàng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện bonsai vẫn chưa tạo được dấu ấn đặc sắc. Trong khi giá trị bonsai rất cao, 10 công lúa mới bằng 1 công hoa kiểng nhưng 10 công hoa kiểng mới bằng 1 công bonsai. Do vậy, nếu biết tính toán và có sự đầu tư đúng mức, khuyến khích nông dân làm kiểng bonsai thì Đồng Tháp sẽ có rất nhiều nông dân làm giàu được từ nghề này.

Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp đánh giá, anh Nguyễn Phước Lộc là một nghệ nhân tâm huyết với kiểng bonsai Sa Đéc nói riêng và Đồng Tháp nói chung.

Chính sự tâm huyết với nghề, mong muốn truyền cảm hứng cho nhiều nông dân cùng biết, làm bonsai, anh Lộc đã đến từng hội quán, hợp tác xã, trường dạy nghề trong tỉnh giới thiệu demo hướng dẫn các bước làm bonsai từ cấp đơn giản đến phức tạp để những nông dân có đam mê học làm theo. Từ đó, anh giúp nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, để tạo điều kiện giao lưu, trao đổi cây kiểng giữa các địa phương trong tỉnh, hàng tuần, anh còn mở phiên chợ phiên tại điểm hoa kiểng của mình, từ đó giúp anh em trong nghề có thể giao lưu, học hỏi và trao đổi sản phẩm, góp phần giúp tạo thêm đầu ra sản phẩm cho người chơi kiểng.

MN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/nghe-nhan-bonsai-nguyen-phuoc-loc-song-tron-voi-dam-me-90609.aspx