Nghe nhà báo Hà Tĩnh kể chuyện nghề

Làm báo vất vả, nhiều áp lực và luôn đứng trước những thách thức của sáng tạo và dấn thân, đòi hỏi người làm báo luôn giữ ngọn lửa nghề trong trái tim mình. Ngọn lửa ấy giúp mỗi phóng viên, biên tập viên đi suốt cuộc hành trình của sự kiện bằng lòng kiên trì, say mê và sáng tạo. Và họ luôn đầy ắp niềm vui chuyện nghề.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải (Báo Hà Tĩnh): Báo Đảng cũng cần "giật" tít

Đương nhiên, việc làm này không đồng nghĩa với câu view. Việc giật tít của báo Đảng không ngoài mục tiêu đảm bảo hiệu quả truyền thông nhờ sự hấp dẫn ngay từ tiêu đề của từng tác phẩm báo chí.

Trong thời đại “bùng nổ” thông tin, mạng xã hội “uy hiếp” truyền thông chính thống, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, bài báo hay nhưng đầu đề dở thì sẽ vô tình đánh mất rất nhiều độc giả. Chính vì sự quan trọng của “đứa con tinh thần” này mà trước đây một số tờ báo lớn ở phương Tây có cả người chuyên đặt tiêu đề. Họ là những biên tập viên mà nhiệm vụ duy nhất là nghĩ ra các đầu đề thu hút độc giả.

Báo Hà Tĩnh ngày càng thu hút bạn đọc - ngoài nội dung hay, hình ảnh đẹp còn có phần quan trọng của khâu đặt tít. Xin kể một trường hợp điển hình về bài viết phản ánh thực trạng xã Thiên Lộc (Can Lộc) là địa phương mạnh về xuất khẩu lao động và “sức hấp dẫn” từ “nghề” này đã khiến một số cán bộ nơi đây... xin rời nhiệm sở. Với nội dung này, tác giả đặt tiêu đề: Cán bộ xã và... “lực hút” từ xuất khẩu lao động.

Sau khi đọc kỹ bài viết, thấy nội dung rất hay nhưng tít lại khá “bình dân”, biên tập viên thư ký quyết định sửa thành “Khi cán bộ xã “trả ghế”, đi... xuất khẩu lao động!”. Chỉ với 2 từ “trả ghế” trong tít mà bài viết này đã được nâng tầm lên rất nhiều, lôi cuốn bạn đọc hơn.

Nói vậy, nhưng việc đặt tít báo Đảng không hề đơn giản khi vừa phải đảm bảo tính định hướng trong khi yêu cầu về tính hấp dẫn bạn đọc, nhất là lớp trẻ cũng không thể xem nhẹ. Việc đặt tít hiện nay có khi cũng phải xem có phù hợp với hình ảnh đại diện của bài báo không nữa. Đó là chưa kể, tít báo cũng là từ khóa SEO mở ra nhiều chiều tiếp cận mới với bạn đọc. Bởi vậy, như thành “phản xạ không điều kiện” của các biên tập viên, thư ký khi tiếp nhận sản phẩm là xem tít, soi bài rồi quay lại giật tít nhưng... không được phép giật gân và câu view.

Nhà báo Phạm Anh Hoài - Báo Hà Tĩnh: eMagazine buộc tôi phải cầu kỳ và chỉn chu hơn trong tác nghiệp

Tháng 5/2018, Báo Hà Tĩnh điện tử chính thức sản xuất các tác phẩm theo hình thức eMagazine - thể loại báo điện tử được thiết kế theo phong cách tạp chí. Đây được xem là bước cải tiến, là một trong những yếu tố cạnh tranh của Báo Hà Tĩnh điện tử.

Là người đầu tiên trải nghiệm cách làm mới này, tôi vô cùng thích thú khi được “tung tẩy” thế mạnh của mình trong thể loại báo chí mới. Ở đó, với lợi thế về dung lượng lớn, chiều sâu của cảm xúc, sự đa dạng về ngôn ngữ, sự phong phú của thông tin đều được thể hiện đầy đủ. Đặc biệt, những “tung tẩy” ấy lại được sự hỗ trợ tối đa của ảnh, đồ họa nên càng trở nên mới lạ, hấp dẫn. Đến nay, tôi đã có 44 trên tổng số 100 sản phẩm eMagazine của Báo Hà Tĩnh điện tử.

Làm eMagazine, khó nhất là chọn đề tài bởi muốn thu hút được độc giả phải đảm bảo được tính độc, lạ của tác phẩm. Hơn nữa, đây là dạng sản phẩm trình diễn nên đòi hỏi tác giả phải trau chuốt từng cảm xúc, từng câu chữ, từng chi tiết cho đến từng động tác cầm máy, chọn góc để chụp ảnh. Ngoài tác giả nội dung, eMagazine là sản phẩm chung của rất nhiều nhân sự như biên tập viên, phóng viên ảnh, phóng viên quay phim, designer (người thiết kế)…

Bởi thế, eMagazine không phải là “món ăn” nhàm chán, trái lại, mỗi tác phẩm đều có “vị” riêng, mang màu sắc, hình dáng khác nhau. Và tôi nghĩ, với chiều sâu nội dung và tính thẩm mỹ, eMagazine đã thỏa mãn yêu cầu của độc giả.

Nhà báo Nguyễn Sỹ Tâm - Đài PT&TH tỉnh: Trăn trở từng góc máy để kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh

Trong mỗi tác phẩm, tôi luôn trăn trở về sử dụng ngôn ngữ hình ảnh. Năm 2017, tôi thực hiện phim tài liệu không lời bình “Người thợ khóa” về ông Phan Văn Dương ở xã Đức An (Đức Thọ), một người đàn ông mù nhưng nuôi sống cả gia đình bằng nghề sửa khóa. Sau cả tháng trời quan sát cuộc sống nhân vật và viết kịch bản, với thông điệp từ nghị lực, niềm tin của người thợ khóa đã kể một cách sinh động qua nghệ thuật lựa chọn góc máy, nghệ thuật bố cục khuôn hình, nghệ thuật ánh sáng... Phim đoạt giải A Liên hoan truyền hình toàn tỉnh lần thứ 21 và đạt bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37.

Năm 2018, chúng tôi thực hiện phim tài liệu không lời bình “Đảng viên đi trước” về ông Lê Văn Bình - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân). Làm đề tài về Đảng đã khó nhưng thể hiện bằng hình thức phim không lời bình lại càng khó hơn. Vậy nhưng, bằng thế mạnh ngôn ngữ hình ảnh, phim đã có được những thành công nhất định.

Trong đó, những cảnh phim: Khi mặt trời vừa chiếu tia sáng đầu tiên, cả vùng đồi hoang vang lên những âm thanh chát chúa của dụng cụ lao động nện xuống những tảng đá, những người đàn ông khai khẩn đất hoang trong ánh bình minh và giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt của họ đã gây ấn tượng mạnh về những vất vả trong lao động để có thành quả trang trại hơn 100 ha, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Phim đã đoạt giải A Liên hoan truyền hình toàn tỉnh và giải B Giải Búa liềm vàng toàn quốc, giải A Giải Báo chí Trần Phú năm 2018 và giải B Giải báo chí quốc gia 2018.

Nhà báo Nguyễn Tiến Long - Đài PT&TH tỉnh: Nhanh như... phóng viên thời sự

Làm phóng viên thời sự của Đài PT&TH tỉnh, tôi tự nhắc mình luôn phản ứng nhanh, tác nghiệp kịp thời cùng sự kiện. Trong đó, mới nhất là seri tác phẩm về dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra.

Nhận được tin báo về ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện ở thị trấn Cẩm Xuyên vào khoảng 18h và có mặt tại hiện trường sau đó 30 phút, trên tay tôi chỉ có phương tiện tác nghiệp duy nhất là chiếc điện thoại. Tôi cố gắng xoay xở với phương tiện nghiệp dư để có thể chuyển tải ngay thông tin và những hình ảnh chân thực về dịch tả lợn ngay trong chương trình thời sự sớm nhất.

Được phân công “nằm vùng” ở tâm điểm dịch bệnh, tôi cùng các đồng nghiệp đã liên tục thông tin nhanh tình hình dịch bệnh, đồng thời, phản ánh thẳng thắn những hạn chế, bài học trong quá trình phòng chống dịch qua seri phóng sự: Chốt kiểm dịch không có người trực, không có trang thiết bị tiêu độc khử trùng, sự lơ là chủ quan của một số địa phương, người dân... Từ đó, giúp các địa phương, ngành chuyên môn kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Những ngày cùng bà con trong tâm dịch, phóng viên thời sự chúng tôi càng ý thức hơn về trách nhiệm của người làm báo và thấm thía về bài học phản ứng nhanh, tác nghiệp kịp thời để thông tin sớm, chính xác nhất về vấn đề đang được người dân hết sức quan tâm.

Nhà báo Thành Chung - Báo Hà Tĩnh: Luôn cố gắng đặt mình ở góc độ tiếp nhận của độc giả

Những con số thu ngân sách khô khan, những chỉ tiêu kinh tế dày đặc, tỷ lệ % rối rắm, chen kín trong 1 bản tin, 1 bài báo sẽ làm người đọc rối mắt và ít kiên nhẫn để tiếp nhận hết nội dung dù đó có thể là thông tin quan trọng về KT-XH của tỉnh. Xác định rõ điều đó nên trước mỗi thông tin, tôi luôn cố gắng đặt mình ở góc độ tiếp nhận của độc giả để bày biện thông tin một cách dễ hiểu và hấp dẫn nhất có thể.

Chuyển tải nội dung thông tin cần thiết với những số liệu “biết nói” nhất, sử dụng những câu từ nhấn nhá, ca dao, tục ngữ quen thuộc, hình ảnh ví von trong phạm vi cho phép… Đó là cách viết mà tôi đang tự rèn luyện để làm “mềm” những bài viết về lĩnh vực kinh tế vốn dĩ quá khô khan.

Còn với việc đưa tin kinh tế tại các cuộc họp của UBND các cấp, ngành, đơn vị liên quan, tôi thường trăn trở, nếu thể hiện bản tin theo mô-típ truyền thống thì đưa thông tin đến số đông độc giả lại khá hạn chế.

Do vậy, việc lẩy thông tin, chọn vấn đề làm “xương sống” để trình bày và triển khai là điều nên làm để thu hút bạn đọc. Để triển khai cách làm ấy, trong mỗi cuộc họp, tôi luôn đặt câu hỏi “độc giả cần biết thông tin gì ở đây? Và khi đã trả lời được câu hỏi đó thì cách triển khai sẽ dễ hơn so với việc mình vừa lắng nghe lại vừa nghiên cứu tài liệu tại buổi họp.

Mai Thủy

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/nghe-nha-bao-ha-tinh-ke-chuyen-nghe/174590.htm