Nghe người làm phở Lý Quý Trung bàn về thiết kế nội thất

TGTTO Thương mại hóa phở thành công ở quy mô doanh nghiệp với thương hiệu Phở 24 và nhượng quyền chuỗi cửa hàng, 5 năm trước, ông Lý Quý Trung rời Việt Nam sang Úc sinh sống sau khi đã chuyển giao 'đứa con tinh thần'. Và ông bất ngờ trở về Việt Nam mới đây để gia nhập ngành…nội thất.

Cuộc trở về đó được “ướm lời” đầy duyên dáng trên trang cá nhân: “5 năm trước mình mua chiếc vé máy bay dài hạn từ Saigon đi Sydney, còn bây giờ thì chuẩn bị bay chiều ngược lại. Cũng đầy cảm xúc, niềm vui và thử thách. Rồi sẽ bắt đầu nhận lại mấy chục cái email mỗi ngày, như hồi nào. Vậy mà vui”.

Làm để kinh doanh khác "làm cho đã"

Trong lễ Phát động Hoa Mai Competiton 2018- 2019, Cuộc thi thiết kế nội ngoại thất do HAWA tổ chức, Lý Quý Trung xuất hiện với vị trí CEO của AKA Furniture, công ty hiện đang sở hữu độc quyền trên 30 thương hiệu nội thất nổi tiếng trong và ngoài nước như Nhà Xinh, BoConcept, Calligaris, Bellavita, Lago, Minotti, Baxter, Ligne Roset… Với vai trò diễn giả của chương trình với chủ đề “Từ thiết kế đến thương mại”, ông thừa nhận hơi “khớp” khi lần đầu tiên nói chuyện với giới kiến trúc, thiết kế trẻ ở lĩnh vực mới chỉ bước chân vào vài tháng. Nhưng dưới góc nhìn của một nhà kinh doanh, ông cảm nhận lĩnh vực thiết kế rất riêng.

CEO của AKA Furniture, Lý Quý Trung

Làm cách nào để ngành nội thất Việt Nam xây dựng được những thương hiệu mạnh có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi ngoại?

“Lý do chính khiến tôi gia nhập AKA chính là vì có thương hiệu Nhà Xinh. Về nước điều hành được hơn 2 tháng nhưng có một đau đáu trong lòng muốn xây dựng thương hiệu nội thất Việt và mong muốn Nhà Xinh phải có sản phẩm mang được ngôn ngữ Việt. Chúng ta nhìn vào các sản phẩm sofa của Ý sẽ thấy một ngôn ngữ xuyên suốt trên từng chất liệu. Sản phẩm phải có ngôn ngữ thật sự riêng biệt thì mới cạnh tranh được với các thương hiệu quốc tế.

Đó là một thách thức với tất cả doanh nhân Việt Nam, khó từ ý tưởng, đến logistics, sản xuất, quản trị, quảng bá... Nhưng cái cơ bản vẫn là ngôn ngữ sản phẩm. Chi phí cũng là một thách thức. Nhìn sangTrung Quốc sẽ thấy họ sản xuất hàng loạt với giá rất rẻ, bán khắp thế giới, rất khó để chúng ta cạnh tranh về thị trường”.

CEO Lý Quý Trung cho rằng khi bước vào lĩnh vực nội thất, ông nhìn mọi thứ dưới góc độ của khách hàng với từng sản phẩm. Ông bắt đầu với câu chuyện của…điện ảnh, trong đó, đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng kể về buổi triển lãm tranh lập thể của Picasso. Một người khách đã nói với danh họa: “tôi không hiểu lắm về tranh của ông”. Picasso trả lời: “tranh có ngôn ngữ của nó mà muốn hiểu tranh của tôi thì phải học ngôn ngữ hội họa”. Trần Anh Hùng đã liên hệ câu chuyện đó rằng cách làm phim cũng phải có ngôn ngữ của phim. Phim có ngôn ngữ sẽ khác với phim chỉ kể chuyện, đó là phim hay.

Ông nói tiếp: “Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến nội thất. Thiết kế nội thất cũng có ngôn ngữ của nó, có sự đặc biện, cá tính, phong cách và “gu” chứ không chỉ để sử dụng”, CEO AKA tâm đắc. “Nhưng sự đặc biệt này khi đưa vào kinh doanh, thương mại hóa thì phải đáp ứng được nhu cầu thực tế”.

Là người có “background” ẩm thực, ông dí dỏm liên hệ câu chuyện của một nhà hàng đình đám cách đây 10 năm trên đường Điện Biên Phủ. Ở đó khách sẽ tự chọn nguyên liệu và giao cho đầu bếp nấu thành món ăn như yêu cầu của mình. Đó là một nhà hàng rất vui vẻ, luôn rộn ràng tấp nập đi đứng nói chuyện và 6 tháng sau…đóng cửa.“Vui thì vui thật nhưng khách hàng về đến nhà toàn phải…nấu mì gói ăn thêm, vì nhà hàng nấu không ngon, ăn không no. Nghĩa là ngay cả đầu bếp chuyên nghiệp nấu còn không vừa ý mình thì trách sao vừa nói chuyện vừa lựa nguyên liệu cho món ăn mình chưa nấu bao giờ, không thể ngon được.

Ý tưởng kinh doanh hay thiết kế nếu không đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách là ăn no thì sáng tạo cỡ mấy cũng như không. Nội thất cũng vậy, vui mấy, đẹp cách mấy, sang trọng hay sáng tạo đến mấy mà ngồi không thoải mái là thất bại. Ngôi nhà thiết kế đẹp nhưng bước lên cầu thang bị vướng vào đầu gối thì có gì đó... sai sai”.

Theo ông Trung, ngành nhà hàng hay nội thất, thiết kế, hoặc bất cứ ngành nào, câu nói có vẻ sến sẩm “khách hàng là Thượng đế” vẫn luôn đúng. Sự sáng tạo bay bổng của nhà thiết kế không thể vượt trên khách hàng vì mục tiêu của sản phẩm nằm ở người tiêu dùng chứ không phải ở tài năng của nhà thiết kế”. Với nhà thiết kế, “làm để kinh doanh khác hẳn làm cho đã”. Là một nghề tôn vinh cái đẹp, thật bất ngờ khi chính những nhà sáng tạo lại là người mau quên nhất tiêu chí này.

Đâu là bản sắc của thiết kế đồ nội thất Việt? Ông lại cho rằng bản sắc là thứ không gồng được. Là người Việt thì trước sau gì cũng là chất Việt. Câu chuyện khiến ông nhớ đến Chi Wing Lo, một thương hiệu xa xỉ của Ý nhưng nhà thiết kế ra chúng lại là người gốc Hồng Kông. Dù chất liệu là gỗ, da, kim loại nhưng xuyên suốt trong từng chi tiết sản phẩm là suy nghĩ của một người Hồng Kông. Bản sắc không thể là thứ gượng ép. Tự thân nó sẽ mang hơi thở Việt trong từng sản phẩm, không thể biến ngay thành Ý, Đức hay bất cứ nước nào.

“Quan trọng là tìm hiểu nhu cầu thị trường, nguyên vật liệu ở đó để bán hàng hơn là đem bản sắc áp đặt vào đó”, ông nói.

Chân dung nhà thiết kế sáng tạo qua mắt “Vua phở”

Vào ngành nội thất, ông học đầu tiên từ việc tìm hiểu về lĩnh vực thiết kế. Ngay trong chuyến công tác ở Ý, ông kể phải xách theo vali to hơn thường lệ để mua hàng loạt các loại sách về thiết kế để đọc. Kinh qua nhiều lĩnh vực, CEO Lý Quý Trung cho rằng con đường đi từ thiết kế đến kinh doanh, yếu tố then chốt là phải hiểu thị trường và khách hàng. “Nói thì dễ nhưng không hề dễ. Rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới luôn tìm cách để hiểu khách hàng của mình và thường xuyên…hiểu lầm”.

Có một bài học về hiểu người tiêu dùng mà ông chia sẻ với các nhà thiết kế trẻ khi liên hệ với câu chuyện “new coke” của Coca Cola ở thập niên 1980. Khi đó Pepsi làm một cuộc thử nghiệm cho khách hàng bịt mắt uống thử và không ai phân biệt được sản phẩm của Pepsi hay Coca Cola. Kết quả nghiên cứu này khiến ban quản lý của Coca Cola lo ngại và quyết định thay đổi mùi vị sản phẩm nhằm tạo ra khẩu vị mới “new coke”, tự tin sẽ làm nên điều khác biệt.

Nhưng khi tung ra thị trường, sản phẩm đã thất bại hoàn toàn. Khi đánh giá lại kết quả, hãng giải khát này nhận ra khi khảo sát đã quên hỏi khách hàng một câu quan trọng nhất: “Bạn có sẵn sàng bỏ khẩu vị cũ để mua khẩu vị mới của Coca Cola?”. Có thể khẩu vị cũ của Coca Cola không ngon hơn nhưng người ta đã quá quen thuộc và không muốn thay đổi.

“Cũng như với nước mắm, nhiều người sẽ nói màu tím đẹp hơn nhưng chắc chắn chẳng ai muốn ăn loại nước mắm màu tím thay vì màu nâu truyền thống. Trong kinh doanh, hiểu khách hàng không chưa đủ mà phải hiểu đúng là đã thắng 50%”.

CEO AKA Furniture cho rằng, với kiến trúc và thiết kế nội thất, nhà sáng tạo cũng phải biết xây dựng thương hiệu cá nhân. Ít ngành nào mà khách hàng trả tiền cho thương hiệu cá nhân của nhà thiết kế nhiều như ngành này. Giá cả phải thống nhất trước khi thấy sản phẩm hiện hữu. “Khi một nhà thiết kế tham dự một cuộc thi nào đó, cái được nhất không phải là giá trị phần thưởng mà là thương hiệu cá nhân”.

Có 3 điều về thương hiệu cá nhân mà CEO Lý Quý Trung tâm đắc. Giỏi thật sự và không ngừng học hỏi. Uy tín và luôn nghĩ đến chữ tín. Kiên nhẫn và “liên tục bảo trì” thương hiệu. “Người dạy tôi bài học đầu tiên về xây dựng thương hiệu cá nhân chính là ba tôi. Ông nói việc đó giống như đóng một cây đinh dài vào tấm gỗ dày. Càng nhanh càng mạnh càng dễ gãy. Phải đóng từ từ, từng nhát một đinh sẽ lút cán, lúc đó mới thành công”.

Theo CEO AKA Furniture, với một nhà thiết kế, sự độc đáo không nằm trong bản vẽ mà ở chính cách nghĩ về khách hàng, về thị trường hoặc cách tìm hiểu nhu cầu lẫn thuyết phục họ.

KHOA TƯ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nghe-nguoi-lam-pho-ly-quy-trung-ban-ve-thiet-ke-noi-that-15015.html