Nghề nào bệnh nấy…

Có làm thì mới có ăn, ai cũng biết làm việc trong môi trường nào thì 'gánh' bệnh trong môi trường đó. Nặng nề thay, bệnh nghề nghiệp hiểm nghèo lại thường 'dồn' lên vai người lao động nghèo, lao động tay chân và những người yếu thế.

Có làm thì mới có ăn, ai cũng biết làm việc trong môi trường nào thì “gánh” bệnh trong môi trường đó. Nặng nề thay, bệnh nghề nghiệp hiểm nghèo lại thường “dồn” lên vai người lao động nghèo, lao động tay chân và những người yếu thế.

________________________

Nhà ở Ninh Bình, nhưng gần chục năm trước, chị Nguyễn Thị Nguyệt (Hoa Lư, Ninh Bình) phải ở trọ, kiếm kế sinh nhai ở tỉnh Thái Bình. Chị xin một chân làm muối, kiếm đồng ra đồng vào. Môi trường công việc liên tục tiếp xúc nước, độ ẩm cao, “đội nắng” gay gắt khiến da chị cháy đỏ, mẩn ngứa. “Một ngày làm muối của chị em chúng tôi bắt đầu từ sáng sớm, đầu tiên là công đoạn làm đất, ngâm cát với nước biển, sau đó đem cát san đều, phơi trên ruộng đất và tưới nước biển lên sân phơi, rắc muối mồi. Giữa trưa nắng, hôm nào cũng như hôm nào, khoảng 12 giờ trưa, chị em phải ra ruộng trồng muối đo độ mặn nước biển, xác định nồng độ muối. Phơi mình trong cái nắng om da cháy thịt liên tục là chuyện thường”- chị nói.

Dù đã cẩn thận mặc quần áo kín và dày khi làm việc ngoài trời nhưng lâu dần, da chị bị “biến dạng”, tay sưng phù, mụn nước chi chít, nước chảy liên tục và ngứa. Cứ dăm bữa nửa tháng chị lại phải đến bệnh viện đa khoa khám và mua thuốc, tiền làm muối được 1 thì tiền khám da gấp 2-3 lần. Đến viện mới thấy, bệnh về da đang là căn bệnh phổ biến nhất hiện nay, từ sạm da, chàm đến ung thư da, bởi Việt Nam vốn là quốc gia vùng nhiệt đới, người lao động vẫn chủ yếu làm nông, phụ hồ, xây dựng, chạy xe… công việc ngoài trời là phổ biến.

Để cứu mình, chị Nguyệt rời Thái Bình vào tận Bình Dương làm ăn, đầu quân cho một công ty chuyên về dệt may, làm cả ngày trong nhà xưởng, nắng mưa chẳng đến đầu. Tưởng thoát khỏi ruộng muối, da dẻ sẽ được cải thiện, ngờ đâu, làm ngành dệt như chị lại càng hại da. Phần lớn chị em có tuổi nghề cao trong công ty chị đều bị sạm da do thuốc nhuộm, nguyên liệu dệt: sợi, len, tơ… Làm công nhân có chế độ bảo hiểm nhưng chẳng ai đoái hoài xem xét bệnh da mãn tính của chị vì theo lãnh đạo công ty: “Sau một thời gian làm việc là bao lâu thì bệnh da nghề nghiệp phát ra? chẳng ai xác minh được?!”. Chị tặc lưỡi: “Thôi thì, mình còn hơn khối người! Anh họ tôi ở quê làm phụ hồ nhiều năm, tiếp xúc lâu với vôi và xi măng nên đỏ da toàn thân, bàn tay chảy nước bong vảy, móng tay biến dạng, khó chịu hơn mình nhiều”.

Không bị bỏng da hay viêm da, ông Hoàng Vinh - một cư dân CT9 chung cư Sông Đà, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội vì nghề mà khốn đốn với bệnh phổi: “Tôi làm công nhân ở mỏ than được 9 năm, thường xuyên tham gia khai thác than dưới hầm sâu, mãi đến khi bị ho ra máu mới nghỉ việc. Cách đây hơn một năm, cơn ho kéo dài, kèm theo tức ngực, khó thở, tôi tự mua thuốc điều trị nhưng mãi không khỏi. Đi khám, bác sỹ kết luận tôi bị lao phổi do tiếp xúc nhiều với bụi than, khả năng lao động giảm ít nhất 25%. Đợt vừa rồi tôi suýt chết, phải nhập viện cấp cứu vì suy hô hấp, tràn dịch màng phổi”.

Sau gần chục năm gắn bó với nghề, hành trang trở về quê của ông Hoàng Vinh chỉ là một căn bệnh đeo bám, không bảo hiểm, không tiền bồi dưỡng sức khỏe. Công ty vẫn đang nợ bảo hiểm không thời hạn nên tất cả công nhân “trắng bảo hiểm”. Xác định chung sống với bệnh nghề nghiệp cả đời, ông phải chuyển sang chạy xe ôm gần nhà, ngày kiếm đồng ra đồng vào để lấy tiền mua thuốc.

Xu thế hội nhập với nhiều ngành nghề mới, sử dụng nhiều hóa chất trong xã hội đang làm số ca mắc bệnh nghề nghiệp cả cấp tính và mãn tính gia tăng. Bệnh nghề nghiệp đang được các bác sĩ ví như sát thủ thầm lặng của người lao động, nhất là những lao động tay chân trong môi trường nặng nhọc.

Bà Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện có khoảng 30.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp đã được giám định, hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp. Nhưng trên thực tế, số người mắc bệnh nghề nghiệp cao hơn rất nhiều số người đã được khám vì phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở lao động không tổ chức khám chữa bệnh định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), năm 2016, các cơ sở y tế đã khám sức khỏe định kỳ cho hơn 1,5 triệu lao động. Số lao động đạt sức khỏe loại I chiếm gần 23%, sức khỏe loại II chiếm gần 40%, loại III chiếm hơn 23%, còn lại là loại IV, V. Đáng báo động là người sức khỏe loại IV, V có dấu hiệu gia tăng trong 2 năm gần đây.

Nhiều lao động nghèo khi tuổi già sầm sập đến, sức cùng lực kiệt chỉ trong chờ vào mỗi tiền bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp lại nợ. Số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ngày càng đông đảo.

Nhìn chung, các bệnh nghề nghiệp đều thuộc loại rất dễ mắc và có đặc điểm diễn tiến âm thầm, sau nhiều năm mới bộc lộ triệu chứng, phổ biến hiện nay là bệnh da, bệnh phổi. Danh mục các bệnh phổi nghề nghiệp được Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và xã hội công nhận ở Việt Nam gồm: bệnh bụi phổi - silic; bụi phổi - amiăng; bụi phổi bông, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, hen phế quản nghề nghiệp và lao nghề nghiệp.

Tính đến hết tháng 2/2017, ngành Bảo hiểm xã hội đã chuyển giao cho Tổng Liên đoàn Lao động hơn 1.100 bộ hồ sơ các doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Đến nay, đã có 39/63 LĐLĐ các tỉnh thành phố nộp đơn khởi kiện ra tòa với 77 vụ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

Nộp đơn khởi kiện chỉ là bước đầu rất mong manh vì cho đến nay, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH vẫn đang bế tắc về luật pháp. Ai khởi kiện mới hiệu quả? Khởi kiện như thế nào? Các chuyên gia đưa ra hai hướng đề xuất giải quyết vấn đề khởi kiện nợ BHXH. Một là, BHXH vừa thanh tra thu vừa khởi kiện, nhưng muốn thực hiện theo hướng này thì phải sửa luật BHXH và tố tụng dân sự. Hai là giao cho công đoàn khởi kiện thì phải giao cho công đoàn cấp trên khởi kiện. “Nếu giao công đoàn cơ sở khởi kiện thì không bao giờ thực hiện được vì chủ tịch công đoàn cơ sở là người ăn lương của doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở chưa nộp đơn thì chủ tịch công đoàn có khi đã bị chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc” - ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động thẳng thắn thừa nhận.

Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH vẫn đang chờ tòa án nhân dân tối cao báo cáo thường trực ban bí thư. Còn doanh nghiệp nợ bảo hiểm vẫn “nhởn nhơ” bóc lột sức lao động của nhưng người thấp cổ bé họng, không dám đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Một nguyên nhân khiến bệnh nghề nghiệp trở thành “vấn nạn” là đa phần các doanh nghiệp hiện nay làm việc với công nghệ lạc hậu, máy móc, dây chuyền chắp vá, nhà xưởng chật chội. Hiện cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng có tới hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Năm 2015, ngành lao động thanh tra ngành dệt may. Năm 2016 thanh tra xây dựng. Năm 2017 thanh tra về lĩnh vực điện tử và thủy sản. Trong quá trình thanh tra, các đoàn kiểm tra chỉ ra rất nhiều lỗi sai phạm về môi trường làm việc của doanh nghiệp và yêu cầu khắc phục môi trường làm việc như về ánh sáng, độ bụi, tiếng ồn. Việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu không đảm bảo cộng với các hóa chất độc hại, môi trường làm việc ô nhiễm là ẩn họa đe dọa sức khỏe của hàng triệu người lao động.

Một kết quả đo kiểm tra môi trường của công nhân khai thác mỏ cho thấy, công nhân thường xuyên làm việc trong một môi trường có nồng độ bụi toàn phần cao vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 15-30 lần; nồng độ bụi hô hấp có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 9- 11 lần; tiếng ồn có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10-18 dBA.

Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng khí, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác... Quy định là vậy, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp thực hiện việc đo kiểm tra môi trường lao động. Người lao động nghèo trong cuộc mưu sinh khó nhọc vẫn phải tự mình đối phó với nguy cơ bệnh nghề nghiệp bủa vây.

“Có những doanh nghiệp đã hoạt động hơn 10 năm nhưng chưa một lần các cơ quan chức năng đến thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh môi trường lao động. Có những địa phương nhiều năm qua chưa xử phạt cơ sở lao động nào vi phạm... Thực trạng bệnh nghề nghiệp đã đến mức báo động, rất cần được các cấp, các ngành liên quan quan tâm, khắc phục” - bà Lương Mai, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nói thêm.

Bài: Hải Thanh

Thiết kế: Thúy Hà

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/nghe-nao-benh-nay-post105443.html