Nghề môi giới cầu thủ ở Việt Nam: Sự thật về những 'siêu cò'

Những nhà môi giới cầu thủ, hay thường được gọi là 'cò' không còn xa lạ gì trong thế giới bóng đá hiện đại. Quyền lực của Jorge Mendes hay Mino Raiola là điều mà chúng ta có thể thấy hàng ngày trên các trang báo. Vậy ở Việt Nam, những 'siêu cò' trong giới 'quần đùi áo số' là ai và tầm ảnh hưởng của họ đến các cầu thủ, CLB ra sao?

Trần Tiến Đại - nhà môi giới nhiều vai

Đầu tiên hãy nghe tuyển thủ U22 Việt Nam Martin Lò nói về việc vì sao anh từ Australia trở về Việt Nam và đầu quân cho CLB Phố Hiến. Sau thành công của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc), Martin Lò, trưởng thành từ lò đào tạo của Western Sydney Wanderers và từng có thời gian khoác áo một số đội trẻ ở Australia, muốn trở về Việt Nam thử sức. Tuy nhiên cầu thủ sinh năm 1997 gần như không mấy hiểu biết về bóng đá Việt.

Ban đầu, Martin Lò đi đá phủi ở TP. Hồ Chí Minh và tìm cơ hội thử việc nhưng không thành công. Tình cờ, anh làm quen được với một người đàn ông. Chính người đàn ông này đã giới thiệu anh đến với HLV Đinh Hồng Vinh của CLB Phố Hiến. Sau một thời gian thử việc và tạo ấn tượng tốt, Martin Lò được ký hợp đồng 5 năm và nhận mức lương 80 triệu đồng/tháng, một kỷ lục của bóng đá Việt Nam.

Trần Tiến Đại - "siêu cò" một thời của bóng đá Việt.

Trần Tiến Đại - "siêu cò" một thời của bóng đá Việt.

Người đàn ông đã giúp đỡ chàng trai Việt kiều chân ướt chân ráo về nước là ai? Đó chính là Trần Tiến Đại, người từng một thời khuynh đảo V.League với tầm ảnh hưởng bao trùm của mình, được mệnh danh là "siêu cò" số 1 Việt Nam.

Ông Đại là cựu cầu thủ đội Công an TP. Hồ Chí Minh, chơi ở vị trí hậu vệ biên và tiền vệ biên. Tuy nhiên, sự nghiệp chơi bóng của ông không mấy nổi bật, chủ yếu chỉ đóng vai dự bị. Nhưng bằng những mối quan hệ trong giới cầu thủ, ông sớm nhận ra nghề môi giới là một miếng bánh béo bở chưa nhiều người khai phá và chắc chắn sẽ phát triển khi bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp.

Từ rất sớm, ông Đại đã học ngoại ngữ và bắt đầu mày mò liên hệ với nguồn cầu thủ từ châu Phi, Brazil làm nguồn cung cho mình. Ông Đại cũng sở hữu tấm bằng B huấn luyện viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), đồng thời là trợ lý huấn luyện viên đội tuyển U20 Việt Nam dưới thời ông Đoàn Phùng.

Năm 2006, VFF mở cuộc thi chứng nhận lấy giấy phép FIFA Agent lần đầu, ông Đại dự thi nhưng không đỗ, mặc dù vậy ông đã trở thành đại diện của hầu hết các ngoại binh đến Việt Nam thời điểm đó.

Trần Tiến Đại mở Công ty Đại Nguyên và thông qua các mối quan hệ thường xuyên sang châu Phi "tìm hàng". Có lúc trong tay ông sở hữu cả trăm cầu thủ đến từ lục địa đen. Cũng bằng những mối quan hệ xây dựng từ khi còn chơi bóng, ông đi từ Bắc vào Nam để "gửi gắm" những cầu thủ này.

Trên thế giới có lẽ hiếm trường hợp nào như ông Đại khi từ một nhà môi giới cầu thủ, ông được các ông chủ mời về để làm Giám đốc điều hành CLB rồi HLV. Ông Đại đã nắm chức vụ này ở Ninh Bình và Sài Gòn Xuân Thành. Đây cũng là giai đoạn ông được người trong giới "suy tôn" là "siêu cò" số 1 Việt Nam.

Trần Tiến Đại đứng sau những vụ chuyển nhượng đình đám như vụ bộ đôi Như Thành, Việt Thắng đến Ninh Bình với giá 8 tỷ đồng/người, Phước Tứ đến Sài Gòn Xuân Thành với giá 12 tỷ đồng…

Tất nhiên thu nhập của người môi giới trong các vụ chuyển nhượng này cũng rất cao, theo thông tin từ giới cầu thủ, "cò" Đại phải nhận lót tay khoảng 1/3 trong tổng giá trị các thương vụ. Dĩ nhiên để có mức giá chuyển nhượng tốt nhất, các cầu thủ vẫn luôn phải tìm đến ông Đại bởi chỉ có nhà môi giới quyền lực và lắm quan hệ như ông mới có thể "thổi giá" lên mức mà họ mong muốn.

Tầm ảnh hưởng của Trần Tiến Đại thậm chí còn vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Người ta cho rằng, "cò" Đại không chỉ thao túng nguồn cung cầu thủ ngoại vào bóng đá trong nước, mà còn có cả các mối để "bán hàng" sang tận… Tây Á, Trung Đông… Xét ở phạm vi một nền bóng đá, ở thời đỉnh cao của mình, Trần Tiến Đại còn có quyền lực hơn cả Jorge Mendes hay Mino Raiola.

Nguyễn Minh Châu - người của thế hệ mới

Dù quyền biến và rất có năng lực nhưng thời đỉnh cao của ông Đại cũng phải đi qua. Không có chứng chỉ hành nghề của FIFA và chuyện hàng loạt ông bầu bỏ bóng đá là những nguyên nhân khiến ông có vài năm "rửa tay gác kiếm". Thêm vào đó, khi thị trường mở rộng, nguồn cung cầu thủ trở nên phong phú hơn và việc xuất hiện thêm những "siêu cò" là chuyện tất nhiên.

Nguyễn Minh Châu - người mang đến hình ảnh mới cho những người đại diện cầu thủ.

Nhà môi giới Nguyễn Minh Châu là một đại diện của thế hệ "siêu cò" mới. Khác với ông Đại, ông Châu có chứng chỉ hành nghề của FIFA. Xét về kinh nghiệm, ông cũng đã có hơn 10 năm làm việc tại V.League và hiện đang là người đại diện cho rất nhiều ngoại binh.

Ông Châu và ông Đại từng "va nhau" trong vụ lùm xùm liên quan đến ngoại binh Nsi Amougou hồi đầu mùa 2018. Nsi là cầu thủ được ông Đại mang đến Việt Nam, dù đã ký gia hạn hợp đồng với CLB Xổ số kiến thiết Cần Thơ để thi đấu hết V.League 2018 nhưng ngay khi "cò" Đại nhận chức Chủ tịch CLB Sài Gòn FC, Nsi lập tức rời Cần Thơ. Cách hành xử vô tổ chức này khiến người đại diện cho Nsi là ông Nguyễn Minh Châu cũng cảm thấy khó chịu.

Vụ việc này có thể xem là một ví dụ điển hình cho sự khác nhau giữa hai "siêu cò" Trần Tiến Đại và Nguyễn Minh Châu. Nếu ông Đại là người nắm rất rõ cách vận hành bên trong bóng đá Việt và luôn tìm ra những tiểu xảo, kẽ hở để bôi trơn cho công việc thì ông Châu, dù cũng có quan hệ với rất nhiều CLB, lại hướng đến một thị trường chuyển nhượng chuyên nghiệp và bài bản.

Chính ông Châu trong một bài phỏng vấn cũng cho rằng hình ảnh của những nhà môi giới, đại diện cầu thủ nên được cải thiện trong mắt công chúng và dư luận. "Hầu hết các CLB Việt Nam xem người đại diện là kẻ ăn bám, hay trục lợi theo hợp đồng của cầu thủ. Vì thế, họ có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với chúng tôi. Với nhiều người, họ nghĩ chúng tôi đặt quyền lợi của bản thân mình lên trên hết, nhưng đằng sau là câu chuyện khác hẳn".

Cũng theo ông Châu, cầu thủ đặc biệt là các ngoại binh nếu có người đại diện thì chính người này sẽ chịu trách nhiệm trước CLB chủ quản hay pháp luật Việt Nam nếu cầu thủ gặp rắc rối. Đây mới là cách thức vận hành của một nền bóng đá chuyên nghiệp.

Việc các cầu thủ có được một người đại diện tốt chắc chắn sẽ giúp cho họ được đảm bảo quyền lợi trong các cuộc thương thuyết về hợp đồng hay chuyển nhượng. Đồng thời, những người đại diện cũng sẽ đóng vai trò quản lý tài chính cho thân chủ của mình để họ có thể yên tâm cống hiến trên sân cỏ.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/nghe-moi-gioi-cau-thu-o-viet-nam-su-that-ve-nhung-sieu-co-559904/