Nghề mộc thời công nghệ

Qua rồi cái thời người thợ mộc với hình ảnh 'bút chì cài tai', 'sớm giũa cưa, trưa mài đục', cả ngày lấm lem trong bụi gỗ, mạt cưa, phôi bào nhưng sản phẩm tạo ra lại có chất lượng không đều, thiếu độ thẩm mĩ, tinh xảo.

Ngày nay, để khắc phục những hạn chế trong cách làm thủ công, nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với các loại máy móc hiện đại như máy điêu khắc gỗ, tiện cơ khí điều khiển hoàn toàn bằng máy tính…, giúp giảm công sức lao động, nhưng lại tăng hiệu quả kinh tế.

Cơ sở mộc của ông Trần Văn Nam, ở xã Đông Thanh (Đông Sơn) là một trong những nơi tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đồ gỗ. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt chứng kiến những sản phẩm gỗ tinh xảo được làm hoàn toàn bằng các loại máy tiện cơ khí điều khiển hoàn toàn bằng máy tính.

Máy điêu khắc gỗ CNC – loại máy điều khiển bằng máy tính đang được nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ sử dụng nhằm nâng cao chất lượng sản sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong không gian xưởng khá rộng rãi và ồn ào, những “cánh tay rô bốt” được điều khiển từ máy tính chạy ngang, chạy dọc trên những ván gỗ dần tạo thành những hình thù đẹp mắt và tinh xảo, ông Nam cho biết: “Ngày trước, vì chưa có máy móc, nên làm thủ công, bây giờ nhu cầu sử dụng và thị hiếu thẩm mỹ các sản phẩm từ gỗ của người tiêu dùng ngày càng cao, nếu không áp dụng máy móc vào sản xuất, sẽ không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Bởi vậy, sau một thời gian tìm tòi, mình biết đến máy điêu khắc gỗ CNC, loại máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính. Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực khắc gỗ nghệ thuật. Khi sử dụng máy, sản phẩm tạo ra đúng với bản vẽ đã thiết kế và dễ dàng tạo ra nhiều sản phẩm trong cùng một khoảng thời gian”.

Ngoài sử dụng máy điêu khắc gỗ, cơ sở sản xuất của ông Nam còn sử dụng máy phun sơn, máy quật…, do vậy, sản phẩm của cơ sở được nhiều người tiêu dùng tại địa hương và một số xã lân cận ưa chuộng. Do đó, doanh thu hàng tháng cũng tăng lên đáng kể, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời tạo điều kiện làm việc cho 5 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, gần 2 năm nay, sản phẩm của cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng do ông Nguyễn Văn Dũng làm chủ, có địa chỉ tại xã Thiệu Đô, (Thiệu Hóa) cũng đã được nhiều khách hàng lựa chọn và đánh giá cao nhờ việc áp dụng các máy móc hiện đại vào sản xuất, như: máy rọc, máy đục, máy đánh giấy ráp… Ông Dũng cho biết, so với sản xuất thủ công, thời gian để tạo ra một sản phẩm nhờ áp dụng công nghệ nhanh hơn gấp 3 đến 4 lần, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn, từ đường nét đến hoa văn trang trí…

Sản phẩm được tạo ra từ việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất có độ tinh xảo, thẩm mỹ cao hơn so với sản xuất thủ công.

Sự ra đời của các loại thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất đồ gỗ đã thay đổi hoàn toàn tư duy của người thợ, vốn là những người tài hoa, khéo léo, nhưng cũng phải tâm phục trước sự "điêu luyện" của máy móc và quan trọng hơn là được người tiêu dùng đón nhận. Bên cạnh đó, việc áp dụng máy móc vào sản xuất đã giúp giảm công sức, thời gian tạo ra một sản phẩm mỹ nghệ cũng như độ tinh xảo của sản phẩm so với sản xuất thủ công, từ đó tăng năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ mộc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đồ gỗ. Điều đó cho thấy sự nhạy bén trong việc tiếp cận công nghệ để áp dụng vào sản xuất của các cơ sở sản xuất đồ gỗ. Mặc dù, việc đầu tư các thiết bị máy móc tốn khá nhiều chi phí và để làm chủ được những thiết bị, máy móc hiện đại cũng không hề đơn giản, nhưng, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy nghề gỗ mỹ nghệ phát triển theo hướng hiện đại thì việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là xu hướng tất yếu.

Khánh Đan

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nghe-moc-thoi-cong-nghe/103186.htm