Nghề làm tranh Đông Hồ: Di sản cần được bảo vệ

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa 'Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ' vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1236/BVHTTDL-DSVH ngày 25/3/2020, ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (Công văn số 01/BC-HDDSVHQG ngày 04/3/2020), Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Hồ sơ theo quy định; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2020.

Ảnh minh họa: Bùi Phương

Ảnh minh họa: Bùi Phương

Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh nổi tiếng được nhiều người biết đến và là sản phẩm được người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế ưa chuộng. Đó là những bức tranh khắc họa tài tình về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một xã hội công bằng tốt đẹp. Tranh còn phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, ca ngợi các vị anh hùng cũng như lên án các thói hư tật xấu của con người. Với nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với tâm tư, tình cảm của người dân, tranh Đông Hồ đã đi vào cuộc sống, tập tục của con người Việt Nam.

Theo giáo sư, tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, tranh Đông Hồ có tên đầy đủ là “Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ”. Đây là một dòng tranh dân gian tiêu biểu nhất ở Việt Nam, có xuất xứ từ làng Đông Hồ. Làng nằm ven sông Đuống cách Hà Nội chừng 40km về phía Đông Bắc. Xưa kia Đông Hồ được gọi là Đông Mái (hay làng Mái) thuộc Tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đông Hồ là một làng nghề truyền thống lâu đời. Minh văn trên bia đá trên nền chùa cổ của làng dựng thời Mạc (thế kỷ XVI) cho biết, đây là một làng đã được thành lập, tồn tại và phát triển từ nhiều thế kỷ…

Trước đây, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh, sau năm 1945 cùng với các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng bị suy thoái, đứng bên bờ vực thẳm. Làng Đông Hồ chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân đau đáu với nghề. Năm 2013, tranh Đông Hồ đã được ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo vệ và phát huy giá trị của tranh dân gian Đông Hồ, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030. Cũng trong năm 2014, tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ. Hiện tranh Đông Hồ đã được Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO để đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, tranh dân gian Đông Hồ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nông dân và thị dân, trong dịp đón xuân mới hằng năm và các thực hành tín ngưỡng. Chính vì thế, xét trên phương diện sử dụng, người ta phân chia thành hai loại là tranh tết và tranh thờ. Những nội dung cơ bản thể hiện trên các bức tranh, người ta chia thành năm thể loại, đó là: Tranh thờ, tranh lịch sử, truyện tranh, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là các loại tranh mang ý nghĩa chúc tụng…

Để tăng thêm những ý nghĩa chúc tụng, ngoài những hình tượng biểu trưng cho sự tốt lành gần gũi và thân thuộc trên tranh như con gà, con lợn, con chuột, con mèo, người ta còn viết thêm những dòng chữ Nôm, chữ Hán để minh họa cho ý nghĩa của tranh. Chữ trong tranh có thể là thơ, là câu đối, tục ngữ, phương ngôn, hay có thể chỉ là một câu nói thường ngày nhưng ý nghĩa lại rất rộng, rất sâu. Cho đến nay nghề in tranh khắc gỗ ở Đông Hồ không còn nhộn nhịp như xưa.

Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh nổi tiếng được nhiều người biết đến và là sản phẩm được người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế ưa chuộng. Đó là những bức tranh khắc họa tài tình về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một xã hội công bằng tốt đẹp. Tranh còn phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, ca ngợi các vị anh hùng cũng như lên án các thói hư tật xấu của con người. Với nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với tâm tư, tình cảm của người dân, tranh Đông Hồ đã đi vào cuộc sống, tập tục của con người Việt Nam.

Tuy vậy, nhiều gia đình ở đây còn giữ được hàng trăm ván gỗ, được coi là của gia bảo truyền lại cho con cháu đời sau. Các bảo tàng trung ương như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã sưu tầm, lưu giữ và tổ chức trưng bày các sưu tập tranh dân gian cùng các bộ ván in tranh từ các làng nghề tranh dân gian truyền thống trong đó có làng tranh Đông Hồ. Từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay, tranh dân gian ở Việt Nam nói chung, trong đó có làng tranh Đông Hồ đã được Chính phủ Việt Nam và ngành Văn hóa quan tâm nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị.

Nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều tranh dân gian và ván in tranh đã được sưu tầm, giới thiệu tại các bảo tàng. Việc bảo tồn nghề và làng nghề tranh dân gian Đông Hồ cũng được đặt ra trong một số dự án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, trước những biến đổi cơ bản của đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, các dòng tranh và làng tranh dân gian truyền thống đã và đang chịu những tác động, những thách thức không nhỏ…

Việc bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ, phát huy một dòng tranh gắn liền với phong tục, tập quán của người Việt vào dịp Tết đến xuân về, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam và thế giới nói chung.

Việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là bước đi thiết thực nhất để cứu vãn, vực dậy làng nghề tranh. Đó sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để nhà nước, chính quyền các cấp chung tay góp sức bảo vệ di sản. Đó cũng là động lực để cộng đồng địa phương quan tâm, dốc sức giữ gìn và củng cố di sản này.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nghe-lam-tranh-dong-ho-di-san-can-duoc-bao-ve-105742.html