Nghề làm than tổ ong - khắc khoải một quá khứ 'hoàng kim'

Trước chủ trương từ nay đến năm 2020, khu vực nội thành Hà Nội sẽ 'sạch bóng' bếp than tổ ong, nhiều cơ sở sản xuất than tại thủ đô đã lục đục đóng cửa để chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, ở một số xưởng sản xuất lớn, có nhiều lao động lâu năm thì việc chuyển đổi nghề lại không hề dễ dàng.

Người đẩy xe than xếp than trước khi phân phối than cho các hộ dân.

Xa rồi thủa “hoàng kim”

Để tìm hiểu thêm về những khó khăn này, nhóm PV Báo Lao Động đã tìm đến phường Thượng Thanh (quận Long Biên), nơi xưa nay nổi tiếng với các cơ sở sản xuất than tổ ong. Không khó để nhận ra sự đặc trưng tại nơi này. Khoảng sân trước nhà và kho xưởng luôn đặc một màu đen kịt bởi bụi than và các viên than dự trữ chất thành từng dãy cao vọi. Trong khu vực sản xuất, những nhóm thợ đang cần mẫn
làm việc.

Tâm sự với PV, anh Vũ Minh Tuân (41 tuổi, người đã có 26 năm kinh nghiệm trong nghề) miên man với những hồi ức về một thời quá khứ “hoàng kim” của những chiếc bếp than tổ ong. Anh Tuân kể, vào thời kỳ đó, lượng người sử dụng than tổ ong nhiều vô kể, cung không đủ cầu. Ngày đó trung bình mỗi ngày chỉ đóng được 300 viên than, cơ sở nào làm năng suất lắm cũng chỉ đóng được khoảng 500 viên. Do nhu cầu người sử dụng cao nên làm được bao nhiêu là có mối đến lấy bấy nhiêu. Thu nhập từ nghề than của người lao động còn cao hơn tiền lương của công nhân viên chức thời đó.

Theo thời gian, sự phát triển chung của toàn xã hội đẩy mức sống của con người lên cao hơn, hiện đại hơn. Nhu cầu sử dụng nguồn nhiên liệu sạch, vừa tiện lợi, vừa thân thiện với môi trường được đặt lên hàng đầu. Với những hệ lụy làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh sống trong quá trình sử dụng, than tổ ong dần đi vào quên lãng.

Chị Phạm Thị Lý (38 tuổi, một người từ tỉnh lẻ ra Hà Nội chở than thuê cho các cơ sở được 11 năm) tâm sự: Nếu như trước đây các mối khách tự tìm đến xưởng thì bây giờ mỗi ngày chị phải đi vòng quanh nội thành để giao hàng và chào mời hàng để duy trì nguồn thu.

Tương tự, cơ sở sản xuất kinh doanh than tổ ong của ông Nguyễn Văn Dũng (đóng tại huyện Thanh Trì) cũng gặp phải không ít khó khăn trong thời buổi hiện giờ. Trước kia, cơ sở của ông Dũng tiêu thụ ra thị trường khoảng 20 tấn than mỗi ngày nhưng cho đến nay chỉ còn 4 tấn một ngày, bởi nhiều hàng quán kinh doanh không còn sử dụng bếp than tổ ong nữa.

Nỗi lòng người làm nghề

Trước chủ trương từ nay đến năm 2020 sẽ xóa sổ hoàn toàn bếp than tổ ong, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng trăn trở: “Đầu tư một cơ sở như thế này không phải chuyện dễ, tôi cũng phải thu hút tất cả các nguồn vốn ở các nơi, từ nguồn vốn của gia đình đến việc vay ngân hàng. Giờ phải dỡ bỏ cơ sở thật sự là một điều khó khăn với bản thân tôi và người lao động”.

Còn chị Phạm Thị Lý - người lao động tại cơ sở sản xuất than tổ ong - bày tỏ: Với cánh phụ nữ ít học như chúng tôi, công việc này tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định. Mỗi tháng, trừ tiền ăn ở và chi phí sinh hoạt, tôi để ra được 4-5 triệu đồng để gửi về quê. Tôi mong muốn song song với lộ trình xóa sổ bếp than tổ ong sẽ là những định hướng, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho những lao động như chúng tôi.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở TNMT Hà Nội - cho hay: Hiện tại, Sở TNMT đã có những phương án kết nối những cơ sở sản xuất bếp than sạch với cơ sở sản xuất than tổ ong để cùng hợp tác, tạo ra một hệ thống phân phối bếp sạch và nguyên liệu sạch. Sở TNMT sẽ làm cầu nối để người sản xuất bếp than và than tổ ong làm các kênh phân phối cho nhà sản xuất bếp sạch. Từ đó giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được những bếp đun thân thiện với môi trường. Việc hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp cũng đang được cơ quan chức năng tính toán kỹ để lộ trình này phát huy hiệu quả.

NHÓM PV

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/nghe-lam-than-to-ong-khac-khoai-mot-qua-khu-hoang-kim-620789.ldo