Nghề làm miến dong

Từ năm 2000 trở lại đây, khi giao thương hàng hóa phát triển, sản phẩm miến dong xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) không chỉ có mặt ở thị trường địa phương, mà còn được các thương lái vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Người dân xã Bình Lư làm miến quanh năm, nhưng tập trung nhất vào khoảng ba tháng cuối năm. Ngày thường, xã có khoảng 30 hộ gia đình duy trì làm miến liên tục, nhưng chuẩn bị vào dịp Tết, có hơn 80 hộ gia đình tham gia sản xuất miến.

Từ năm 2000 trở lại đây, khi giao thương hàng hóa phát triển, sản phẩm miến dong xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) không chỉ có mặt ở thị trường địa phương, mà còn được các thương lái vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Người dân xã Bình Lư làm miến quanh năm, nhưng tập trung nhất vào khoảng ba tháng cuối năm. Ngày thường, xã có khoảng 30 hộ gia đình duy trì làm miến liên tục, nhưng chuẩn bị vào dịp Tết, có hơn 80 hộ gia đình tham gia sản xuất miến.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, ở xã Bình Lư cho biết, nghề miến được vợ chồng ông làm quanh năm, vào dịp cuối năm thì bận rộn hơn. Gia đình ông hiện có 300 phên, mỗi ngày làm được 90 kg miến khô. Thị trường miến năm nay rất ổn định, với giá bán từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, đầu ra cũng không phải lo vì khách hàng ở miền xuôi đặt hàng liên tục. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, có lúc không kịp làm cho các đơn hàng. Năm nay, thu nhập từ nghề làm miến dong của gia đình khoảng gần 200 triệu đồng.

Gia đình chị Bùi Thị Hồng Thu, ở bản Thống Nhất, là một trong những hộ có nhiều năm gắn bó lâu với nghề sản xuất miến dong. Chị Thu chia sẻ, miến dong ở Bình Lư làm hoàn toàn bằng dong riềng nguyên chất, không pha trộn các loại bột khác và không sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Sợi miến nhỏ có mầu trong hơi xám, khi nấu sợi dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm ngon của dong riềng. Để làm thành một sợi miến khô phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu trồng dong riềng đến thu hoạch củ, đem đi xay bột... Sau đó, lọc bột loại bỏ tạp chất, làm chín bột và cho vào khuôn cắt thành từng sợi mới mang đi phơi khô. Hiện gia đình chị có 240 phên phơi miến, ngày thường hai vợ chồng chị làm từ hai đến ba mẻ, thu được 70 đến 80 kg miến khô. Nhưng vào những tháng giáp Tết, mỗi ngày làm từ 150 đến 200 kg miến khô. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng miến ra đến đâu là bán hết đến đó.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lư Lò Văn Thắng cho biết, năm 2014, xã được UBND tỉnh Lai Châu cấp bằng công nhận hai làng nghề sản xuất miến dong, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Toàn xã hiện có 35 ha dong riềng, khoảng 125 hộ gia đình trồng và gần 80 hộ gia đình chuyên sản xuất miến. Mỗi năm, xã bán ra thị trường khoảng 170 tấn miến, thu về khoảng hơn bảy tỷ đồng. Thu nhập của người dân trong xã ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện. Xã đã thành lập được hợp tác xã dịch vụ thương mại sản xuất miến dong và đưa hệ thống máy móc, công nghệ mới vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm miến dong Bình Lư ngày được nâng cao, năng suất tăng gấp đôi so với làm thủ công; mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp về hình thức. Sản phẩm miến dong Bình Lư vừa được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là một trong 47 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh và đạt ba sao.

Thành Vinh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/nghe-lam-mien-dong-635516/