Nghề 'kéo rồng' đi giật lùi ở xứ Thanh

Ở làng biển Quảng Nham (Thanh Hóa) có một loại hình đánh bắt hải sản gần bờ kỳ lạ mà người dân nơi đây gọi vui là 'nghề đi giật lùi'.

Thời tiết khắc nghiệt của vùng biển Quảng Nham (Quảng Xương, Thanh Hóa) vào những ngày hè tháng 5 không thể khiến những ngư dân nơi đây ngừng công việc mưu sinh hàng ngày. Ngay từ rạng sáng họ đã bắt đầu dong bè thả và kéo từng mẻ lưới để mong một ngày đầy ắp cá tôm.

Thời tiết khắc nghiệt của vùng biển Quảng Nham (Quảng Xương, Thanh Hóa) vào những ngày hè tháng 5 không thể khiến những ngư dân nơi đây ngừng công việc mưu sinh hàng ngày. Ngay từ rạng sáng họ đã bắt đầu dong bè thả và kéo từng mẻ lưới để mong một ngày đầy ắp cá tôm.

Họ gọi công việc này là "kéo rồng", một trong những nghề truyền thống của ngư dân nơi xã biển. Bè chở lưới chạy ra xa cách bờ khoảng 2 km thì họ bắt đầu thả lưới quây thành vòng cung. Dây thừng buộc vào hai đầu của tấm lưới, mỗi đầu có 10-12 người cứ thế kéo lưới về bờ.

Mỗi mẻ kéo rồng có khoảng 20-25 người, chủ yếu là phụ nữ và người già. Họ bảo công việc này thu nhập thấp, các lao động trẻ chẳng còn mấy ai mặn mà.

Ông Nguyễn Văn Thành (80 tuổi) sáng nào cũng đi kéo rồng. Ông kể khi còn thanh niên ông đi biển khơi xa đánh cá lớn, về già ông vẫn gắn bó với biển. Kéo một mẻ lưới được nhiều hay ít cá còn phụ thuộc vào dòng nước. Nếu ngày nào nước êm thì công việc của họ bớt vất vả, và ngược lại với ngày biển động. Cá tôm thì tùy vào may mắn và sự hào phóng của biển cả.

Ông Thành tranh thủ lúc mọi người thu lưới lên bè để ăn vội bữa cơm trưa, kịp ra đánh mẻ lưới tiếp theo.

Phần lớn những thợ kéo rồng đã hết độ tuổi lao động, phụ nữ không thể đi khơi xa. Nhiều em nhỏ đang tuổi học sinh nghỉ hè cũng tranh thủ kiếm thêm giúp gia đình.

"Nghề đi giật lùi" là cách ví von vui của các ngư dân nơi đây. Để kéo được mẻ lưới vào bờ, người thợ phải buộc một cái đai bằng gỗ vào lưng, một đầu buôc vào dây thừng nối với lưới, cứ vậy họ đi lùi dần kéo lưới vào bờ. "Những năm 2000, khi ven bờ đang còn nhiều cá tôm, cả làng làm nghề này, nhưng giờ nơi đây chỉ còn lại khoảng 3 hộ theo đuổi nghề vì thu nhập thấp", bà Ngô Thị Thiết (70 tuổi) chia sẻ.

Trời hè nắng cháy trên biển, hơn 20 con người quần áo cũ sờn. Ai cũng hối hả kéo cho nhanh những mẻ lưới bởi nếu không nắng lên, công việc sẽ vất vả hơn nhiều.

“Tôi đi biển, sống bằng nghề biển hết cuộc đời rồi. Còn trai trẻ thì đi đánh bắt ngoài khơi xa theo những thuyền lớn. Nay lớn tuổi không đi xa nữa, về làm gần bờ tuy vất vả nhưng có tiền đong gạo, không bám biển thì cũng không biết sống bằng nghề gì”, ông Hưng chia sẻ.

Nhóm ngư dân hơn 20 người chia làm hai đội cứ thế đi giật lùi đến khi nào hai bên kéo thu về một mối thì mẻ rồng đã xong. Thời gian cho mỗi mẻ hoàn thành trong khoảng 2 giờ.

Cá tôm ven bờ ngày càng cạn kiệt. Cách đây 10 năm, mỗi mẻ lưới ngư dân thu cả tạ cá, bán được gần chục triệu. Một ngày đi kéo rồng mỗi người kiếm được chừng nửa triệu đồng. Giờ đây mỗi mẻ nhiều nhất bán được 2 triệu nên một ngày thuận lợi mỗi thợ được chia 150.000 đến 200.000 đồng.

Cá nhỏ, ruốc, tôm, những loại hải sản ven bờ sau mẻ lưới, được các tiểu thương mua lại và phân loại tại bờ biển luôn để còn tranh thủ chạy bán nhanh cho kịp chợ sớm. Cả một ray ruốc được mua với giá 150.000 đồng.

Những người dân vùng biển vẫn phải sống dựa vào biển bởi ngư nghiệp là nghề chính được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở chính nơi đây.

Hoàng Đông

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nghe-keo-rong-di-giat-lui-o-xu-thanh-post949370.html