Influencer - nghề sang chảnh hay nuôi dưỡng sự phù phiếm và bất an?

Followers không phải là thứ duy nhất 'theo chân' cuộc sống các influencer. Quyền lực trên mạng xã hội đánh đổi bằng không ít cảm giác trống rỗng, mệt mỏi duy trì độ nổi tiếng.

Zing.vn tổng hợp các bài viết trên The Guardian, The Atlantic & Teen Vogue, đề cập đến mặt tối đằng sau những hào quang của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Trái với các hình ảnh lung linh, sang chảnh, họ gặp không ít áp lực và không hiếm người từ bỏ, quay về công việc bình thường.

“Trở thành người nổi tiếng trên Instagram là một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất của tôi ở ngưỡng tuổi 20. Nó khiến toàn bộ cuộc sống trở nên ngột ngạt và khó chịu”, Verity Johnson cho hay.

Verity từng là một influencer (người có sức ảnh hưởng) trên mạng xã hội với lượng người theo dõi đông đảo. Họ “thả tim” từng bức ảnh đẹp đẽ, chăm chú theo dõi từng hoạt động trong cuộc sống của cô và thể hiện sự hâm mộ qua những bình luận “có cánh”.

Cơ may đến với cô gái trẻ khi vừa tốt nghiệp đại học, Verity nhận được lời mời làm MC cho một chương trình truyền hình tại New Zealand. Trước đó, cô chưa từng có công việc thực sự nào.

“Tại thời điểm đó, tôi còn không có tài khoản Instagram nào chứ đừng nói đến suy nghĩ chăm chút, chỉnh sửa cho từng bức hình”, Verity nhớ lại.

"Hào quang trên mạng xã hội là thứ danh vọng ảo và phụ thuộc vào lượng người theo dõi". Ảnh: Medium.

"Hào quang trên mạng xã hội là thứ danh vọng ảo và phụ thuộc vào lượng người theo dõi". Ảnh: Medium.

Danh tiếng "nuôi dưỡng" tính cách tệ hại

Cô gái bắt đầu sử dụng mạng xã hội đơn thuần vì cho rằng điều đó sẽ giúp ích cho công việc. Và nhờ vào việc thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia mỗi sáng, trong khoảng thời gian ngắn, Verity nhận được lượng theo dõi lớn trên Instagram.

Nhanh chóng, Verity được xếp vào hàng ngũ những người có tiếng nói trên mạng. Các hợp đồng quảng cáo cũng nhờ vậy mà kéo đến ồ ạt, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho cô.

“Tôi nhận được hàng đống đồ do các nhãn hàng gửi đến. Những gì tôi cần làm sau đó là chụp ảnh chúng, chỉnh sửa sao cho đẹp đẽ và đăng tải ảnh lên với một vài ba dòng chú thích đơn giản có nhắc đến tên thương hiệu”, cô gái nói.

Song, cảm giác tồi tệ luôn xâm chiếm Verity. Lần đầu tiên trong đời, 9X cảm thấy danh tiếng đem lại nhiều nguy hiểm hơn là sự vui sướng.

“Được đông người theo dõi khiến bạn lầm tưởng bạn luôn được chú ý và là người quan trọng. Tôi tự mặc định mình là người hấp dẫn, là ‘cái rốn của vũ trụ’ và điều tôi quan tâm duy nhất là bản thân mình”, cô chia sẻ.

“Tất nhiên là ban đầu, bạn không nhận ra điều đó. Vì bạn còn bận rao giảng về tình yêu, sự hòa hợp trong cuộc sống hay loại trà giảm cân nào đó. Chưa kể, tất cả những gì bạn để tâm là liệu cảnh này, góc này có phù hợp cho chuyện ‘sống ảo’ không”, nữ MC nói thêm.

Với Verity, hào quang trên mạng xã hội chỉ là thứ danh vọng “mơ hồ” và phụ thuộc vào lượng người theo dõi.

Verity Johnson từng kiếm bội tiền nhờ các bài đăng quảng cáo nhưng giờ đây, cô chỉ coi mạng xã hội là nơi cập nhật cuộc sống cá nhân, riêng tư. Ảnh: The Guardian.

“Hầu hết người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ đều tài giỏi nhờ tài năng của họ. Nhưng với những influencer, ảnh đẹp mới quyết định tất cả. Nhận thức được điều này khiến tôi càng mệt mỏi hơn để cố gắng duy trì độ phủ sóng của mình”, cô đúc kết.

Verity cho biết để có được những hình ảnh lung linh, sang chảnh trên Instagram, cô thường phải mất đến 5 giờ đồng hồ, từ chụp ảnh cho đến chỉnh màu. Công đoạn càng tốn thời gian hơn khi không có sự hỗ trợ của ekip riêng mà phải tự mình làm tất cả.

Sự nổi tiếng trên mạng xã hội dần dần bóp chết những niềm vui thường ngày khi cô luôn “đau đầu” tính toán về việc phải mặc gì, chụp như thế nào để mỗi bài đăng nhận được lượng tương tác “khủng”. Các cuộc hẹn café với bạn bè bỗng trở thành điều gì đấy xa xỉ.

“Thông thường mọi người chụp ảnh vì muốn lưu lại khoảnh khắc, nhưng với tư cách influencer, bạn luôn cho rằng càng dành nhiều công sức chỉnh ảnh, bức ảnh càng có sức lan tỏa”, cô giải thích.

Cuối cùng, Verity quyết định không nhận thêm hợp đồng quảng cáo, cũng không công phu chỉnh ảnh từng bước trước khi đăng tải.

Verity gọi danh tiếng của việc làm influencer đã “nuôi dưỡng cho sự phù phiếm và bất an của bản thân cho đến khi không thể kiểm soát nổi”.

Cô vẫn sử dụng Instagram nhưng mức độ ảnh hưởng đã kém đi nhiều, lượng “like” và theo dõi cũng vơi bớt dần.

“Tôi nhận ra để tiếp tục là người có sức ảnh hưởng, tôi phải nuông chiều các tính cách tệ hại mà mình không hề mong muốn. Và thành thật, chẳng có cái giá nào xứng đáng để đổi lấy việc tôi phải làm vậy”, Verity khẳng định.

Cô gái cũng cho hay cô đã xóa sạch gần hết các tấm hình “sống ảo” đẹp đẽ trước kia.

Áp lực luôn phải xuất hiện trên mạng với vẻ ngoài hoàn hảo, cuộc sống sang chảnh khiến không ít influencer rơi vào trạng thái mệt mỏi. Ảnh: Slaying Social.

"Mắc kẹt" trong nỗi lo nổi tiếng

Verity không phải là trường hợp duy nhất những người sử dụng Instagram cảm thấy “ám ảnh” về việc duy trì danh tiếng trên mạng xã hội.

Alexandra Mondalek, phóng viên thời trang ở New York (Mỹ), từng nhận thấy tâm trí luôn để tâm vào việc xây dựng tài khoản Instagram. Ban đầu, Alexandra đăng tải những món quà tặng cô nhận được từ các nhãn hàng với hy vọng củng cố danh tiếng.

“Tôi lo lắng bài viết nhận được bao nhiêu lượt thích thay vì dành thời gian đó để gặp gỡ các đối tác quan trọng. Có một áp lực nhất định về việc tạo ra thương hiệu cá nhân của mình trên mạng xã hội”, cô cho hay.

Song, cô quyết định nghỉ dùng Instagram trong vòng 9 tháng vì cảm giác mệt mỏi và thừa nhận “cảm thấy thoải mái hơn khi đầu óc được giải phóng khỏi việc phải suy nghĩ xem nên chia sẻ thứ gì trên mạng mỗi ngày”.

Hiện tại, Alexandra trở thành freelancer. Một lần nữa, cô gái 24 tuổi đối mặt với việc gia nhập lại sự “đông đúc” trên Instagram nhằm mở rộng các mối quan hệ làm ăn.

“Sẽ là nói dối nếu tôi nói mình không so sánh cuộc đời tôi với những bức hình tôi thấy trên mạng xã hội. Ai đó mua được thứ bạn không thể chi trả hoặc quen biết những người bạn mong mỏi kết thân, đều có thể đem lại cảm xúc tiêu cực”, Alexandra nói.

Mỗi bức hình của các influencer luôn được chỉnh màu kỹ càng, công phu trước khi đăng tải. Ảnh: Mobile Marketer.

Jenn Haskins, chủ một thương hiệu làm đẹp, có thể kiếm được trung bình 250 USD cho mỗi bức hình quảng cáo. Tài khoản của cô nhận được hơn 25.000 lượt theo dõi.

“Số tiền nhận được phụ thuộc vào tính chất dự án, sản phẩm và chi tiết hợp đồng. Trung bình, với mỗi tài khoản trên 10.000 người nhấn ‘follow’, một bài đăng thương mại rơi vào khoảng 100 USD. Với các nền tảng khác như video hay blog, tôi thường tính phí 50-100 USD cho mỗi giờ”, Haskins chia sẻ.

Mặt khác, cô cũng than thở về việc luôn phải “gắn chặt” với điện thoại và máy tính, online liên tục. “Nếu muốn giữ danh tiếng, bạn cần tương tác với người dùng mọi lúc, mọi nơi”, Haskins nói.

Lestraundra Alfred, chủ của một kênh chuyên về thể dục, cũng khẳng định áp lực mà các influencer gặp phải.

“Rất nhiều người nhắn tin cho tôi và bày tỏ sự mong chờ, háo hức trước từng nội dung tôi đăng tải. Từng có lúc, tôi muốn dứt ra khỏi toàn bộ cái gọi là người nổi tiếng trên mạng, nhưng cuối cùng, tôi vẫn làm mọi cách để duy trì nó”, Alfred cho biết.

Có quyền lực thật sự?

Năm 2018, Instagram chạm cột mốc 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, một nửa trong số họ sử dụng nền tảng này để chia sẻ và xem ảnh mỗi ngày, với số người trong độ tuổi từ 18-24 chiếm phần đông.

Theo nghiên cứu của tạp chí Psychology of Popular Media Culture, Instagram có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của con người.

So với các nền tảng khác như YouTube, Twitter và Facebook, Instagram tác động vào bộ não của người dùng, khiến mỗi người nảy sinh tâm lý so sánh khi nhìn vào hình ảnh do người khác tải lên.

Nghiên cứu đồng thời chỉ ra càng dành nhiều thời gian sử dụng Instagram, người dùng càng dễ rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng và chán nản.

Số lượng các bài đăng quảng cáo của người nổi tiếng "ngập tràn" trên mạng xã hội là lý do khiến người dùng không còn mặn mà theo dõi. Ảnh: Publico.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của những hot boy, hot girl, blogger, fashionista trên mạng xã hội đang có chiều hướng đi xuống, theo báo cáo mới nhất của công ty InfluencerDB.

Số liệu được đưa ra dựa theo tương quan so sánh số lượng người theo dõi với số lượt thích, bình luận.

Trong bối cảnh các bài đăng gắn mác “nhãn hàng tài trợ” nhan nhản ở mọi ngóc ngách trên mạng, người xem mất hứng thú vì phải xem quá nhiều quảng cáo. Còn các influencer đánh mất tỷ lệ tương tác cao trước đó.

Tỷ lệ này giảm xuống mức 2,4% trong giai đoạn đầu năm 2019, so với con số 4% tại cùng thời điểm của 3 năm trước. Các bài đăng thông thường cũng chứng kiến mức giảm tương tự, từ 4,5% xuống 1,9%.

Theo đó, các tài khoản sở hữu trên 10.000 lượt theo dõi có mức tỷ lệ ổn định, vào khoảng 3,6% trên toàn thế giới. Con số tăng lên mức 6,3% với những người có 5.000-10.000 followers và cao nhất ở nhóm có từ 1.000-5.000 người theo dõi với mức 8,8%.

Xu hướng giảm này diễn ra ở mọi nghề nghiệp phổ biến của các influencer. Tỷ lệ tương tác của các travel blogger, nhóm những người đứng đầu về mức độ phủ sóng trên Instagram, đã giảm từ 8% vào năm ngoái xuống còn 4,5% vào năm nay.

Các lĩnh vực khác như làm đẹp, thời trang, thực phẩm, lối sống và thể thao cũng chứng kiến sự đi xuống tương tự.

Reese Blutstein có thể coi là một trường hợp influencer cá biệt. Cô gái 22 tuổi thu hút hơn 238.000 người theo dõi trên mạng xã hội chỉ trong vòng một năm nhờ đăng những tấm hình bản thân mặc các trang phục kỳ quặc. Ảnh không qua chỉnh sửa và có chất lượng bình thường.

“Tôi không cảm thấy stress với việc cùng lúc tải lên nhiều ảnh na ná nhau. Tôi không nghĩ điều đó sẽ khiến trang cá nhân trông rối tung và xấu thậm tệ. Mọi thứ chỉ đơn giản ở mức tôi thích cái nào, tôi đăng cái đó”, Reese khẳng định.

Trà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nghe-influencer-khi-su-sang-chanh-di-kem-am-anh-danh-tieng-post969046.html