Nghề giáo trong thời đại 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thay đổi chóng mặt trong cách tiếp cận tri thức đặt ra thách thức lớn cho người giáo viên. Khi các cỗ máy tìm kiếm, mạng xã hội đang trở thành nguồn học tập vô tận, giáo viên không chỉ đơn thuần trao tri thức, mà còn phải trở thành người định hướng, khai mở tiềm năng cho học trò.

Công nghệ có thể thay thế được giáo viên?

Đã có rất nhiều tranh luận về chủ đề: có cần hay không người thầy giáo trong tương lai. Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép người ta nghĩ rằng, trong một thời gian rất gần, robot có thể đứng lớp thay cho giáo viên.

Thầy Mark Hanlen, giáo viên môn Hải dương học tại New Zealand, luôn biết cách thu hút học sinh đến với những tiết học của mình.

Thầy Mark Hanlen, giáo viên môn Hải dương học tại New Zealand, luôn biết cách thu hút học sinh đến với những tiết học của mình.

New Zealand là quốc gia đầu tiên áp dụng phần mềm AI để xây dựng mô hình thầy giáo “ảo” . Vị giáo viên “ảo” này được đặt tên là Will, hiện giảng dạy bộ môn năng lượng tái tạo tại một số trường tiểu học ở TP. Auckland. Thầy Will có thể giao tiếp, trả lời câu hỏi và làm các học sinh rất thích thú với những vấn đề khoa học tưởng chừng như khô khan. Trong tương lai, thầy giáo “ảo” được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở những vùng sâu, vùng xa, với điều kiện đi lại và sinh sống khó khăn.

Là quốc gia được xếp hạng nhất thế giới về chuẩn bị cho tương lai do tổ chức Economist Intelligence Unit bình chọn, New Zealand cũng tiên phong trong việc đầu tư hạ tầng và đào tạo chuyên môn về công nghệ với tổng vốn đầu tư lên tới 700 triệu USD trong dự án gần nhất. Ngoài ra, gần 98% trường học tại New Zealand đã được trang bị Internet tốc độ cao, chuẩn bị cơ sở cho việc áp dụng công nghệ trực tuyến trong giáo dục.

Trong các lớp học tại quốc đảo này, công nghệ được các thầy cô sử dụng như một công cụ đắc lực để tạo nên những trải nghiệm học tập trực quan, sinh động và thú vị cho học trò, là cầu nối hiệu quả giữa nhà trường và gia đình. Hơn bao giờ hết, người giáo viên cần tự trang bị cho mình kỹ năng sử dụng công nghệ và tận dụng công nghệ cho mục tiêu phát triển tiềm năng của người học.

Giáo viên 4.0 - người trang bị kỹ năng cho tương lai

GS. Tony Wagner (Đại học Harvard) từng chia sẻ: “Thế giới ngày nay không quan tâm kiến thức của sinh viên là gì, mà quan trọng là sinh viên làm được gì với kiến thức đó”. Vì thế, vai trò của người giáo viên thời 4.0 không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng tương lai. Một nghiên cứu của tổ chức Economist Intelligence Unit năm 2017 đã chỉ ra rằng, để thành công trong môi trường đầy biến động trong tương lai, những kỹ năng mà người trẻ cần có là: kỹ năng liên ngành, sáng tạo và phân tích, kinh doanh, lãnh đạo, kỹ năng số và kỹ thuật, nhận thức toàn cầu, ý thức công dân.

Được xếp hàng top đầu trên thế giới về độ chuyên nghiệp, giáo viên tại New Zealand là những người đi đầu trong việc huấn luyện kỹ năng tương lai cho học trò. Với nền văn hóa tri thức, cởi mở, New Zealand là vùng đất thu hút nhân tài trên khắp thế giới, mang đến những tư tưởng, kiến thức tinh hoa cho nền giáo dục.

Điển hình là GS. Kathleen Campbell - nhà nghiên cứu có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), hiện là giáo sư khoa Môi trường (Đại học Auckland). Là chuyên gia nổi tiếng thế giới về môi trường sống khắc nghiệt, cô sử dụng những nghiên cứu của mình để tìm kiếm sự sống trên các hành tinh ngoài trái đất. Hiện tại, cô làm việc cho một nhóm nghiên cứu quốc tế nhằm tìm kiếm điểm đỗ khả thi cho nhiệm vụ phóng tàu NASA lên sao Hỏa vào năm 2020.

Với tầm ảnh hưởng quốc tế và những mối quan hệ quý giá của mình, cô Kathleen đã mở cánh cửa cho sinh viên tới với các viện nghiên cứu và các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Cô luôn khuyến khích nghiên cứu độc lập của sinh viên, gợi mở để họ đưa ra giải pháp cho những vấn đề thực tế.

“Cô Kathleen cho tôi động lực bước ra khỏi vùng an toàn của mình và phát triển những kỹ năng mới”, Sian Camp - một trong những Cử nhân danh dự với Dự án Nghiên cứu suối nước nóng địa nhiệt tại vùng Rotorua (New Zealand) để tìm hiểu điều kiện sống trên sao Hỏa, do cô Kathleen hướng dẫn, chia sẻ.

Nhằm giúp học sinh mở rộng tầm nhìn và có khả năng theo đuổi nhiều con đường sự nghiệp trong tương lai, TS. Faith Kane, giảng viên cao cấp Khoa Thiết kế thuộc Đại học Massey (New Zealand), đã áp dụng phương pháp giảng dạy liên ngành, luôn khuyến khích sinh viên của mình thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Chúng ta không thể đoán trước nhu cầu của ngành công nghiệp sẽ thay đổi như thế nào trong vòng 20 năm tới. Cách tiếp cận liên ngành của Khoa Thiết kế là nền tảng phù hợp để giúp sinh viên thích ứng một cách linh hoạt và sáng tạo cho tương lai”, cô Faith cho biết.

Hơn bao giờ hết, những giáo viên thời đại 4.0 hiểu rằng, lớp học cần phải vượt ra khỏi phạm vi bốn bức tường.

Tận dụng thiên nhiên tuyệt diệu của New Zealand, thầy Mark Hanlen - giáo viên môn Hải Dương học của một trường trung học tại New Zealand thường xuyên dẫn các học sinh đi lặn biển để kết nối các bài giảng khoa học với những vấn đề thực tế, có khả năng tác động sâu sắc đến tương lai của loài người như rác thải trong đại dương và biến đổi khí hậu. Thầy Mark tin rằng, những trải nghiệm mà học sinh có được trong lớp học và môi trường bên ngoài vô cùng quan trọng cho việc học tập của các em.

Thời đại 4.0 đặt ra bao nhiêu thách thức và cơ hội cho người trẻ là bấy nhiêu thách thức và cơ hội cho người thầy. Thế nên, giáo viên trong thời đại 4.0 cần chủ động mở rộng tầm nhìn, tư duy và phát triển bản thân, đây là những điều kiện tiên quyết để đào tạo nên những công dân toàn cầu.

Nam Phương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nghe-giao-trong-thoi-dai-40-d91269.html