Nghề giáo cần lắm một chữ 'tâm'

Chỉ vì một vài 'con sâu' mà làm rầu nguyên cả một 'nồi canh' giáo dục thời gian gần đây. Một vài vụ việc làm tổn thương đến truyền thống 'tôn sư trọng đạo' của dân tộc ta qua bao nhiêu thế kỉ.

Cô giáo không giảng bài bốn tháng tại Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) bị học sinh phản ánh. Thầy giáo Trần Huy Khôi bị đình chỉ công tác tại TPHCM vì có những lời lẽ không phù hợp với môi trường giáo dục. Và vụ việc đang được dư luận quan tâm nhiều nhất: Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (Hải Phòng) phạt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng.

Phải chăng, ba giáo viên trong ba vụ việc tôi vừa kể trên đã thiếu đi một điều rất cần thiết trong nghề “trồng người” đó là cái “tâm” để dẫn đến việc các thầy cô vi phạm đạo đức nghề giáo một cách trầm trọng mà xã hội không thể bỏ qua.

Có ai nói rằng, nếu không yêu trẻ thì đừng đến với nghề “gõ đầu trẻ” quả là không sai. Đối tượng của thầy cô giáo là những con người bằng xương bằng thịt, có cảm xúc, có tình cảm, được bố mẹ của các em sinh ra. Cha mẹ các em nuôi dưỡng bằng vật chất và họ gửi gắm trường học, thầy cô dạy cho con em họ về trí tuệ, tinh thần, tình cảm, cách làm người tử tế để trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Thầy cô - những người được xã hội phân công lao động - có nhiệm vụ dạy dỗ bằng kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm từng trải và cụ thể nhất là bằng chính tấm gương nhân cách của bản thân mình để các em noi theo.

Được giảng bài cho học sinh nghe là điều vô cùng hạnh phúc cho những ai làm nghề giáo. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngày ngày bắt gặp những khuôn mặt ham hiểu biết, những ánh mắt háo hức của học sinh khi nghe từng lời giảng của thầy cô. Ẩn chứa trong lời dạy đó sẽ là những bài học lớn lao mà học sinh khao khát học hỏi, chiếm lĩnh kiến thức để hoàn thiện nhân cách bản thân. Thế mà một cô giáo ở TPHCM đã lạnh lùng, khô héo, chai lì cảm xúc khi bốn tháng không giảng bài cho các em.

Nếu một cô giáo im lặng không giảng bài bốn tháng thì ngược lại một thầy giáo dạy Văn, cũng tại TPHCM lại nói quá nhiều, nói những điều vượt ra ngoài phạm vi bài giảng với lời lẽ, không phù hợp với môi trường giáo dục cũng cần phải lên án. Thầy giáo Trần Huy Khôi đã lạm dụng nghề nghiệp của mình để nói và làm những điều không xứng đáng là một người đang làm “nghề cao quý”. Phải chăng, thầy Khôi cũng cần tìm cho mình một chữ “tâm” đúng nghĩa trong nghề giáo.

Một trường hợp càng không thể chấp nhận được của cô giáo tại Hải Phòng bắt học sinh lớp 3 - lớp mình chủ nhiệm uống nước giặt giẻ lau bảng. Một việc làm phản giáo dục, thiếu tính nhân văn, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Hành động xã hội phẫn nộ, lên án. Là một giáo viên trẻ - cô Hương chỉ mới 25 tuổi, cho dù tuổi đời chưa nhiều, tuổi nghề chưa cao nhưng xử lí học sinh trong lớp nói chuyện bằng hình thức như trên thì e rằng ở cô này thiếu trầm trọng chữ “tâm” của người thầy.

Các thầy cô vi phạm đạo đức nghề giáo trên đã, đang và sẽ bị xử lí theo mức độ vi phạm của pháp luật. Cô giáo không giảng bài bốn tháng đang chờ quyết định cuối cùng từ Sở GD&ĐT. Thầy Trần Huy Khôi bị đình chỉ công tác. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương bị cắt hợp đồng lao động nhưng vẫn còn đó những lo lắng, bức xúc, nghẹn ngào của dư luận xã hội. Cùng với đó là những băn khoăn, trăn trở, buồn lòng của đội ngũ giáo viên đang đứng lớp trên toàn quốc “nhìn người mà ngẫm đến ta”, làm sao để đảm bảo cho học sinh - thế hệ măng non của đất nước một tương lai bền vững thông qua giáo dục.

Tiêu Nhi (Thừa Thiên – Huế)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/nghe-giao-can-lam-mot-chu-tam-3922980-b.html