Nghề đóng than tổ ong cũng khó khăn vì Chỉ thị 06 của tỉnh Quảng Ninh

Từ khi tỉnh Quảng Ninh ra Chỉ thị 06, hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép than, xít trên địa bàn tỉnh đã giảm, song cũng để lại hệ lụy cho nhiều doanh nghiệp.

"Luồn lách" để mưu sinh

Ông Lê Văn Bẩy (SN 1972) là chủ cơ sở sản xuất, bán lẻ than tổ ong tại khu Yên Sơn, phường Yên Thọ (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cơ sở này hoạt động từ năm 2009, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể.

Trước kia, khi tỉnh chưa quản lý chặt việc chuyển bã sàng, xít, đất đá lẫn than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thì công việc của ông Bảy không có gì vướng mắc.

Đến năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Chỉ thị 06, yêu cầu phải quản lý chặt bã sàng, đá xít, đất đá lẫn than; có kế hoạch tận thu, sàng tuyển, chế biến tại khai trường mỏ, không được vận chuyển ra khỏi khai trường mỏ để sàng tuyển, tận thu.

 Cơ sở sản xuất than tổ ong của ông Bẩy tại khu Yên Sơn, phường Yên Thọ. Ảnh: Cường Vũ

Cơ sở sản xuất than tổ ong của ông Bẩy tại khu Yên Sơn, phường Yên Thọ. Ảnh: Cường Vũ

Từ khi có quy định trên, hoạt động sản xuất của gia đình ông Bẩy lao đao do thiếu "đầu vào" và thường xuyên bị "nghi" tập kết than, xít, bã sàng trái phép, vi phạm Chỉ thị 06 của tỉnh Quảng Ninh.

Ông Bẩy khó khăn là một chuyện, còn chính quyền cũng vất vả khi "năm lần bảy lượt" phải xuống kiểm tra, làm việc, loay hoay không biết xử lý ông Bẩy thế nào mới hợp lý, hợp tình.

Trao đổi với PV Nông nghiệp Việt Nam, đại diện UBND phường Yên Thọ, Công an phường Yên Thọ, cho biết phường đã nhiều lần đến làm việc với chủ cơ sở. Tuy nhiên, cái mà người dân rồi báo chí cho là than, xít tập kết trong nhà ông Bẩy, khi kiểm tra chỉ là các đống đất, đá thải lẫn lộn. Ông Bảy tận dụng đất đá thải lấy trong mỏ rồi sàng, nghiền ra đóng than tổ ong.

Xét về lý, để "phạt" được ông Bẩy phải chứng minh được số đất, đá lẫn lộn đó là xít. Như thế, cơ quan chức năng phải đem mẫu đất, đá đi kiểm tra nhiệt lượng xem đã “đạt” là xít hay chưa. Nhưng do khối lượng tập kết không lớn, hơn nữa, hoàn cảnh gia đình ông Bẩy cũng éo le nên chính quyền chọn cách nhân văn là yêu cầu ông Bẩy dừng việc tập kết, nghiền, chế biến đất đá rời màu đen trên phần đất ở của gia đình.

"Chúng tôi nhiều lần lập biên bản, yêu cầu ông Bẩy cam kết phải dừng việc tập kết đất, đá nhưng được vài hôm ông Bẩy lại làm. Gần đây nhất là ngày 17/2/2021, phường có làm việc, yêu cầu ông Bẩy phải dừng hẳn, hạn cuối trước ngày 20/3/2021", vị cán bộ công an phường Yên Thọ nói.

Về hoàn cảnh của ông Bẩy, lãnh đạo phường Yên Thọ, cho hay: "Ông Bẩy nhiễm chất độc màu da cam, đi lại khó khăn. Ông sinh được ba người con thì hai con bị tàn tật, một cháu đã mất. Hiện ông Bẩy 'một nách hai con', cuộc sống mưu sinh cũng vất vả".

Chỉ thị cần điều chỉnh để phù hợp với thực tế

Với Chỉ thị 06, hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép than, xít trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm đáng kể, song nó cũng để lại hệ lụy cho kinh tế địa phương.

Ông Lương Văn Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần gạch ngói Bình Hương (Công ty Bình Dương), cơ sở sản xuất tại xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long, người mà năm ngoái đã đứng đơn gửi Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, phản ánh doanh nghiệp mình có nguy cơ dừng sản xuất vì thiếu than đốt lò nung gạch.

Ông Dũng, cho biết: Doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ lò nung tuynel công nghệ cao. Nguồn chất đốt chính là xít than (than bãi sàng), nhiệt lượng (thấp) vừa đủ nung gạch, giá cả phù hợp với sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam (TKV) đưa xít than vào diện than thương phẩm gọi là than cám 8a và cám 8b, đương nhiên cơ chế quản lý hàng hóa sẽ chặt chẽ. Có điều vô lý, TKV chỉ bán cho các doanh nghiệp ở cuối nguồn (địa phương không sản xuất than), không bán tại chỗ. Than cám 8a, 8b chế biến kỳ công, giá thành thấp, các mỏ không mặn mà sản xuất, cả vùng than Quảng Ninh chỉ có mỏ Cao Sơn sản xuất, không đủ lượng đáp ứng thị trường.

Trước thực trạng trên, Công ty Bình Dương đã phải sang Hải Phòng hoặc Hải Dương mua than về sử dụng. Không chỉ gặp khó khăn vì vận chuyển xa xôi mà còn vướng quy định xe chở than chỉ được lưu thông một ngày trong tháng trên Quốc lộ 18 đoạn qua địa phận Quảng Ninh. Điều này đã khiến cho Công ty Bình Dương rất thiếu nguồn than nung gạch.

Than, bã sàng, đá xít, tồn tại Bến Quảng Hưng thuộc cụm cảng Làng Khánh. Ảnh: Tư liệu (T.Cường)

Tỉnh Quảng Ninh và TKV tăng cường quản lý tài nguyên là một chủ trương đúng đắn, nhưng đang bộc lộ những vấn đề mới phát sinh. Xít thải trước đây trong danh mục bốc xúc đất đá bỏ đi hoặc tận dụng "kế hoạch 3", nay nâng hạng lên hàng than chính phẩm (cám 8a, 8b), nhưng tỷ lệ than còn lại ít và lẫn trong đất đá, sàng sảy được tấn than rất công phu, giá thành lại thấp, gò bó trong tiêu thụ vì không được bán rộng rãi ở thị trường tại chỗ, phải bán ở cuối nguồn, mà không rõ đâu là cuối nguồn?

Cho nên, hầu hết các mỏ không chế biến xít than, cũng không dám đổ xít ra bãi thải, nhiều khai trường xít thải ùn tắc án ngữ mặt bằng sản xuất, lãng phí tài nguyên, tiền bạc của doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều nhà máy gạch, ngói trong tỉnh bị thiếu nguồn cung chất đốt, dẫn đến "cực chẳng đã" phải dấm dúi mua than trái phép từ Hải Dương, Hải Phòng.

Tỉnh Quảng Ninh và ngành Than cần xem xét, sớm tháo gỡ vấn đề này.

Cường Vũ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nghe-dong-than-to-ong-cung-kho-khan-vi-chi-thi-06-cua-tinh-quang-ninh-d286229.html