Nghề đóng đáy hàng khơi ở Mỹ Long,Trà Vinh - Bài 2: Quyết tâm giữ nghề

Làng nghề đóng đáy hàng khơi ở thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển. Sống trên đầu sóng ngọn gió, phơi nắng dầm mưa, có khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì giữ nghề truyền thống cha ông truyền lại, yêu màu xanh, nhớ vị mặn của biển nên dù khó khăn đến đâu, người dân Mỹ Long cũng không bỏ nghề.

Nhọc nhằn nghề đóng đáy

Hừng đông của Rằm tháng Giêng, tôi cùng anh Nguyễn Văn Chậu - chủ đáy ở làng nghề đóng đáy hàng khơi, thị trấn Mỹ Long lên tàu đi đổ những đục đáy tôm cá đầu tiên trong năm Kỷ Hợi. Dải đáy hàng khơi của anh Chậu có 17 miệng đáy, nằm cách đất liền hơn 1 giờ đồng hồ chạy tàu.

Những trụ đáy được cắm trên biển.

Những trụ đáy được cắm trên biển.

Đúng như lời ngư dân thường ví về nghề “hạ bạc” lắm nhọc nhằn và nguy hiểm này, khi mặt trời trên biển vừa chiếu những tia nắng ấm, xua đi cái lạnh của gió, hơi nước cũng là lúc nước biển chảy xiết làm cho những rượng đáy bằng tre cứ liên tục đong đưa. Anh Nguyễn Văn Hải và Lê Phước Lợi, hai “bạn đáy” từ trong chòi đáy chỉ hơn 10 m2 được treo lơ lửng trên cây cột đáy cách mặt nước biển khoảng 10m bắt đầu làm những công việc quen thuộc của mình.

Mặc cho rượng đáy đong đưa, những bước chân của hai anh vẫn thoăn thoắt di chuyển từ miệng đáy này sang miệng đáy khác để giật những cây “nọc cài” cho miệng đáy khép lại, bắt đầu kéo đáy đổ đục thu hoạch tôm cá. Đúng là chỉ có những thanh niên thạo nghề và đầy sức lực mới có thể chiến thắng sức nước đang chảy ngược để kéo đáy.

Sau gần 2 giờ đồng hồ, hai anh Hải và Lợi mới hoàn tất công việc kéo đáy đổ đục. Ước tính có trên 1 tấn tôm cá, ruốc các loại… Lao động nặng nhọc nhưng trên gương mặt của các anh vẫn luôn nở nụ cười. Anh Hải cho biết, chuyến đổ đục đầu năm thu hoạch như vậy là rất tốt, ước tính mỗi "bạn đáy" kiếm được hơn 1 triệu đồng.

Theo chủ đáy Nguyễn Văn Chậu, thu nhập “bạn chòi” (hay "bạn đáy") bình quân mỗi tháng đóng đáy theo 2 con nước Rằm và 30 âm lịch đạt từ 10-15 triệu đồng, tùy lượng tôm cá thu được. Thu nhập cao nhưng cũng rất vất vả và nguy hiểm nên cái nghề “bạn chòi" ngày càng ít người làm.

Làm “bạn chòi”, ngoài lao động nặng nhọc, cuộc sống thường ngày nơi biển khơi cũng đối mặt với gió lốc, mưa bão... Hiện nay, nhờ có hệ thông tin liên lạc, chuyện biển động, mưa to gió lớn, ốm đau được chủ tàu chủ động ra đưa “bạn chòi” về đất liền nên đã hạn chế nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, cái nghề sống cheo leo giữa biển khơi, không phải ai cũng muốn làm. Vì vậy, chỉ có những người lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề, yêu nghề của cha ông mới gắn bó được.

Quyết tâm giữ nghề của cha ông

Ông Nguyễn Văn Đàn, Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long cho biết, làng nghề đóng đáy hàng khơi ở địa phương hiện có hơn 200 hộ chủ đáy, với hơn 750 khẩu đáy, cùng hơn 800 lao động làm các công việc “bạn chòi”, “bạn ghe” và lựa tôm cá. Số khẩu đáy hàng khơi hiện nay đã giảm đi gần một nửa so với thập niên 80. Nguyên nhân do sản lượng tôm cá ven bờ dần càng cạn kiệt. Nhiều gia đình chủ đáy có tiền đầu tư hàng đáy mới ở xa bờ hơn hoặc chuyển sang nghề cào, lưới. Những gia đình chủ đáy không đủ nội lực sẽ thu hẹp dần số khẩu đáy. Sản lượng thủy hải sản khai thác từ nghề đáy hàng khơi mỗi năm chỉ đạt ở mức khoảng 20.000 tấn/năm.

Gần một đời gắn bó với nghề của cha ông, lão ngư Trần Văn Thành thừa nhận, nghề đóng đáy hàng khơi trong vòng 15 năm nay gặp nhiều thăng trầm. Tuy là nghề khai thác tôm cá quanh năm nhưng thực tế nghề đóng đáy hàng khơi chỉ thuận nhất vào mùa Nam từ tháng 3-6 âm lịch. Mùa Chướng, sản lượng thu được chưa đạt 50% so với mùa Nam.

Những năm trước, sản lượng nhiều, thu nhập của người dân đạt khá. Hiện nay, số tôm, cá có giá trị chỉ chiếm gần 10% sản lượng thu được. Tuy nguồn thu nhập từ nghề đóng đáy hàng khơi ngày ít so với trước nhưng nhờ chi phí làm nghề thấp, lại là nghề của ông cha nên dù có khó khăn người dân làng nghề Mỹ Long vẫn bám biển.

Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long Nguyễn Văn Đàn cho biết, trước khó khăn của nghề đóng đáy hàng khơi, địa phương đã định hướng và vận động ngư dân đầu tư đóng mới ghe tàu có công suất lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại để chuyển sang nghề lưới rê, lưới kéo (cào), cào đôi. Hiện hơn 10 hộ đã chuyển đổi khá hiệu quả. Điển hình là nghề cào đôi, tàu có công suất trên 90CV hoạt động từ 8-12 ngày, doanh thu trung bình từ 100-120 triệu đồng/chuyến, lợi nhuận từ 30-60 triệu đồng/chuyến.

Những hộ chủ đáy hàng khơi không có nguồn vốn đã liên kết cùng nhau đầu tư hàng đáy mới xa bờ hơn. Đây là giải pháp vừa nâng cao hiệu quả khai thác vừa lưu giữ nghề truyền thống hơn 100 năm của thị trấn Mỹ Long.

Bài và ảnh: Phúc Sơn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te-bien-dao/nghe-dong-day-hang-khoi-o-my-longtra-vinh-bai-2-quyet-tam-giu-nghe-20190301075408399.htm