Nghe Đài Tiếng nói Việt Nam trong khu phong tỏa ở Hội An

Những ngày 'căng mình' phòng chống dịch bệnh Covid-19, hệ thống truyền thanh địa phương và sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành 'người bạn' thân thiết của hàng nghìn người sống trong các khu phong tỏa để phòng chống dịch.

Những ngày “căng mình” phòng chống dịch bệnh Covid-19, hệ thống truyền thanh địa phương và sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành “người bạn” thân thiết của hàng nghìn người sống trong các khu phong tỏa để phòng chống dịch. Với họ, sóng phát thanh không chỉ là nơi cung cấp thông tin, tình hình dịch bệnh mà còn là kênh tư vấn hữu ích để mỗi người bình tĩnh, tự tin thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Khối phố An Hội, TP Hội An những ngày còn phong tỏa

Khối phố An Hội, TP Hội An những ngày còn phong tỏa

Nhớ lại những ngày cả khối phố thực hiện lệnh phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19, ông Trần Hân, nhà ở đường Ngô Quyền, thuộc khối phố An Hội, phường Minh An, thành phố Hội An không khỏi bần thần. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở gần nhà, đường phố không một bóng người, chỉ có tiếng loa phóng thanh liên tục phát đi những thông tin cảnh báo về sự nguy hiểm khi dịch bệnh có thể lây lan trong cộng đồng.

Những ngày phong tỏa “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ông Hân thường xuyên mở Đài để theo dõi tình hình và trấn an gia đình bằng cách yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm các biện pháp khuyến cáo của Bộ Y Tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Ông Hân cho hay, cùng với những thông tin theo dòng thời sự cập nhật liên tục từng giờ, Đài Tiếng nói Việt Nam còn thường xuyên có những chương trình trao đổi của các chuyên gia y tế đầu ngành nhận định tình hình, cung cấp cách nhận biết các triệu chứng và tư vấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh rất hữu ích.

“Đài phát thanh mình tuyệt vời lắm, những thông tin hằng ngày trên thế giới, trong nước, thậm chí là địa phương nữa, nhất là trong tình hình dịch bệnh, tôi ở khu phong tỏa nên thông tin cần thiết lắm. Tôi nghỉ hưu, tuổi cao nên chương trình tư vấn về phòng chống bệnh, cái đó rất thiết thực; nghe và làm theo sẽ hiệu quả trong cuộc sống, nâng cao được cái hiểu biết của mình trong việc phòng chống dịch”, ông Hân chia sẻ.

Hệ thống loa truyền thanh phủ khắp phố cổ, nối dài cánh sóng VOV

Cũng như ông Trần Hân, bà Lê Thị Hoa, một người dân ở đường Châu Thượng Văn, TP. Hội An cũng nghe Đài để biết thêm về tình hình dịch bệnh. Bà Hoa cho biết tại khu phố của bà có 1 người nằm viện ở TP. Đà Nẵng bị mắc Covid-19 rồi qua đời. Vài ngày sau, con cháu đi chăm sóc bệnh nhân tiếp tục mắc bệnh khiến bà con ở đây không khỏi hoang mang vì dịch bệnh có thể lây lan. Khi cả khối phố thực hiện lệnh phong tỏa, cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, bà và gia đình mở Đài nghe thường xuyên hơn. Bởi theo bà Hoa, càng hiểu biết thì người ta càng tự tin, bình tĩnh để phòng chống dịch bệnh.

“Ở trong khu phong tỏa cả tháng cho nên thông tin là rất cần thiết. Nhà tôi có cái đài radio cho nên tôi hay mở Đài Tiếng nói Việt Nam để nghe thông tin. Ngoài thông tin dịch bệnh Covid-19, các biện pháp tư vấn giúp cho tôi hiểu thêm về dịch bệnh để cho nhân dân tự tin, bà con bình tĩnh để phòng chống dịch bệnh Covid-19”, bà Hoa cho hay.

Các Đài truyền thanh cơ sở tăng thời lượng phát sóng phát thanh trong những ngày phong tỏa

Khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 7 vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam đã quyết định thực hiện lệnh phong tỏa khối phố An Hội, phường Minh An và khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, thành phố Hội An với hơn 3.000 nhân khẩu. Trong 2 khu vực phong tỏa này, mỗi nơi có 7 ca nhiễm Covid-19.

Ở trong khu vực phong tỏa khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, ông Nguyễn Hưng, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, việc tuyên truyền, vận động và triển khai các biện pháp phòng dịch của chính quyền là rất nhanh, kịp thời, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cùng với đó, “binh chủng tuyên truyền” làm việc rất hiệu quả, từ Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam đến Đài Tiếng nói Việt Nam, tất cả đã góp sức cho cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”.

Phố cổ Hội An

Ông Nguyễn Hưng nhận xét: “Trong quá trình phong tỏa, đài vẫn nghe đầy đủ. Mặc dù bị cách ly không được đi ra đi vào 14 ngày nhưng Nhà nước lo hết. Đặc biệt, vai trò của Đài là giải thích cho dân nghe, cho nên dân rất hiểu, chấp hành rất là tốt. Với những ngày thường, đôi khi đi làm họ nghe không kỹ nhưng mà những ngày cách ly ở trong khu vực thì rõ ràng họ lắng họ nghe, nghe để chấp hành. Lúc đó rõ ràng là giá trị, rất cần thiết”.

Đến thời điểm này, TP Hội An đã 16 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới, thành phố đã kết thúc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 28/8 và đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 4/9, trong 35 ca mắc covid-19, thành phố Hội An đã có 18 ca hết bệnh và xuất viện. Đó là những tín hiệu vui từ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Hội An.

Trong niềm vui ấy, hệ thống truyền thanh địa phương và sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành “người bạn” thiết thân của người dân. Với họ, sóng phát thanh không chỉ là nơi cung cấp thông tin, tình hình dịch bệnh mà còn là kênh tư vấn hữu ích để họ bình tĩnh, tự tin thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả nhất./.

CTV Quốc Hải/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nghe-dai-tieng-noi-viet-nam-trong-khu-phong-toa-o-hoi-an-776550.vov