Nghề công tác xã hội: Cần khung pháp lý tầm Luật. Bài 1: Chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu bảo trợ của các đối tượng yếu thế

Số lượng người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, rối nhiễu tâm lý, người khuyết tật... được tư vấn, chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội có xu hướng ngày càng gia tăng. Cùng với đó là những khó khăn, thách thức trong công tác xã hội cũng như nghề công tác xã hội đòi hỏi những chính sách đủ mạnh, ở tầm Luật để đáp ứng nhu cầu các đối tượng bảo trợ.

Cụ Lại Thị Sừng yêu thương, chăm sóc hai cụ cùng phòng như chị em ruột

Nơi trú ngụ bình an Cụ Lại Thị Sừng (sinh năm 1921, Xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) không nhớ đã bao lâu mình không về quê thăm cháu, bởi vì căn phòng nhỏ trong Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình là nhà của mình hơn 20 năm nay. Cụcoi những nhân viên công tác xã hội, những người đồng cảnh, các cháu mồ côi, tàn tật sống trong Trung tâm là người thân của mình.

Chị Đinh Thị Diệu, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình cho biết, cụ Sừng được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm từ những năm 1994 – 1995, gần như là thế hệ đầu tiên của các đối tượng bảo trợ xã hội nơi đây. Trước đó, cụ Sừng không có gia đình riêng, sống cô quạnh trong căn phòng nhỏ của bố mẹ để lại, cụ cũng không muốn phiền đến cháu chắt họ hàng nên khi được giới thiệu đến Trung tâm cụ đồng ý ngay.
“Sống ở đây đông người, vui lắm bà lại khỏe ra. Bà không có bệnh tật gì nhưng tháng nào cũng được đi khám sức khỏe”, bà cụ gần trăm tuổi khoe.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng có lẽ ít người minh mẫn, nhanh nhẹn như cụ Sừng, vẫn nhớ chuyện xưa và đọc sách báo vanh vách không cần kính. Là người cao tuổi nhất nhưng lại mạnh khỏe nhất so với cụ Bùi Thị Điềng (sinh năm 1941) và Hồ Thị Mãn (sinh năm 1957). Một trong hai cụ bị mắc bệnh down, còn cụ kia không còn tinh tường nên cụ Sừng chăm sóc hai cụ tận tình như các chị em ruột. “Buổi tối, bà phải đưa hai bà vào nhà vệ sinh, hay quần áo, những sinh hoạt nhỏ nhỏ thì làm giúp. Khi có sách báo bà lại đọc cho hai bà nghe”, cụ Sừng chia sẻ.
Với cụ Sừng, ở Trung tâm còn vui vẻ hơn ở bên ngoài, vì được chăm sóc cẩn thận và các nhân viên ở đây cũng giúp đỡ, thương người. Mỗi sáng các cụ được gọi dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, sau đó giúp các cô nhặt rau… Thứ năm hằng tuần các cụ được đi đọc báo, hằng tháng được đưa đến Trung tâm y tế huyện để khám sức khỏe. Theo cụ, ở đây lúc nào cũng có người, vui nhất là các cháu đi học về chào cụ ríu rít, ai cũng quý. Các cháu cũng mồ côi hoặc không có bố mẹ nên cũng coi các cụ như ông bà của mình, khi nào có việc gì nhờ các cháu, hoặc có tấm bánh, cái kẹo lại để phần các cháu…
Cụ Sừng là một trong 16 người cao tuổi cô đơn tại đây, ngoài ra Trung tâm còn chăm sóc, nuôi dưỡng 23 người khuyết tật, 116 người khuyết tật thần kinh tâm thần đặc biệt nặng, 42 trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 42 người và 3 người tự nguyện. Chị Diệu cho hay, hơn 20 năm làm việc tại Trung tâm, mỗi người chị chăm sóc đều trở thành người thân của chị. Chính vì thế, dù đồng lương còn thấp so với các ngành nghề khác nhưng hằng ngày đều đặn chị đi 42 km cả đi và về để đến chăm sóc các cụ, các cháu. “Hôm nào nghỉ thứ bảy, chủ nhật và thứ hai đi làm thì vui lắm. Các cụ chỉ chờ đến là mách tội nhau, cụ này ăn thế này, cụ kia ngủ thế kia… Mình lại đứng ra giải hòa cho các cụ”, chị Diệu vui vẻ.
Nhiều thách thức trong phát triển nghề công tác xã hội

Không phải người cao tuổi nào cũng may mắn có được sức khỏe như cụ Sừng, theo một số nghiên cứu về người cao tuổi tại Việt Nam, trung bình 1 người cao tuổi mắc 6,9 bệnh; 33,6% lâm vào cảnh góa bụa, 8,2% cụ phải sống một mình, chỉ 17,7% sống với vợ hoặc chồng. Thu nhập trung bình của các cụ là 537,9 nghìn đồng/tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu; chỉ 62,79% số cụ có BHYT, 27,97% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, di chuyển, vệ sinh, ăn uống không tự chủ…

Chị Đinh Thị Diệu luôn coi các cụ, các cháu trong Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình như người thân của mình

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ LĐ,TB&XH, hiện nay Việt Nam có khoảng 20% dân số cần sự trợ giúp xã hội, trong đó có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, hơn 2,6 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng… Điều này đã tạo ra áp lực cho hệ thống các cơ sở đảm nhiệm việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ như các trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm công tác xã hội cả về số lượng, chất lượng và người làm công tác xã hội…
Trước nhu cầu phát triển, Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (còn gọi là Đề án 32) do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010 như một cú hích quan trọng cho phát triển nghề công tác xã hội. Đề án đã thúc đẩy hình thành hơn 400 trung tâm công tác xã hội và cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên toàn quốc; tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội từ cấp xã, phường là 45.000 người. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên phạm vi cả nước đang phát triển với quy mô 600 cơ sở, trong đó có 408 cơ sở trợ giúp xã hội, 170 cơ sở tiếp nhận và điều trị nghiện ma túy công lập và ngoài công lập. Các cơ sở đã cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, dạy văn hóa, dạy nghề, hướng nghiệp, chăm sóc nuôi dưỡng cho hàng triệu lượt đối tượng.
Tuy nhiên, theo TS. Bùi Tôn Hiến, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức lao động – xã hội cho rằng, con số này mới chỉ đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Do đó việc phát triển các cơ sở, nhân viên cũng như đào tạo người làm công tác xã hội cần tiếp tục được đầu tư. “Nhưng đến nay khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh, đăc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong một số bộ Luật, Luật liên quan như Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em…”, ông Bùi Tôn Hiến chia sẻ.
Trải qua gần tám năm Đề án 32 đi vào cuộc sống nhưng khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội và thực hành nghề công tác xã hội vẫn chưa đồng bộ, các văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm Luật do Quốc hội phê chuẩn. “Chính vì vậy, để phát triển công tác xã hội thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam thì việc xây dựng và ban hành luật về công tác xã hội là cần thiết, nhằm xác định cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm, vai trò của các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội, của cán bộ, nhân viên công tác xã hội như các nghề khác”, TS.Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động & xã hội nhấn mạnh.

Quỳnh Hoa

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/xa-hoi/artmid/619/articleid/12327/nghe-cong-tac-xa-hoi-can-khung-phap-ly-tam-luat-bai-1-chi-dap-ung-duoc-30-nhu-cau-bao-tro-cua-cac-doi-tuong-yeu-the