Nghề báo và cuộc 'hành trình' với… trái vải

Bước chân vào nghề báo, mỗi chuyến đi công tác là một sự trải nghiệm thực tế của cuộc sống, không chỉ giúp phóng viên 'lớn lên' mà còn thay đổi cả một cách nhìn nhận... Càng đi nhiều, vốn sống càng dày, sự trải nghiệm càng lớn và cuộc sống nhờ đó mà có nhiều màu sắc hơn.

Lãnh đạo và các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Giang cùng chung tay xúc tiến vải thiều

Không phải cứ chuyến đi bão táp nào cũng đem đến trải nghiệm cho nghề báo, đối với tôi một chuyến đi đơn thuần chỉ là tiếp xúc với những người làm công tác thị trường mới thấy chẳng nghề nào đơn giản cả. Tìm kiếm, kết nối thị trường rồi bao tiêu sản phẩm là cả một hành trình “gian nan” và phức tạp.

Trong 3 năm trở lại đây, tôi đều được lãnh ban giao viết bài về hành trình tiêu thụ quả vải thiều. Tôi nhận nhiệm vụ và quyết tâm làm kỹ lưỡng vì đây cũng là vấn đề mà báo chí có trách nhiệm phản ánh. Nhận nhiệm vụ giao, trong lòng tôi thấy lo lắng, là người định hướng dư luận mình phải viết cho trúng, vì rút kinh nghiệm từ bài học của thị trường dưa hấu, củ cải, gừng… và những câu chuyện “giải cứu” nông sản đang tràn lan trên báo chí và mạng xã hội cứ đeo đẳng trong suy nghĩ của tôi. Những ngày đi thực tế ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và trải qua một số hội nghị lớn nhỏ về xúc tiến thương mại cho quả vải đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ: Các nhân vật của tôi từ lãnh đạo Bộ, ban, ngành đến lãnh đạo địa phương, rồi đến người dân trồng vải họ đều có chung một quyết tâm là làm thế nào để quả vải của người nông dân được giá, mùa vải của họ thêm “ngọt ngào”.

Trong quá trình làm việc, tôi đã gặp những lãnh đạo đại diện cho Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương nhiều năm liền trăn trở với trái vải. Hàng năm, cả một tháng hè cao điểm của nắng nóng, họ dành thời gian cùng địa phương trao đổi làm cách nào để trái vải tiêu thụ nhanh và được giá? Làm cách nào để xuất khẩu vải thiều vào thị trường khó tính? Những lúc cao hứng họ vẫn thường tự phong cho mình là “người bán vải” giúp địa phương, điều này cho thấy vai trò của Bộ Công Thương là rất lớn và họ là những người phải đeo trên vai “sứ mệnh” nặng nề.

Những tâm huyết của họ được đền đáp bằng con số biết nói, năm 2017, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt hơn 5.300 tỷ đồng và bước vào đầu vụ vải năm 2018, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đang kỳ vọng một vụ mùa bội thu. Về thị trường tiêu thụ, quả vải đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với tổng sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 55 nghìn tấn. Đối với thị trường xuất khẩu, không chỉ dựa vào thị trường truyền thống là Trung Quốc, vải thiều Bắc Giang đã từng bước mở rộng vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Dubai, Hà Lan với trên 36 nghìn tấn vải thiều được xuất khẩu. Hiện nay, vải thiều Bắc Giang đã có mặt ở 30 quốc gia trên thế giới.

Niên vụ vải thiều 2018 - báo hiệu một mùa bội thu

Đó là thành quả đáng ghi nhận của những con người chăm lo cho đầu ra của quả vải một cách bài bản. Nếu không thực sự được chứng kiến công việc họ đã làm, có lẽ tôi sẽ không bao giờ hiểu được nỗi niềm trăn trở bao nhiêu năm qua với điệp khúc “được mùa, rớt giá” cứ đeo bám người nông dân “một nắng hai sương” sống chết vì cây vải.

Hay như lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, không một cuộc hội thảo hay bất cứ một chương trình về xúc tiến tiêu thụ vải thiều nào thiếu vắng Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Tôi khâm phục lòng nhiệt tình của họ, họ khao khát quả vải thiều sẽ đã dạng hóa thị trường xuất khẩu, chứ không chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong nhiều lần làm việc với anh Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, anh chia sẻ: “Lãnh đạo tỉnh chúng tôi cùng các sở ban, ngành nỗ lực khơi thông thị trường, trái vải thiều chỉ xuất khẩu vào các thị trường khó tính mới đem đến lợi nhuận cao cho nông dân”. Điều anh nói thật là ý nghĩa, tôi trân trọng một lãnh đạo biết nghĩ tới người nông dân và đau đáu về trái vải quê hương như anh.

Và khao khát của anh, những người lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã thành hiện thực khi hơn 36 nghìn tấn vải thiều được xuất khẩu thành công vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Dubai, Hà Lan. Con số xuất khẩu tuy nhỏ bé so với sản lượng cần tiêu thụ, nhưng cho thấy, “sứ mệnh” đi khai hoang của vải thiều đã thành công.

Cũng từ thực tế nắm bắt thị trường vải, tiếp xúc với thương nhân và những người nông dân, qua những lần như vậy tôi thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ, cẩn trọng trong khai thác thông tin. Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang gặp tôi khi mới bước vào vụ vải 2018 than phiền: “Mới vào đầu mùa vải mà đã gặp chuyện không vui, một số báo khi viết bài đã đưa thông tin phiến diện: Vải Bắc Giang rớt giá mạnh chỉ 3.000 đồng/kg tại Lục Ngạn” mà không đi thực tế. Thông tin này đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Điều đó làm chúng tôi đau lòng, chỉ một thông tin không tốt khiến thị trường vải bị ảnh hưởng”. Lời ông Tấn nói làm tôi suy nghĩ về cách nhìn nhận vấn đề của người làm báo, nếu phóng viên không đi sâu sát thị trường thì không thể biết được nhiều năm nay vải Lục Ngạn được giá vì có thương hiệu tốt.

Vải thiều Bắc Giang ngoài xuất khẩu còn có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trên toàn quốc

Hơn 15 năm gắn bó với nghề báo, tôi hiểu rằng, công việc của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi gắn với những trải nghiệm thực tế mang hơi thở cuộc sống. Tôi tự hào vì mình đã viết những điều chân thành, giản dị nhưng góp phần bé nhỏ vào công cuộc kết nối đầu ra cho nông sản Việt Nam nói chung và quả vải nói riêng.

Tôi chợt nghĩ, mỗi bài báo được đăng lên, người phóng viên thấy mình có ích kì lạ vì nó không chỉ đến với một người mà đến với hàng triệu người. Điều đó dường như đã trở thành quy luật của nghề báo và trải nghiệm của những chuyến đi tiếp theo sẽ làm phong phú thêm hành trang để chúng tôi tiếp tục vững bước trên con đường phía trước.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nghe-bao-va-cuoc-hanh-trinh-voi-trai-vai.html