Nghề báo: Làm sao để không bị 'tin giả' dẫn đường!

Đạo đức báo chí là đề tài được đề cập khá nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi mạng xã hội bùng nổ với lượng thông tin khổng lồ, thật giả lẫn lộn...

Sống chung với cơn bão mạng xã hội thế nào để không vi phạm đạo đức người làm báo?

Người ta nói, mạng xã hội tác động tiêu cực đến đạo đức của những người làm báo. Nhưng thực tế, mạng xã hội chỉ tác động tiêu cực đến những nhà báo thiếu bản lĩnh, kém chuyên môn. Vì thế, không thể đổ lỗi cho mạng xã hội trong việc này và làm gì để giữ gìn đạo đức nghề nghiệp là câu chuyện không dễ.

Hiện nay, các cơ quan báo chí cạnh tranh với nhau, chạy đua với thông tin. Trong thế giới phẳng, thông tin trên mạng xã hội cuồn cuộn như vũ bão. Vấn đề là phải sống chung với “cơn lũ thông tin” trên mạng xã hội thế nào, tận dụng thế mạnh của thông tin mạng ra sao để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một người làm báo.

Có nhận định cho rằng: “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã biết sử dụng những nguồn thông tin “đắt” ngay trên mạng xã hội. Thực tế, mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ để đưa những tác phẩm báo chí chính thống đến gần hơn với độc giả. Tuy nhiên, hệ lụy “fake news” (tin giả) vẫn là một thách thức nếu người làm báo không tỉnh táo, không biết chọn lọc và kiểm chứng thông tin.

Chúng ta không còn lạ gì với những thông tin bịa đặt, bôi nhọ trên mạng xã hội. Gần đây là câu chuyện cô gái tung tin giả vụ nữ sinh giao gà, hay thông tin sai về dịch tả lợn châu Phi gây hoang mang dư luận…

Do vậy, trước sức ép cạnh tranh về thông tin, khi một dòng trạng thái, một sự việc xảy ra được cập nhật trên mạng xã hội, thực tế có không ít phóng viên đã sử dụng như một nguồn thông tin quý và biến thành “cái của mình”. Họ xào xáo, “nêm mắm, dặm muối” để viết bài, tường thuật lại giống như mình là người chứng kiến, có mặt tại hiện trường.

Ai cũng biết, những hành động như vậy là vi phạm đạo đức báo chí nhưng vẫn tồn tại và diễn ra như cơm bữa. Từ những thông tin “tung hỏa mù” như thế đã lấy đi niềm tin của người đọc và ảnh hưởng không nhỏ đến những người làm báo chân chính.

Có người từng nói, thông tin thực chất là hàng hóa, mà đã là hàng hóa thì phải bán được. Vậy tại sao mỗi tờ báo không “bán” cho khách hàng của mình những sản phẩm độc đáo, chất lượng và mang giá trị bền vững? Ở một góc độ nào đó, hàng hóa sẽ trở nên vô giá trị khi được sản xuất theo trào lưu. Mỗi cơ quan báo chí như một nhà sản xuất. Một nhà sản xuất thông minh sẽ biết tạo ra những sản phẩm mang giá trị bền vững, phục vụ khách hàng của mình chứ không chạy đua theo phong trào, theo hiệu ứng đám đông.

Xã hội ngày càng phát triển, thông tin ngày càng mở và đa chiều, mỗi tòa soạn báo càng cần hơn bao giờ hết thương hiệu của mình từ chính chất lượng tin, bài. Công chúng ngày càng khó tính và thực đơn đòi hỏi sẽ càng cao hơn.

Khi các báo và trang tin điện tử nở rộ như nấm mọc sau mưa, cuộc chiến "cơm áo gạo tiền" nằm ở chỗ số lượng người xem và sản sinh ra những “nhà báo salon” từ đó. Hiện nay, không hiếm nhà báo sản xuất tin bài được ví như “gà đẻ trứng” và dùng ngòi bút làm “cần câu cơm”.

Thách thức của người làm báo thời nay là không hề nhỏ và họ buộc phải thay đổi để thích ứng, để không bị bỏ lại phía sau. Thế nhưng, vấn đề là trong cuộc đua ấy, phẩm chất, đạo đức của người làm báo vẫn phải được đề cao và thách thức đi liền với yêu cầu đổi mới.

Trong một chia sẻ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nói: “Bên cạnh cập nhật kiến thức làm báo của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà báo phải thường xuyên tự bồi đắp kiến thức, viết về lĩnh vực gì thì phải nắm chắc lĩnh vực đó”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam từng chia sẻ: “Trong thời đại truyền thông số bùng nổ như hiện nay, quản trị quy trình làm báo chắc chắn cần phải thay đổi, nếu báo chí không muốn trở thành những con cá chậm”.

Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, sức ép cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội vừa tạo ra cơ hội vừa là “kỳ đà cản mũi” với người làm báo. Thế mới thấy, vai trò của nhà báo trong thời đại kỷ nguyên kỹ thuật số càng lớn, đạo đức người làm báo càng cần được chú trọng. Nếu người làm báo chỉ chạy theo tin tức mà quên đi trách nhiệm xã hội, nhà báo đã tự đào thải và đánh mất mình.

Tin giả, tin độc hại đòi hỏi báo chí cần thận trọng hơn. (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, thời công nghệ, dễ dàng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, mỗi người đều có thể là một nhà báo. Đứng trước vấn nạn tin giả, tin độc hại, đòi hỏi báo chí cần thận trọng, kiểm chứng, có trách nhiệm thẩm định trước khi đưa sản phẩm đến với “người tiêu dùng”. Bởi cốt lõi của báo chí là định hướng xã hội, là tính nhân văn và hướng tới “chân - thiện - mỹ”.

Kể từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có thể nói báo chí đã hoạt động nề nếp hơn. Chúng ta từng chứng kiến hình ảnh phóng viên tác nghiệp ngay sau hàng rào an ninh tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Có những phóng viên “ăn nằm” tại địa bàn hàng tháng trời chỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng cho người đọc. Có phóng viên mãi không trở về khi tác nghiệp trong cơn lũ…

Nghĩa là, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta hãy tin phần lớn nhà báo yêu nghề, sống chết với nghề, đem đến cho bạn đọc những tác phẩm “sạch” và có giá trị.

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nghe-bao-lam-sao-de-khong-bi-tin-gia-dan-duong-96257.html