Nghệ An: Vì sao trường vi phạm trong quản lý tài chính vẫn đạt chuẩn Quốc gia?

'Vi phạm về tài chính tại trường THCS Nghi Vạn là 1 trong 28 tiêu chí của 5 tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định trường đạt chuẩn Quốc, trong khi, thời điểm xảy ra từ 2013 và 2014 và đến năm 2017 thì đã phát hiện xử lý', bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết.

 Trường THCS Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Trường THCS Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Năm 2019, UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ban hành Kế hoạch Kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có trường THCS Nghi Vạn.

Tháng 10/2019, Phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc đã gửi tờ trình đề nghị đánh giá ngoài trường THCS Nghi Vạn để công nhận đạt chuẩn Quốc gia gửi Sở GD&ĐT Nghệ An.

Qua quá trình thẩm tra và ban hành Quyết định kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, ngày 6/3/2020, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có Tờ trình số 377/TTr-SDG&ĐT gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc đề nghị công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia năm học 2019-2020 cho Trường THCS Nghi Vạn.

Trên cơ sở tờ trình của Sở GD&ĐT Nghệ An, ngày 16/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 755/QĐ-UBND về việc Công nhận trường THCS Nghi Vạn đạt chuẩn Quốc gia năm học 2019-2020 do đích thân ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký.

Tuy nhiên, trước đó, ngay tại trường này đã xảy ra vi phạm trong công tác quản lý tài chính. Cụ thể, theo kết quả cơ quan điều tra, từ năm 2013 đến 2017, Vương Thị Nga (SN 1968), nguyên kế toán trưởng của Trường THCS Nghi Vạn đã cố ý lập sai bảng lương để trình cấp trên duyệt cao hơn thực tế quy định. Mục đích của Nga là rút được nhiều tiền hơn thực tế mức lương trường được cấp từ Kho bạc.

Sau khi rút tiền về thanh toán cho giáo viên, khi còn thừa số tiền kê chênh lệch, Vương Thị Nga và Lê Thị Tư (SN 1964), nguyên thủ quỹ của trường đã thống nhất chia nhau để chiếm đoạt số tiền hơn 400 triệu đồng. Nga và Tư mỗi người chia nhau hơn 200 triệu đồng.

Ngoài ra, khi chuyển hình thức thanh toán tiền lương qua tài khoản ngân hàng cho cán bộ, giáo viên trong trường, Nga đã lập thêm một tài khoản mang tên chồng mình. Hàng tháng, số tiền chênh lệch do kê khai tăng được Nga chuyển vào tài khoản mình và chồng. Số tiền mà Nga chiếm đoạt giai đoạn này là hơn 733 triệu đồng.

CQĐT xác định, tổng số tiền mà Nga lập sai dự toán quỹ lương của trường cao hơn thực tế là hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, Nga chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng, Tư chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng. Đậu Thị Tân là Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Vạn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước khi TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử thì ngày 13/9/2018, UBND huyện Nghi Lộc đã quyết định buộc thôi việc đối với kế toán Vương Thị Nga và thủ quỹ Lê Thị Tư Trường THCS Nghi Vạn. Cơ quan chức năng xác định, từ năm 2013-2017, kế toán Nga và thủ quỹ Tư đã chi sai lương, phụ cấp cho cán bộ, giáo viên. Số tiền này được 2 người rút về sử dụng cho mục đích cá nhân.

Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Vạn Đậu Thị Tân, không có tư lợi trong việc ký bảng lương do bà Nga trình ký mà do chủ quan và buông lỏng quản lý. Hội đồng kỷ luật đã quyết định kỷ luật giáng chức.

Với việc vi phạm về tài chính tại Trường THCS Nghi Vạn, khi đối chiếu các tiêu chí để công nhận Trường THCS Nghi Vạn đạt chuẩn Quốc gia đã có 1 số ý kiến trái chiều.

Trước vấn đề trên, theo đại diện Sở giáo dục Đào tạo Nghệ An cho hay, liên quan đến việc tham mưu UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quyết định trường THCS Nghi Vạn đạt chuẩn Quốc gia vừa qua, hoàn toàn không liên quan đến áp lực chỉ tiêu, thành tích của ngành cũng như huyện Nghi Lộc. Thực tế huyện Nghi Lộc có tỷ lệ trường chuẩn đạt đến 87%, vượt chỉ tiêu đại hội 7%.

Hơn nữa, trước khi tham mưu UBND tỉnh, UBND huyện Nghi Lộc đã có văn bản cam kết và giải trình rất cụ thể về các Chỉ báo, tiêu chí của Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT để Sở GD ĐT Nghệ An ban hành Quyết định kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia.

Những trường hợp vi phạm đều đã được xử lý kỷ luật, luân chuyển và nghỉ hưu. Hơn nữa, cơ sở vật chất nhà trường đảm bảo. Thực tế, cơ sở vật chất nhà trường có được như hôm nay cũng chính là sự đồng lòng, mong mỏi của bà con nhân dân nơi đây vì mục tiêu phát triển giáo dục, mong muốn con cháu mình học tập trong ngôi trường đạt chuẩn, tốt nhất. Tại thời điểm trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia, các cán bộ cơ hữu tại trường không vi phạm.

Trong khi đó, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết thêm, Trường THCS Nghi Vạn có vi phạm về mặt tài chính nhưng chất lượng giáo dục rất tốt, có chuyển biến tích cực trong nhiều năm gần đây. Chất lượng giáo dục của Trường THCS Nghi Vạn có chuyển biến tích cực từ vị trí 16 của huyện lên thứ 8 của huyện. Năm học vừa rồi trường xếp thứ 4 của toàn huyện. Trường THCS Nghi Vạn cũng là trường đặc thù nên muốn ổn định tình hình, lấy lại niềm tin của học sinh và phụ huynh.

Văn bản cam kết và giải trình về các Chỉ báo, tiêu chí liên quan đến việc công nhận trường chuẩn Quốc gia ở trường THCS Nghi Vạn của UBND huyện gửi Sở GD ĐT Nghệ An.

Tất cả các tiêu chí để công nhận Trường THCS Nghi Vạn đạt chuẩn Quốc gia đã cận kề. Chỉ có vi phạm về tài chính là 1 trong 28 tiêu chí của 5 tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định trường đạt chuẩn quốc gia mức 1 theo Thông tư 18/2018 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể hơn là “trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, không có nhân viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên”, trong khi, thời điểm vi phạm tài chính nặng nhất là năm 2013 và 2014 trước cung độ mình làm chuẩn và đến năm 2017 thì chúng ta phát hiện xử lý.

Có thể nói, cũng chính về điều này, ngành giáo dục cũng nên xem xét vào thời điểm hiện tại, các cán bộ cơ hữu tại trường không vi phạm để đánh giá, công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

Ngọc Tuấn

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nghe-an-vi-sao-truong-vi-pham-trong-quan-ly-tai-chinh-van-dat-chuan-quoc-gia-d17015.html