Nghệ An và Ulyanovsk (Nga) xây dựng tượng đài Lenin tại thành phố Vinh

Dự án được xây dựng ở khu vực vườn hoa đầu đường Lenin (phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) trên diện tích 3.040 m2, kinh phí hơn 8 tỉ đồng (bao gồm cả đài phun nước ở vòng xoay giữa ngã 5 gần khu vực tượng đài).

Thông tin về Dự án xây dựng tượng Lenin tại Nghệ An (Ảnh: Baothanhnien)

Thông tin về Dự án xây dựng tượng Lenin tại Nghệ An (Ảnh: Baothanhnien)

Sau Thủ đô Hà Nội, thành phố Vinh (Nghệ An) là địa phương được chọn để dựng tượng Lenin, người sáng lập Nhà nước Xô viết-Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Nghệ An chính là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh-người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thành công cuộc cách mạng Tháng Tám, lập ra Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đây là vị trí đắc địa ở thành phố Vinh vì nằm ngay vòng xoay giao nhau giữa 5 tuyến đường: Lenin, Trường Thi, Lê Hồng Phong, Nguyễn Phong Sắc và Võ Nguyên Hiến. Theo thiết kế, đế tượng cao 3m, được làm bằng bê tông cốt thép, mặt ngoài ốp đá, mặt trước khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “LE NIN, 1870-1924”, mặt sau khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “Như là một dấu hiệu của tình bạn”. Thời gian thi công 50 ngày và dự kiến ngày 1/04 tới đây tượng Lenin sẽ được chuyển từ Liên bang Nga về thành phố Vinh để tiến hành dựng tượng.

Theo thiết kế, đế tượng cao 3m, được làm bằng bê tông cốt thép.

Tư tưởng của Lenin đã mở ra những chân trời mới, soi đường cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng cảm động và hạnh phúc khi đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin”. Kể từ đó, Hồ Chí Minh đã đi theo Lenin và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên đem chủ nghĩa Mac-Lenin về với cách mạng Việt Nam.

Tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk, quê hương của V.I.Lenin, từ những năm 90 của thế kỷ 20 đã có mối bang giao thân thiết. Với tình cảm đó, chính quyền và người dân Ulyanovsk đã xây dựng Công trình Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh, đặt tên một đại lộ và đổi tên một trường học (trước đây là Trường trung học phổ thông số 76) theo tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại thành phố Vinh, đã có đại lộ mang tên Lenin. Trong tương lai, Nghệ An sẽ dành không gian trưng bày tư liệu về Lenin và Cách mạng tháng Mười Nga tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hiện nay, ở Nga có 700 người Việt Nam hiện chọn Ulyanovsk là quê hương thứ hai của mình.

Đảng bộ Nghệ An khẳng định việc xây dựng Tượng đài Lenin tại thành phố Vinh được coi là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Nghệ An và Ulyanovsk. Đây là nghĩa cử cao đẹp nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga.

Hơn nữa, đây cũng là một trong những việc làm thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung đối với Lenin-vị lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga. Qua đó thể hiện sự kiên định con đường chính nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà nền tảng là Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Việc xây dựng tượng đài Lenin trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự gắn bó, tình cảm sâu đậm không chỉ của người dân quê Bác mà còn là tình cảm, sự tri ân của nhiều thế hệ người Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của thế giới vô sản được toàn thế giới công nhận.

Công trình này được kỳ vọng tạo cho thành phố Vinh một điểm tham quan cho người dân địa phương và du khách bốn phương.

Anh Vũ (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nghe-an-va-ulyanovsk-nga-xay-dung-tuong-dai-lenin-tai-thanh-pho-vinh-100732.html