Nghệ An: Trên 206 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề

UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 5222 về đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển Tiểu thủ công nghiệp - Làng nghề giai đoạn 2016 - 2020. Trong 5 năm đã đào tạo nghề cho 206.698 lao động nông thôn.

Triển khai Đề án, hình thức đào tạo được tổ chức linh hoạt và đa dạng như: Đào tạo chính quy; đào tạo tại các cơ sở dạy nghề; đào tạo lưu động tại các xã, thôn, bản với 10 nhóm nghề chủ yếu như: Mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren, mộc mỹ nghệ, chế biến hải sản, trồng nấm... Hàng năm, tỷ lệ học viên trung cấp nghề tốt nghiệp đạt trên 95%. Có khoảng 70 - 80% số lao động sau đào tạo có việc làm và có thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2016 - 2020, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và công nhận thêm được 26 làng nghề (đạt 100% so với chỉ tiêu quy hoạch). Đưa tổng số làng nghề toàn tỉnh tính đến nay có 165 làng.

Giờ học của lớp công nghệ ô tô - Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành

Giờ học của lớp công nghệ ô tô - Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề theo Đề án 5222 vẫn còn một số hạn chế: Công tác lựa chọn nghề đào tạo gắn với nhu cầu thị trường chưa rõ nét. Công tác xã hội hóa trong thực hiện đào tạo nghề còn thấp. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ... Xác định nhiệm vụ đào tạo nghề là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm hàng đầu... ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, thời gian tới, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp, các trường dạy nghề, các HTX, doanh nghiệp quan tâm làm tốt một số nhiệm vụ chính. Các sở, ngành như: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên Minh HTX cần chuyển mạnh đào tạo nghề từ theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng ngành và từng địa phương. Đẩy mạnh phát triển kinh tế các mô hình kinh tế, HTX, doanh nghiệp... để làm đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn, làng nghề. Làm cơ sở vững chắc thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-tren-206-nghin-lao-dong-nong-thon-duoc-dao-tao-nghe-145486.html