Nghệ An: 'Tiền mất tật mang' khi lỡ tay ký HĐ du học với Công ty CP Hợp tác quốc tế Jasa

Ký hợp đồng du học và nộp 15 triệu cho Công ty CP Hợp tác quốc tế Jasa (Nghệ An) khi mẹ chưa đồng ý bảo lãnh tài chính, em Hà chấp nhận mất trắng khoản tiền để rút hồ sơ.

Phụ huynh chưa ký hợp đồng, học sinh vẫn bị mất trắng tiền đặt cọc

Em Phan Thị Hà (SN 2000, trú xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, ngày 6/8/2018, em Hà đến văn phòng giao dịch Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa (số 45 Tân Phú, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An) để tìm hiểu về du học.

Cùng ngày, em Hà ký tên vào Hợp đồng hướng dẫn du học số 88/T4-2019-HĐ-Jasa của Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa để bắt đầu chương trình du học tự túc tại Nhật Bản với chi phí từ 190 đến 220 triệu đồng/năm.

Theo đó, sau khi Hà ký tên vào 3 bản hợp đồng nói trên, Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa đưa cho Hà 2 bản mang về nhà để xin chữ ký của phụ huynh (người bảo lãnh tài chính).

Tại thời điểm này, tuy cả 3 bản hợp đồng chưa có chữ ký của phụ huynh em Hà nhưng Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa vẫn thu của em Hà 15 triệu đồng. Đồng thời, công ty này thu bản gốc một số giấy tờ của Hà.

Khi em Phan Thị Hà vừa ký tên vào hợp đồng, người bảo lãnh tài chính chưa ký tên nhưng Công ty CP Hợp tác quốc tế Jasa đã thu 15 triệu đồng tiền đặt cọc của em Hà.

Khi em Phan Thị Hà vừa ký tên vào hợp đồng, người bảo lãnh tài chính chưa ký tên nhưng Công ty CP Hợp tác quốc tế Jasa đã thu 15 triệu đồng tiền đặt cọc của em Hà.

“Mấy ngày sau khi ký hợp đồng, em nhận thấy chương trình học không phù hợp khả năng của gia đình. Bố em mất rồi, em ở với ông bà để mẹ đi làm công nhân ở miền Nam. Đi học thì gia đình em phải vay mượn, em lo sang Nhật nếu không đi làm thêm được sẽ không kiếm được tiền trả nợ”, Hà chia sẻ.

Khi Hà trình bày những lo lắng như trên, chị Nguyễn Thị Hoài (mẹ Hà) khẳng định chị không thể kiếm đủ tiền cho con gái theo đuổi chương trình du học tự túc như đã ký kết. Chị Hoài khuyên con gái từ bỏ.

“Chi phí đi học của em chỉ trông mong vào mẹ, mẹ nói khó khăn không lo được thì em cũng không thể tự mình đi học được”, Hà ngậm ngùi nói.

Không còn cách nào khác, Hà mang bản hợp đồng mẹ chưa ký tên đến Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa xin chấm dứt việc học với mong muốn có thể “xin” lại một phần số tiền đã nộp. Tuy nhiên, Công ty du học Jasa không đồng ý. Hà chấp nhận mất trắng 15 triệu đồng để lấy lại giấy tờ trong nỗi ấm ức.

Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa mập mờ khi ký hợp đồng?

Theo tìm hiểu, các văn bản có tên gọi “Hợp đồng hướng dẫn du học” số 88/T4-2019-HĐ-Jasa mà em Phan Thị Hà ký kết với Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa đều ghi rõ bên A là Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa (có địa chỉ tại số 45 Tân Phú, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An; đại diện là ông Nguyễn Xuân Hậu – Giám đốc).

Cùng đó, bên B là Phan Thị Hà. Mục này còn có thêm phần thông tin “Người bảo lãnh tài chính” ghi tên Nguyễn Thị Hoài (mẹ Hà) cùng các thông tin cá nhân của chị này. Tuy nhiên, tính đến thời điểm Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa tiến hành thanh lý hợp đồng (tiền đặt cọc 15 triệu đồng của em Hà) thì chị Hoài vẫn chưa ký tên vào các văn bản nói trên (chị Hoài đang làm việc tại Bình Dương). Mục “người bảo lãnh tài chính” không có chữ ký, bị bỏ trống trong suốt quá trình này.

Cùng với đó, 2 bản hợp đồng mà em Hà giữ, Mục “đại diện bên A” cũng chưa có chữ ký của ông Nguyễn Xuân Hậu, chưa được Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa đóng dấu.

Em Phan Thị Hà giữ 2 bản hợp đồng chỉ có chữ ký của chính mình, Mục đại diện bên A và Người bảo lãnh tài chính vẫn bị để trống.

Trao đổi về sự việc, bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa – xác nhận công ty này ký hợp đồng với em Phan Thị Hà, thu của em Hà 15 triệu đồng tiền đặc cọc ban đầu.

Người đại diện Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa cho biết, công ty này và em Phan Thị Hà đã thỏa thuận ký 3 bản hợp đồng, công ty này giữ 1 bản, 2 bản còn lại do em Hà giữ.

Bà Hải đưa ra bản 1 bản hợp đồng công ty này đang giữ có chữ ký của em Phan Thị Hà, chữ ký của người đại diện Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa, đã được đóng dấu. Tuy nhiên, tại mục “người bảo lãnh tài chính” thì vẫn để trống. Bà Hải khẳng định hợp đồng này đã có hiệu lực.

Trả lời câu hỏi vì sao người bảo lãnh chưa ký tên nhưng đơn vị này vẫn cho rằng hợp đồng đã có hiệu lực và thu tiền cọc của em Phan Thị Hà?

Bà Hải nói: “Khi ký hợp đồng thì em Hà đã đủ 18 tuổi, em Hà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa cho rằng, chữ ký của người bảo lãnh tài chính chỉ cần thiết trong trường hợp em Hà là người phải bồi thường cho công ty này mà số tiền phải bồi thường vượt quá khả năng của em Phan Thị Hà (!?)

Trụ sở Công ty CP Hợp tác quốc tế Jasa

Khi phóng viên đưa ra 2 bản hợp đồng (em Phan Thị Hà giữ trước thời điểm thanh lý) chưa có chữ ký của chị Nguyễn Thị Hoài, chưa có chữ ký và dấu của công ty Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa, đồng thời đặt ra câu hỏi hợp đồng này có hiệu lực pháp lý chưa?

Bà Hải thừa nhận 2 bản hợp đồng này không có giá trị pháp lý.

Bà Hải lý giải, giám đốc công ty này mới chỉ ký tên và đóng dấu trước vào 1 bản bản hợp đồng để tiến hành các thủ tục đăng ký trường (tại Nhật Bản) cho em Hà, còn 2 bản hợp đồng do em Hà giữ thì công ty này chờ người bảo lãnh tài chính ký, khi em Hà mang đến thì công ty này sẽ ký tên và đóng dấu sau (!?)

Ngoài các thông tin thiếu rõ ràng nêu trên, theo em Phan Thị Hà, tại “Bản cam kết” (thỏa thuận các quy định liên quan đến quá trình học tập của em Hà tại Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa), Mục “người bảo lãnh” ký tên Nguyễn Thị Hoài nhưng do em Phan Thị Hà ký thay.

Sau khi làm biên bản thanh lý hợp đồng với em Phan Thị Hà, Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa từ chối cung cấp 1 bản cho Hà như thỏa thuận tại Điều 3 của văn bản này

Chưa hết, chiều ngày 21/8/2018, em Phan Thị Hà đến thanh lý hợp đồng với Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa, khi Hà yêu cầu được giữ một (01) biên bản thì công ty này từ chối cung cấp (mặc dù tại Điều 3 ghi rõ: Biên bản thanh lý được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản và có giá trị pháp lý như nhau). Cực chẳng đã, Hà đành phải dùng điện thoại chụp ảnh tờ biên bản nói trên.

Em Phan Thị Hà cho biết cả quá trình ký hồ sơ, nộp tiền và khi em này đi học tại Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Jasa thì chị Nguyễn Thị Hoài (mẹ Hà) gần như không nắm được các thông tin cụ thể.

“Mẹ em đang làm việc ở Bình Dương nên em chỉ nói chuyện với mẹ qua điện thoại, khi công ty du học yêu cầu làm gì thì em cứ làm theo chứ cũng không hiểu các loại giấy tờ này lắm”, em Hà nói.

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc...

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/nghe-an-tien-mat-tat-mang-khi-lo-tay-ky-hd-du-hoc-voi-cong-ty-cp-hop-tac-quoc-te-jasa-d132047.html