Nghệ An sẽ ban hành giá mới về thu gom, xử lý rác

Những năm gần đây, lượng rác thải trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn. Công nghệ xử lý rác tiên tiến cũng đòi hỏi chi phí cao hơn, trong khi đó ngân sách còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, việc ban hành giá tối đa cho việc thu gom, xử lý rác là hết sức cần thiết.

Chi phí thu gom, xử lý rác mới đáp ứng được 49%

Giá tối đa thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An được nêu rõ trong Quyết định số 74/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016. Theo đó, hộ gia đình không tham gia kinh doanh tại các phường trên TP. Vinh là 8.000 đồng/khẩu/tháng, các xã trên địa bàn thành phố là 6.000 đồng/khẩu/tháng. Các phường thuộc thị xã và thị trấn các huyện là 5.000 đồng/khẩu và các xã còn lại trên địa bàn tỉnh là 4.000 đồng/khẩu/tháng. Đối với các hộ tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên 155.000 đồng/hộ/tháng tùy vào quy mô, sử dụng nhân lực…

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay phải chi trả là 157,2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, số tiền thu được từ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển theo quy định hàng năm mới đạt 77,5 tỷ đồng. Như vậy ngân sách Nhà nước phải bù đắp khá lớn.

Đến thời điểm hiện nay cho thấy tại một số địa phương mặc dù đã áp dụng theo khung giá tối đa được quy định tại Quyết định số 74/2016, đồng thời hàng năm ngân sách tỉnh đều bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường, nhưng so với nhu cầu kinh phí để thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại một số địa phương mới chỉ đáp ứng được 49% tổng nhu cầu.

Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Cửa Lò thu gom rác thải trên bãi biển chào đón mùa du lịch. Đồ họa: Tôn Đức - Ảnh: Lâm Tùng

Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Cửa Lò thu gom rác thải trên bãi biển chào đón mùa du lịch. Đồ họa: Tôn Đức - Ảnh: Lâm Tùng

Thị xã Cửa Lò là đơn vị có tổng chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác lớn thứ 2 cả tỉnh (chỉ sau TP.Vinh) với 17,5 tỷ đồng/năm. Những ngày này, anh Vũ Trung Thành, chủ ki-ốt số 158 tại bãi biển Cửa Lò đang tất bật với công việc sửa sang, dọn dẹp quán để chào đón mùa du lịch.

Anh Thành chia sẻ: Do kinh doanh nhà hàng nên hàng tháng tôi đều nộp phí thu gom rác thải theo quy định với mức giá là trên 300.000 đồng/tháng. Nếu tăng giá thì chất lượng thu gom cũng cần đảm bảo, kịp thời, đúng giờ, nhanh chóng.

Xử lý rác tại khu chôn lấp rác thải mới bãi rác Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh Lâm Tùng

Tại thị xã Cửa Lò, tổng khối lượng rác thải trên địa bàn hơn 18.000 tấn/năm, được xử lý bằng chôn lấp tại Nhà máy xử lý rác thải Nghi Yên. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải hiện chỉ đáp ứng được 22,1% tổng nhu cầu.

Đặc thù là thị xã du lịch vấn đề rác thải luôn được thị xã quan tâm. Việc tăng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò

Quỳnh Lưu cũng là địa phương có tổng kinh phí cho thu gom xử lý rác thải lớn với 11,8 tỷ đồng/năm. Phương thức xử lý rác thải chủ yếu được tập kết tại các bãi rác xã và thực hiện xử lý theo phương thức chôn lấp.

Lượng rác thải trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu là rất lớn, ước tính có khoảng 100 tấn/ngày. Mức thu dịch vụ rác thải hiện nay mới chỉ đáp ứng được chi phí thu gom, vận chuyển rác, còn chi phí xử lý rác thải hiện đang thiếu. Huyện đang đề xuất mức tăng 30% - 50% với giá hiện tại) để đảm bảo kinh phí xử lý rác triệt để.

Ông Đào Xuân Sơn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu

Tại huyện Nghi Lộc, hiện có 28/30 xã thị ký hợp đồng với 2 công ty môi trường để thu gom rác định kỳ với tần suất từ 1 - 3 lần/tuần (tùy vào hợp đồng ký kết của từng xã). 2 địa phương không ký kết với công ty môi trường mà đứng ra tự thu gom, xử lý rác là xã Nghi Công Bắc và Nghi Công Nam.

Lý giải về việc không ký hợp đồng với công ty môi trường, ông Nguyễn Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Nghi Công Bắc chia sẻ: Trước đây, xã có chủ trương mỗi gia đình xây dựng một hố xử lý rác riêng để các hộ tự xử lý, cộng với việc đường sá xa xôi nên chúng tôi không ký hợp đồng với công ty môi trường.

Bãi rác chất đống nhiều ngày trên đường N5 đoạn qua xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc) (ảnh chụp ngày 1/3/2019). Ảnh Lâm Tùng

Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, lượng rác thải ra rất lớn, việc sử dụng hố rác tại gia không phát huy hiệu quả, cộng với ý thức người dân chưa cao nên xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi. “Để giảm thiểu sự quá tải rác, chúng tôi hiện giao cho chi hội phụ nữ của 12 xóm đảm nhiệm thu gom, xử lý rác mỗi tuần.

Tuy nhiên, kinh phí không đủ để thực hiện. Mỗi năm xã chỉ có thể hỗ trợ 30 triệu đồng cho 12 xóm, số tiền này chỉ là chi phí động viên chứ không thể tính công như nhân viên môi trường được vì ngân sách hạn hẹp. Do đó việc tăng phí rác thải là điều vô cùng cần thiết.” - ông Lý cho biết thêm.

Thành phố Vinh là địa phương có tổng kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải lớn nhất tỉnh với 60,7 tỷ đồng/năm (chiếm 38,2% tổng kinh phí toàn tỉnh).

Quan điểm nhất quán của thành phố là phải tăng kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Cần tăng giá mạnh hơn đối với các cơ sở sản xuất, các ngành đặc thù, có nguy cơ ô nhiễm cao, các hàng quán kinh doanh ăn uống, bia rượu...

Ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh

Sự cần thiết ban hành khung phí tối đa

Trong những năm gần đây, dân số toàn tỉnh Nghệ An ngày càng gia tăng, nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng ngày càng tăng cao kéo theo lượng rác thải sinh hoạt cũng tăng nhanh, trong lúc hạ tầng xử lý rác chưa đáp ứng dẫn đến quá tải và chi phí xử lý rác thải cũng tăng cao.

Qua khảo sát, hiện nay lượng rác thải của các hộ gia đình tăng đột biến so với số liệu điều tra trước đây (khu vực thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò lượng rác bình quân hơn 0,6 - 0,7 kg/khẩu/ngày, huyện Hưng Nguyên, huyện Quỳnh Lưu khoảng 0,4 kg/khẩu/ngày); tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh phát sinh khoảng 2.443,8 tấn/ngày (tại đô thị là 1.879,95 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 563,85 tấn/ngày), trong đó lượng rác thải thu gom đạt 1.974 tấn/ngày (khoảng 80,79%).

Rác thải chất đống gây ô nhiễm môi trường trên đường ven sông Lam đoạn qua xã Hưng Long (Hưng Nguyên) trong thời gian gần đây. Ảnh: Lâm Tùng

Hiện nay tại một số huyện, thành, thị đang tiến tới thực hiện công nghệ đốt rác, giúp tiết kiệm quỹ đất cũng như giảm ô nhiễm môi trường nguồn nước so với phương pháp chôn lấp truyền thống hiện nay.

Tuy nhiên, nếu sử dụng công nghệ mới, đơn giá xử lý rác xấp xỉ 410.000 đồng/tấn (trong khi đó đơn giá xử lý chôn lấp đúng quy trình khoảng 268.446 đồng/tấn) dẫn đến chi phí cho công tác xử lý rác thải tăng cao.

Xuất phát từ các nội dung nói trên, để đảm bảo bền vững trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải thì việc ban hành quy định giá tiêu thụ tối đa dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.

Dân số toàn tỉnh Nghệ An ngày càng gia tăng, nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng ngày càng tăng cao kéo theo lượng rác thải sinh hoạt cũng tăng nhanh. Ảnh: Lâm Tùng - Quang An.

Trân Châu - Quang An - Kỹ thuật: Lâm Tùng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-se-ban-hanh-gia-moi-ve-thu-gom-xu-ly-rac-236578.html