Nghệ An sau cơn lũ: Sống thấp thỏm bên bờ sông Lam

Cơn bão số 4 vừa qua gây mưa hoàn lưu dẫn đến lũ lụt nhiều nơi ở Nghệ An. Sau khi lũ rút xuống, nhiều hộ dân ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn ở chênh vênh trên bờ sông Lam đang đứng trước nguy cơ mất nơi ở vì sạt lở lấn sâu vào nhà.

Thôn 3-2 thuộc xã Đỉnh Sơn nằm dọc theo QL7, men theo bờ sông Lam. Những năm gần đây, cứ về mùa mưa lũ là hàng chục hộ dân ở thôn này bị ảnh hưởng. Đặc biệt có gần chục hộ dân bám QL7, nằm chênh vênh trên bờ sông Lam, sau trận lũ do mưa hoàn lưu bão số 4 vừa qua đang phải sống thấp thỏm lo âu vì sạt lở bờ sông đã lấn sâu đến các công trình phụ sau nhà.

Người dân ở đây cho biết, khoảng 30 năm trước, bờ sông Lam cách xa phía sau nhà họ khoảng hơn 200m, đó là một bãi đất phù sa mà người dân trồng hoa màu. Rồi theo từng năm, qua từng mùa mưa lũ, dòng sông Lam cứ xói lở dần về phía QL7, đến nay dòng sông đã chảy sát ngay sau nhà dân. Phần đất vườn phía sau của hơn chục hộ dân ở đây đã bị sông Lam “nuốt” mất.

Gần chục ngôi nhà dân ở thôn 3-2 xã Đỉnh Sơn có nguy cơ bị sạt lở xuống dòng sông Lam

Dẫn chúng tôi ra xem vị trí sạt lở sau nhà, bà Lê Thị Vinh (85 tuổi, ở thôn 3-2) nói: “Chỗ này đã bị sạt lở lấn sâu vào từ nhiều năm nay rồi. Tối 17.8 vừa qua trời mưa to, nước lũ từ thượng nguồn đổ về dâng lên rất nhanh, đất phía sau chuồng gà bị sạt xuống một ít khiến cả tôi và chồng đã 90 tuổi lo lắng không thể ngủ được, nằm mà cứ lo nhà bị sập xuống theo đất lở. Sáng ra chồng tôi cùng mấy đứa con phải dùng các tấm tôn và tấm lợp xi măng tạo đường dẫn cho nước mưa chảy để tránh bị xói lở tiếp. Bây giờ cứ sống nơm nớp lo sợ, nếu có thêm trận lũ nữa chắc chúng tôi phải sơ tán đến nhà con ở tạm”.

Bờ sông Lam đã bị sạt lở đến sát nhà của bà Vinh

Bà Nguyễn Thị Sinh (55 tuổi) là con gái của bà Vinh có nhà ở sát bên cạnh cũng đang bất an vì sợ cứ mưa to là đất lại lở tiếp lấn sâu vào nhà. Hiện tại bờ sông Lam đã lở đến chân công trình vệ sinh của bà Sinh.

“Trận lũ cuối tuần trước nước dâng lên vào ban đêm, tôi cùng con trai và cháu không dám ngủ ở căn phòng ngủ phía trong mà phải ra ngủ ở căn phòng ngoài cùng ở sát sân, để lỡ có bị sạt lở phía sau nhà thì kịp thời di chuyển lánh nạn. Giờ nước lũ đã rút nhưng chúng chúng tôi không thể an tâm được, vì cứ mưa lũ là đất lại tiếp tục sạt lở, nếu nghiêm trọng thì cả ngôi nhà sẽ bị sập xuống dòng sông Lam.

Nguyện vọng của chúng tôi lúc này là mong các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư nâng cấp hệ thống kè bờ sông phía sau nhà kiên cố hơn để hạn chế sự sạt lở khi có mưa lũ”.

Gia đình chị Cao Thị Hạnh ở cùng thôn cũng đang trong tình trạng tương tự.

“Nền hhà tôi bị nứt từ 2 đợt lũ vừa qua, cơn lũ trước thì nứt nhẹ, nhưng đến cơn lũ sau bão số 4 này thì vết nứt ăn sâu và mở rộng thêm vào tường và nền nhà bếp. Giờ ở trong nhà mà cứ sợ trời mưa tiếp là nhà bị nứt và sập xuống”, chị Hạnh nói

Vườn nhà chị Cao Thị Hạnh bị sạt lở đến chuồng lợn

Vết nứt tại nhà bếp của gia đình chị Hạnh phía bờ sông Lam

Ngày 21.8, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về thực trạng trên, ông Phan Văn Hợi, Phó chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết, bờ sông Lam (đoạn xung yếu nơi các nhà dân thôn 3-2 đang bị ảnh hưởng) đã được xây dựng hệ thống kè đá từ năm 2016 theo chương trình dự án phòng chống bão lụt của Chính phủ với chiều dài 1,2km. Tuy nhiên, kè này chỉ có tác dụng chống sóng đánh vào và xói lở ở mực nước lũ thấp. Còn vấn đề sạt lở như hiện tại là do khả năng khu vực này có một rốn nước ngầm chảy từ phía QL7 ra sông nên gây sạt lở.

“Trong đợt mưa lũ vừa rồi xã cũng đã khuyến cáo những hộ dân đó tạm sơ tán đến nơi an toàn. Về lâu dài, nếu diễn biến sạt lở theo chiều hướng nghiêm trọng hơn thì chính quyền phải bố trí tái định cư cho những hộ dân đó. Chúng tôi cũng đã báo cáo thực trạng này lên chính quyền cấp trên, vì vấn đề tái định cư thuộc thẩm quyền cấp huyện”, ông Hợi cho hay.

Nhiều hộ dân ở thôn 3-2 xã Đỉnh Sơn đang lo lắng vì sông Lam "nuốt" nhà

Quang Cường

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/nghe-an-sau-con-lu-song-thap-thom-ben-bo-song-lam-95045.html