Nghệ An nỗ lực dập dịch cúm gia cầm A/H5N6

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã bùng phát tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đang nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nhằm giảm thiệt hại, không để lây sang người.

Chủ động khoanh vùng, dập dịch

Huyện Yên Thành khởi phát dịch cúm gia cầm A/H5N6 từ cuối tháng 8 vừa qua. Tại xã Nam Thành hiện có 9 trại chăn nuôi vịt, với tổng đàn 42.900 con, chưa kể hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ. Trang trại của ông Ngô Trí Triêm có 4.000 con vịt, nhưng hiện đã chết tới hơn 700 con do cúm A/H5N6 gây ra. Theo ông, hiện số gia cầm bị chết bởi dịch cúm này chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày 23-8, trang trại chăn nuôi của ông Triêm xuất hiện nhiều con vịt có biểu hiện bệnh, chết. Ba ngày sau, ông Triêm đưa mẫu vịt đi xét nghiệm, kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với dịch cúm gia cầm A/H5N6. Ðến nay, tại xã Nam Thành (Yên Thành) dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện tại hai hộ chăn nuôi. Tính đến ngày 10-9, trên địa bàn xã Nam Thành đã có hơn 1.800 con vịt bị tiêu hủy.

Lý giải về nguyên nhân của đợt dịch này, theo ông Hoàng Văn Sâm, Phó chủ tịch UBND xã Nam Thành: Do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, cùng với mật độ nuôi vịt của người dân quá dày nên khi dịch bùng phát rất dễ lây lan. Ngay sau khi xảy ra ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại trại vịt của gia đình ông Triêm, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Yên Thành, UBND xã Nam Thành đã thành lập ban chỉ đạo, tiến hành khoanh vùng, tiêu độc khử trùng chuồng trại, lập chốt cảnh báo có dịch cho người dân biết. UBND xã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An gặp các chủ trang trại có vịt chết để tuyên truyền về dịch cúm gia cầm A/H5N6. Chủng virus này có khả năng lây sang người. Vì thế, khi tiếp xúc với gia cầm, người chăn nuôi phải đeo khẩu trang, đeo găng tay, đi ủng chân... Trước và sau khi vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi, người nuôi phải vệ sinh chân tay bằng xà phòng. Các dụng cụ bảo hộ phải khử trùng bằng thuốc sát trùng.

 Chủ trang trại ở xã Nam Thành (Yên Thành, Nghệ An) rắc vôi bột khử trùng chuồng trại.

Chủ trang trại ở xã Nam Thành (Yên Thành, Nghệ An) rắc vôi bột khử trùng chuồng trại.

Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, cho biết: “Chi cục đã cấp 20.000 liều vaccine, hóa chất khử trùng cho địa phương. Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp đến trại vịt để hướng dẫn chủ trang trại rắc vôi bột, phun hóa chất và tiêm vaccine cho số vịt còn lại. Những ngày tới, chúng tôi nắm bắt diễn biến của các trang trại để có những giải pháp phù hợp ứng phó với dịch”.

Hiện nay, đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, nắng mưa đan xen làm cho gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. Độ ẩm trong không khí cao cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Ngay sau khi có thông tin tại huyện Yên Thành bùng phát ổ dịch cúm A/H5N6, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã vào cuộc khẩn trương, phối hợp dập dịch. Ông Ngô Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết: “Để đối phó với dịch bệnh trên đàn gia cầm, thực hiện nguyên tắc “phòng hơn chống”, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp cho xã Nam Thành 120 lít dung dịch hoạt hóa điện giải, cử cán bộ hướng dẫn các chủ trang trại phun khử khuẩn chuồng trại, cho vịt uống để tăng sức đề kháng”.

Không để xảy ra tình trạng bán tháo gia cầm ủ bệnh

Ông Cao Văn Nhu, Xóm trưởng xóm Phú Sơn đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại khu vực có dịch, cho biết: “Từ ngày công bố có dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn, tôi cùng các đồng chí công an xã phối hợp, luân phiên kiểm tra, khuyến cáo người dân không nên đến gần vùng có dịch; giám sát không để chủ trang trại bán tháo vịt ủ bệnh, thường xuyên nhắc nhở chủ trang trại phun thuốc khử khuẩn”. Đến thời điểm này, xã Nam Thành đã lập chốt kiểm tra, cắt cử lực lượng theo dõi diễn biến tại vùng dịch. Yêu cầu các xe chở thức ăn cho vịt khi ra vào trang trại cần bảo đảm phòng, chống dịch. UBND xã Nam Thành cử cán bộ đến gặp, tuyên truyền cho các chủ trang trại trên địa bàn xã cách phòng, chống dịch; yêu cầu các chủ trang trại không được vứt xác gia cầm chết bừa bãi, khai báo số lượng vịt chết, tiêu hủy đúng cách, xa khu vực dân cư. Đặc biệt, các chủ trang trại cam kết không di chuyển đàn vịt đi nơi khác, vì trong thời gian ủ bệnh, nếu di chuyển sang các vùng lân cận sẽ rất khó kiểm soát.

Theo báo cáo sơ bộ 6 tháng đầu năm 2020, huyện Yên Thành có 3,4 triệu con gia cầm, trong đó tổng đàn vịt là 840.000 con. Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành, cho biết: “Những nơi chưa xuất hiện dịch, chúng tôi rà soát, nắm bắt tình hình, yêu cầu các hộ nuôi gia cầm tiến hành tiêm chủng, vệ sinh chuồng trại. Tất cả hộ kinh doanh gia cầm tại chợ đều được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và yêu cầu ký cam kết không buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, điều kiện thời tiết thuận lợi cho dịch cúm A/H5N6 bùng phát như hiện nay, việc phòng, chống dịch cúm gia cầm càng trở nên cấp thiết. Các cấp, các ngành cần nâng cao trách nhiệm, phối hợp triển khai mạnh mẽ các giải pháp, kiểm soát chặt, phát hiện sớm, không để bùng phát dịch ra diện rộng, “không để dịch chồng dịch”. Theo tinh thần đó, dự kiến từ ngày 15-9 đến 15-10, tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng dịch cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài và ảnh: BẬT HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nghe-an-no-luc-dap-dich-cum-gia-cam-a-h5n6-635023