Nghệ An: Những tên xã nghe lạ tai sau sáp nhập

Sẽ có những cái tên đơn vị hành chính cấp xã mới nghe khá lạ tai như: Châu Nhân, Long Xá, Đại Đồng, Trung Phúc Cường…

Đại biểu và người dân huyện Tương Dương tham quan gian trưng bày tranh ảnh về thành tựu kinh tế - xã hội của thị trấn Hòa Bình. Ảnh: Công Kiên

Đại biểu và người dân huyện Tương Dương tham quan gian trưng bày tranh ảnh về thành tựu kinh tế - xã hội của thị trấn Hòa Bình. Ảnh: Công Kiên

Theo Đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 của Nghệ An, tổng số xã thực hiện sáp nhập trong năm 2019 là 36. Theo đó, 16 xã phải nhập vào 20 xã khác để thành lập 16 xã mới. Sau sắp xếp, Nghệ An từ 480 đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm còn 460 đơn vị, gồm: 411 xã, 32 phường, 17 thị trấn.

Đặc biệt, ngoài việc hình thành các xã mới để đáp ứng các tiêu chí về quy mô diện tích và dân số, thì việc sáp nhập cũng đồng thời cho ra đời những đơn vị hành chính mới có tên gọi khá lạ. Chẳng hạn, tại huyện Tương Dương, tên gọi thị trấn Hòa Bình sẽ được thay thế bằng thị trấn Thạch Giám. Thực ra, đây là tên cũ trước đây của huyện lỵ Phủ Tương.

Còn tại huyện Thanh Chương, với việc nhập 3 xã: Thanh Tường, Thanh Văn và Thanh Hưng sẽ hình thành xã mới có tên Đại Đồng (tên gọi tổng Đại Đồng cũ) với diện tích tự nhiên 15,83km2, dân số 13.300 nhân khẩu.

Sau khi sáp nhập các xã: Nam Trung - Nam Phúc - Nam Cường (Nam Đàn), sẽ hình thành xã mới mang tên: Trung Phúc Cường.

Ở Diễn Châu sẽ xuất hiện đơn vị hành chính cấp xã mới có tên Minh Châu trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng.

Tên xã mới nhiều ký tự nhất sau sáp nhập có lẽ là: Trung Phúc Cường. Đây là tên ghép từ các xã: Nam Trung - Nam Phúc - Nam Cường của huyện Nam Đàn.

Cũng tại Nam Đàn còn có xã có tên gọi nhiều âm tiết là Thượng Tân Lộc. Cũng dựa theo cách ghép tên thường thấy lâu nay, nhiều người chắc hẳn biết xã mới này được nhập từ các xã: Nam Thượng - Nam Tân - Nam Lộc.

Xã Hưng Long (Hưng Nguyên) đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Ảnh: Nguyễn Hải

Nghe lạ tai nhất có lẽ là xã: Long Xá. Thực ra đơn vị hành chính mới này được hình thành từ việc sáp nhập 2 xã Hưng Long và Hưng Xá thuộc huyện Hưng Nguyên. Sau sáp nhập xã Long Xá có diện tích tự nhiên là 7,9km2, dân số 9.000 người.

Chưa hết, cũng tại huyện Hưng Nguyên còn có xã mới có tên Châu Nhân. Tên gọi này là kết quả của sự “cộng hưởng” giữa 2 xã: Hưng Châu và Hưng Nhân…

Quốc Sơn

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-nhung-ten-xa-nghe-la-tai-sau-sap-nhap-254412.html