Nghệ An: Nhiều trang trại nuôi lợn không tái đàn

Giá lợn hơi ở Nghệ An đang trên đà tăng do nguồn cung giảm mạnh vì dịch bệnh. Dù hiện tại nguồn cung vẫn đảm bảo nhưng nếu bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp thì việc tái đàn và nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Canh Tý 2020 sẽ khó khăn.

Khó khăn khi tái đàn

Vào cuối tháng 9, ở xã Nghi Kim (TP Vinh- Nghệ An) đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn của 2 hộ là ông Nguyễn Đình Chính và bà Trần Thị Hiệp sau khi cơ quan Thú y xác nhận lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn tiêu hủy của 2 gia đình là 64 con khoảng 5.040 kg. Trong đó, gia đình ông Chính là hộ dân có số lượng lợn tiêu hủy kỷ lục trên địa bàn thành phố với 54 con, tổng trọng lượng 4.298 kg, gần bằng 1/2 tổng trọng lượng lợn tiêu hủy trong đợt dịch vừa qua trên toàn thành phố (10.049 kg). Các hộ chăn nuôi này chưa có ý định tái đàn vào thời điểm này rất mạo hiểm.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp thì việc tái đàn và nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Canh Tý 2020 sẽ khó khăn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp thì việc tái đàn và nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Canh Tý 2020 sẽ khó khăn.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến hết ngày 10/10, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng 21/21 huyện, thành, thị; tiêu hủy 67.942 con lợn với trọng lượng 3.167 tấn. Trước đó, khi giá lợn hơi tăng nhẹ, các trại chăn nuôi quy mô cũng như các gia đình tranh thủ xuất chuồng để tránh thiệt hại do dịch bệnh.

Trong khi đó, công tác xử lý sát trùng tiêu độc, khoanh vùng dập dịch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Do đó, Ban Phòng chống dịch bệnh của tỉnh Nghệ An cũng khuyến cáo người chăn nuôi không vội vã tái đàn khi chưa an toàn.

Sở NN & PTNN - Nghệ An khuyến cáo chỉ những hộ dân, trang trại nào thực hiện được biện pháp an toàn sinh học thì mới tái đàn. Còn những trang trại, còn chưa làm được việc đó thì không nên tái đàn. Bởi nếu tái đàn trong điều kiện mầm bệnh chưa được kiểm soát thì dịch bệnh sẽ tái phát lần nữa và thiệt hại lớn hơn nhiều.

Bắt đầu từ ngày 13/3 các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị dịch hoành hành, thì nay dịch bệnh đã lây lan vào các hộ chăn nuôi lớn, nên tình hình rất đáng quan ngại. Đặc biệt, các đàn lợn nái cũng nhiễm bệnh, dẫn đến để có heo con để gây giống, tái đàn cũng gặp khó khăn.

Hiện nay, số lợn thịt khỏe mạnh vẫn còn nhiều nên lượng thịt cung ứng ra thị trường vẫn được đảm bảo, nhưng mấy tháng nữa tình trạng thiếu hụt sẽ diễn ra nếu dịch bệnh không thể kiểm soát.

Tăng đàn gia cầm và thực phẩm khác

Để đối phó với thực trạng trên, Sở Công thương tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp tích cực để chuẩn bị nguồn cung thịt các loại, nhằm bù đắp cho lượng thịt heo thiếu hụt, hạn chế tối đa nguy cơ sốt giá thịt lợn vào thời điểm cuối năm.

Do nhiễm dịch bệnh tả Châu Phi nên người tiêu dùng thận trọng chọn mua

Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An có phương án đã phối hợp với các ngành liên quan và doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn xây dựng phương án cung ứng nguồn thực phẩm thay thế kịp thời, trong trường hợp thị trường bị thiếu hụt thịt heo.

Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết: “Nhằm đảm bảo bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán 2020, ngành Công Thương đang tính toán phương án tích trữ thịt lợn đông lạnh; chủ động kết nối với các công ty chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn cung và tăng lượng thịt bò, thịt bê, thịt gà thay thế…”.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động kế hoạch tăng đàn gia cầm, đảm bảo nguồn cung trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng lên. Sở Công thương Nghệ An cũng xây dựng kế hoạch bình ổn giá để giữ giá thịt heo trong dịp tết Nguyên đán được ổn định, bằng cách cho các doanh nghiệp vay vốn mua trữ hàng chuẩn bị cho dịp cuối năm.

Để chuẩn bị cho việc tái đàn thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai tuyên truyền người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, vì hiện chưa có thuốc phòng và trị bệnh dịch tả heo châu Phi. Đồng thời khuyến khích người dân mở rộng các loại vật nuôi như trâu, bò, dê, gà... để bù đắp số lượng thịt lợn có thể thiếu hụt.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng mở rộng quy mô trang trại và dây chuyền giết mổ gia cầm vì đang có thị trường tiêu thụ tốt. Nếu nhu cầu tăng về sản phẩm thịt gà thì người chăn nuôi dễ dàng tăng lứa, tăng sản lượng, đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-nhieu-trang-trai-nuoi-lon-khong-tai-dan-126468.html