Nghệ An: Nhiều chính sách 'tiếp sức' cho nhà nông

Triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An đã khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất, tăng giá trị trên cùng một diện tích canh tác. Quá trình thực hiện, có một số mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, đem đến động lực mới.

CHÍNH SÁCH TIẾP SỨC CHO NÔNG DÂN

Quyết định số 15/QĐ-UB ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh (Quyết định 15) thay thế Quyết định số 87/2014- QĐ có những điểm mới, tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Quyết định 15 hỗ trợ cho bà con mua máy cấy lúa và máy thu hoạch mía; đồng thời bố trí hơn 10 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng phát sinh do hỗ trợ cơ giới hóa trước đây.
Những tháng đầu năm 2019, có 2 hộ ở TX Thái Hòa đăng ký hỗ trợ 800 triệu đồng để mua máy thu hoạch mía trị giá 4 tỷ đồng. Một hộ ở huyện Nghĩa Đàn đề nghị hỗ trợ 100 triệu đồng mua máy cấy nông nghiệp. Tại Hưng Nguyên, chủ trang trại là ông Lê Quốc Tân ở xã Hưng Tiến được hỗ trợ 300 triệu đồng để cải tạo hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi.

Nhờ chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, nông dân Diễn An có máy gặt đập đa chức năng gặt lúa. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhờ chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, nông dân Diễn An có máy gặt đập đa chức năng gặt lúa. Ảnh: Nguyễn Hải

Ở một số huyện, thị xã khác, chính sách hỗ trợ phát triển cây chè và cây ăn quả (cam, quýt giống mới, bưởi, ổi…), hỗ trợ giống mía mới và chính sách tưới cho cây trồng cạn cũng được triển khai, góp phần tăng diện tích, năng suất cây trồng.

Cùng đó, việc hỗ trợ các HTX nông nghiệp thành lập mới cũng được tỉnh áp dụng từ mức 20 triệu đồng/HTX (năm 2018) lên 50 triệu đồng. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cho 50 HTX nông nghiệp mới thành lập. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục dành ngân sách hỗ trợ giống, hỗ trợ hộ chăn nuôi 50 con lợn ngoại trở lên; dành tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng hỗ trợ tổng cộng khoảng 40 mô hình nhà lưới…

Mô hình dưa nhà lưới Hà Lan trên 1.200 m2 của ông Nguyễn Văn Long ở xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến (Nam Đàn) đang làm thủ tục hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặc dù điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng mỗi năm, tỉnh dành trên 80 tỷ đồng để hỗ trợ nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ nông nghiệp đang ngày càng hoàn thiện hơn khi chu kỳ từ 3-4 năm, qua đánh giá thực tiễn, tỉnh bổ sung chính sách theo hướng ưu tiên mô hình sản xuất lớn, năng suất và hiệu quả.

Ông Phan Duy Thiều - Phó Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch, Sở NN & PTNT

Cùng đó, để khuyến khích bà con nông dân, ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, một số huyện như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Yên Thành, TX. Thái Hòa còn bố trí ngân sách từ 700 đến 1 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ các mô hình mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các mô hình nhà lưới công nghệ cao hay cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Dù khoản kinh phí còn khiêm tốn so với đầu tư của bà con nông dân nhưng đây thực sự là những nguồn lực quý báu tiếp sức và động viên cho bà con nông dân yên tâm tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

PHÁT HUY NGUỒN HỖ TRỢ QUÝ GIÁ

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp theo Quyết định 15/QĐ-UB có nhiều điểm mới khá tích cực nhưng quá trình triển khai trong thực tế cũng bộc lộ một vài băn khoăn. Đó là: Mặc dù kỳ vọng của tỉnh khá lớn khi tăng mức hỗ trợ từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng để HTX vươn lên làm vai trò trung gian, cung ứng dịch vụ cho bà con nông dân; nhưng việc có quá nhiều HTX nông nghiệp ra đời trong một thời gian ngắn, trong đó có những xã có đến 3 HTX thành lập mới được hỗ trợ là điều cần xem xét đến hiệu quả hoạt động.

Không những vậy, việc có quá nhiều HTX ra đời khiến chính sách hỗ trợ tiếp tục rơi vào bị động.

Cung ứng phân bón cho nông dân ở xã Diễn Liên (Diễn Châu). Ảnh: Thanh Phúc

Tương tự, chính sách hỗ trợ máy nông nghiệp, mặc dù tỉnh chuyển sang hỗ trợ máy cấy là cần thiết nhưng nhiều huyện không hào hứng. Bà Bá Thị Dung - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho hay: Quyết định 15 ban hành sang năm thứ 2 nhưng huyện mới triển khai được duy nhất một trường hợp là xử lý hệ thống nước thải chăn nuôi ở Hưng Tiến. Trước đó, huyện đã tiếp cận chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cấy nhưng do đồng đất nhỏ hẹp, một số HTX làm mạ bằng khay nhưng việc lựa chọn giống lại tùy thuộc bà con nên không thể triển khai.

Chính sách hỗ trợ máy gặt đập đa chức năng, người dân hào hứng nhưng nhu cầu đã bão hòa và tỉnh không còn hỗ trợ. Nay chuyển sang máy cấy không phù hợp vì không có HTX làm mạ. Còn chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh quy định chỉ hỗ trợ 50 ngàn đồng/m2 nhà lưới và điều kiện hỗ trợ là mô hình phải trên 1.000 m2 là thấp so với mức đầu tư của người dân.

Ông Nguyễn Đình Thế - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn

Ngoài ra, để hỗ trợ nông nghiệp, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ và khắc phục, giảm nhẹ thiên tai theo Quyết định 48/2017/QĐ-UB. Mục đích của chính sách hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp nông dân khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả ngay sau thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc chi trả hỗ trợ thiệt hại, giảm nhẹ thiên tai quá chậm (thường sớm nhất sau 1 năm xảy ra). Đây là một thực tế đáng quan ngại khi việc hồ sơ kê khai thiệt hại do thiên tai, bão lụt từ cơ sở lên và quá trình thẩm định mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Cùng đó, việc cân đối ngân sách, nguồn dự phòng đột xuất của tỉnh còn khó khăn...
Mỗi chính sách của chính quyền các cấp khi triển khai vào thực tế luôn có những bất cập nhất định. Vấn đề cấp thiết là các sở ngành, địa phương cần có những đồng hành tích cực với nông dân và từ thực tế để nghiên cứu, tổng hợp đề xuất tỉnh điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp, hiệu quả. Điều đó, góp phần tích cực giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất và phát huy tốt nhất nguồn lực hỗ trợ quý giá của các cấp, ngành.

Nguyễn Hải

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-nhieu-chinh-sach-tiep-suc-cho-nha-nong-244894.html