Nghệ An nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh

Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh, bệnh tật ở Nghệ An đã và đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Nổi bật là những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; bệnh sốt xuất huyết, bệnh dại, sởi, sốt phát ban nghi sởi... Tuy nhiên, với sự đồng lòng, nỗ lực của toàn ngành nên thời gian qua không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn.

Thành công, song còn nhiều thách thức

Trong những năm qua, ngành y tế Nghệ An đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, bệnh tật. Cụ thể, phối hợp cùng các cấp, ngành ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; tổ chức tuyên truyền, mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư; kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh; kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người; thực hiện tốt công tác tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng... Nhờ đó, trên địa bàn toàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra, chỉ xảy ra một số vụ dịch nhỏ nhưng đã được bao vây, khống chế kịp thời. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch mắc cao qua các năm đã dần dần được khống chế như: hội chứng cúm, bệnh tiêu chảy, thủy đậu, quai bị, lỵ trực tràng, lỵ amip, viêm gan do virus.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 tại CDC.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 tại CDC.

Bên cạnh những thành công, công tác phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nổi bật lên là những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bệnh sốt xuất huyết, bệnh dại, sởi, sốt phát ban nghi sởi. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại; dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra tại huyện Diễn Châu với gần 400 ca mắc, không có trường hợp tử vong.

Ngoài ra, các bệnh không lây nhiễm (bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư và tâm thần) với số lượng người mắc gia tăng hàng năm.

TS.BS. Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết: Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, thách thức này rất nhiều. Đó là kinh phí phục vụ cho hoạt động giám sát, phòng chống dịch rất hạn hẹp. Cán bộ làm công tác phòng, chống dịch còn mỏng, yếu và hay thay đổi, đặc biệt là ở tuyến huyện. Hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Mạng lưới triển khai công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm chưa có đầu mối tổ chức thống nhất để điều phối quản lý bệnh, còn mang tính riêng lẻ trên từng mặt bệnh.

CDC tỉnh Nghệ An dự báo: Công tác phòng, chống dịch bệnh, bệnh tật giai đoạn tới (2021-2025) vẫn sẽ gặp không ít khó khăn. Các bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm gia cầm và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa vẫn luôn là bệnh dịch lưu hành tại địa phương trên phạm vi toàn tỉnh. Trong khi đó, các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Lãnh đạo Sở Y tế và CDC Nghệ An kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Giảm ca mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm

Trong thời gian tới, ngành y tế Nghệ An hướng tới mục tiêu giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật, góp phần phát triển thể chất, nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Thực hiện các mục tiêu này, Nghệ An cũng có những thuận lợi nhất định.

BSCKII. Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC) được hình thành từ sự hợp nhất của 6 trung tâm dự phòng tuyến tỉnh vào cuối năm 2019. Sự hợp nhất đã giúp cho CDC có đủ nguồn lực từ cơ sở vật chất, phương tiện và con người để phòng, chống dịch bệnh nói chung. Trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, CDC là đơn vị tham mưu chính cũng như đứng ra thực hiện nhiều giải pháp, phương án. Các y bác sĩ Trung tâm đã có nhiều đóng góp, hy sinh thầm lặng.

Nghệ An đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% bệnh, dịch mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu; giảm 5-10% số mắc, chết các bệnh truyền nhiễm phổ biến so với trung bình giai đoạn 2016-2020; trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, 90% trẻ em được bảo vệ UVSS và 85% phụ nữ có thai được tiêm phòng AT2; 100% các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm, có kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm; 90% trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã được đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu phòng, chống các bệnh không lây nhiễm theo quy định.

Ngành y tế Nghệ An cũng đã đề ra các giải pháp triển khai thực hiện để đạt được các mục tiêu. Về phát triển nguồn nhân lực, hàng năm, ngành y tế sẽ liên tục cử cán bộ đi đào tạo, tham dự các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn. Về kiểm soát bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, ngành y tế tăng cường phối hợp các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về các bệnh dịch nguy hiểm thường gặp tại địa phương để từ đó mỗi người dân hiểu biết, tự phòng bệnh cho mình. Xã hội hóa công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng, mở các đợt tuyên truyền, cung cấp tờ rơi, tranh, áp phích về các bệnh dịch.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, ngành y tế tổ chức mạng lưới giám sát dịch chủ động từ tuyến tỉnh đến cơ sở, tập trung cao vào các ổ dịch cũ, vùng trọng điểm dịch, giám sát dịch theo mùa nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc đầu tiên; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, thuốc, phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch; điều trị tại chỗ và xử lý triệt để ổ dịch để tránh lây lan thành dịch lớn; tổ chức tốt việc tiêm và uống các loại vắc-xin để phòng bệnh..., củng cố mạng lưới phòng, chống bệnh không lây nhiễm từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đến tuyến xã trong toàn tỉnh.

Khánh Tâm - Phúc Hằng - Thanh Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghe-an-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-phong-chong-dich-benh-n177676.html