Nghệ An: Khoác áo cho OCOP, 100% sản phẩm 3 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử

Hiện nay, Nghệ An có 249 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên cấp tỉnh, các sản phẩm đều có chất lượng tốt. Để các sản phẩm tìm được vị thế trên thị trường, cần khoác thêm 'áo mới' cho sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Đặc sản Cam Vinh của Nghệ An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2017.

Đặc sản Cam Vinh của Nghệ An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2017.

Xây dựng nhãn hiệu, nhãn mác cho sản phẩm OCOP

Theo ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, sau 3 năm thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (gọi tắt là OCOP), đến nay tỉnh Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp quốc gia 5 sao và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 3 của cả nước (sau Hà Nội và Quảng Ninh).

Nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An đã được biết đến như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn, gà đồi Thanh Chương, dược liệu Pù Mát, rượu Mú Từn, lạc Diễn Châu, tương Sa Nam; sản phẩm dệt thổ cẩm như khăn, chân váy, khăn trải bàn của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến; chè xanh Thanh Chương của HTX NN và chế biến chè Thanh Đức; nước mắm hạ thổ của Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu, hương trầm Liên Đức; cam bù Kim Nhan; trà lá sen của HTX Sen Quê Bác; tinh bột nghệ Hoàng Mai;…

Tính đến nay, Nghệ An có 249 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên cấp tỉnh, các sản phẩm đó đều có chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn chưa được đầu tư bao bì, nhãn mác nên rất khó để tìm được vị thế trên thị trường…

Nguyên nhân là do nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác. Bởi không chỉ tốn kém thêm kinh phí để in bao bì, tem, nhãn, mã vạch mà việc đóng gói, dán tem nhãn cũng tốn thời gian, nhân công. Trong khi đó, sản phẩm của họ vẫn chủ yếu là bán lẻ trên thị trường.

Trước thực tế này, để tiếp sức cho các chủ thể sản xuất OCOP đầu tư vào nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác, năm 2020, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025”. Chương trình này được thực hiện từ năm 2021.

Theo đó, hỗ trợ 50% chi phí thiết kế, mua bao bì thương phẩm, nhãn mác hàng hóa nhưng không quá 50 triệu đồng/sản phẩm và được hỗ trợ cho mỗi lần nâng hạng sao.

Đánh giá về vai trò của việc xây dựng nhãn hiệu, tem, mác, bao bì trong việc xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, nhất là việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, ông Hoàng Nghĩa Nhạc, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 31 đối tượng được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, trong đó, phần lớn là các sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm này có nhãn mác, bao bì đẹp, bước đầu tạo lòng tin cho người tiêu dùng, được thị trường chấp nhận. Nhờ đó, giá bán tăng từ 10-30%, lợi nhuận tăng và đã tìm được chỗ đứng tại các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn và xuất khẩu.

Mỗi sản phẩm OCOP cần được “định danh” bằng chính chất lượng, nhãn hiệu, bao bì, tem mác… là yếu tố cần và đủ nhằm tiến đến “số hóa”, mở rộng thị trường và khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP.

100% sản phẩm OCOP 3 sao trở lên được đưa lên sàn TMĐT

Gạo thảo dược Vĩnh Hòa, 1 trong những sản phẩm OCOP của Nghệ An được bán trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm OCOP, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch triển khai đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2022.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch trong năm 2022 là 100% hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) được truyền thông về chương trình; 100% dữ liệu thông tin hộ SXNN phục vụ giao dịch, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) được chuẩn hóa, số hóa; 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên được đưa lên các sàn TMĐT như Postmart.vn của VNPost, Voso.vn của ViettelPost.

Đồng thời, 100% hộ SXNN có sản phẩm đưa lên sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, các kỹ năng khác nhằm gia tăng kiến thức bán hàng, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số; đẩy mạnh số lượng người truy cập và hoạt động trên sàn TMĐT từ 15-20%.

Bên cạnh đó sẽ lựa chọn 3-40 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử, quy trình, môi trường nuôi trồng và các câu chuyện xoay quanh sản phẩm như văn hóa, lịch sử, tính năng sản phẩm... để tổ chức truyền thông lan tỏa.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/nghe-an-khoac-ao-cho-ocop-100-san-pham-3-sao-duoc-dua-len-san-thuong-mai-dien-tu-408641.html