Nghệ An khắc phục khó khăn sau sáp nhập các trung tâm Dân số - KHHGĐ vào trung tâm y tế huyện

Từ giữa tháng 8, tại 21 huyện, thành, thị sẽ tiến hành sáp nhập các trung tâm Dân số - KHHGĐ vào trung tâm y tế. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh về quá trình triển khai công tác sáp nhập và những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.

PV: Thưa ông, chúng ta đang tiến hành sáp nhập các trung tâm Dân số - KHHGĐ ở các huyện, thành thị. Việc sáp nhập này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm này?

Ông Nguyễn Bá Tân: Việc sáp nhập là nhằm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19 - NQ/TW và Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả công tác.

Bác sỹ Nguyễn Bá Tân tư vấn người dân về kiến thức chăm sóc SKSS. Ảnh: Mỹ Hà

Bác sỹ Nguyễn Bá Tân tư vấn người dân về kiến thức chăm sóc SKSS. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ra, tỉnh cũng có Kế hoạch số 111-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sáp nhập các cơ quan cấp huyện, trong đó có trung tâm dân số - KHHGĐ và trung tâm y tế. Việc sáp nhập thời điểm này là đúng với các chủ trương và sau khi sáp nhập chúng ta sẽ hợp lực được nhân lực giữa cán bộ y tế, cán bộ tuyên truyền và cơ sở vật chất y tế. Ngoài ra, mục tiêu của việc sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ và trung tâm y tế cấp huyện là đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ.

Trước đó, theo kế hoạch đã được xây dựng, sau khi sáp nhập sẽ giảm được 21 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các trung tâm y tế không có giường bệnh, trạm y tế xã, phường, thị trấn, giảm số lượng cấp phó, cơ cấu lại đội ngũ và xây dựng vị trí việc làm phù hợp. Hiện nay, các tỉnh trên toàn quốc cũng đã thực hiện việc sáp nhập này và ở Nghệ An, việc sáp nhập là kịp thời.

PV: Vậy đến thời điểm này, chúng ta đã tiến hành sáp nhập được những đơn vị nào và quá trình sáp nhập được thực hiện thế nào?

Ông Nguyễn Bá Tân: Việc sáp nhập là đúng theo các chủ trương và các văn bản hướng dẫn và từ ngày 15/8, hoạt động của các trung tâm dân số - KHHGĐ đã tạm dừng lại và bắt đầu hợp nhất từ ngày 16/8. Hiện 21 huyện, thành, thị cũng đã có quyết định sáp nhập và chúng tôi đang trong quá trình trao quyết định cho các đơn vị.

Sau khi sáp nhập, các cơ sở của Trung tâm Dân số - KHHGĐ sẽ được bàn giao lại cho các địa phương và các đơn vị chuyển sang làm việc tại Phòng Dân số của trung tâm y tế. Theo cơ cấu hiện nay, các đồng chí là giám đốc, quyền giám đốc sang làm trưởng phòng dân số, phó giám đốc sang làm phó trưởng phòng dân số. Còn nhiệm vụ vẫn thực hiện theo Thông tư 05 với những quy định cũ. Riêng đội ngũ viên chức dân số được chuyển về trạm y tế xã.

Đội ngũ CTV Dân số xã Hưng Đạo Hưng Nguyên hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp tránh thai và phòng tránh dịch Covid-19. Ảnh: PV

PV: Rõ ràng việc sáp nhập bước đầu bao giờ cũng kéo theo những xáo trộn và những khó khăn. Vậy ngành dân số đã “tiên lượng” như thế nào về hoạt động dân số trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Bá Tân: Các trung tâm Dân số - KHHGĐ cấp huyện đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008 và cho đến nay đã tròn 10 năm. Ngay tại thời điểm này, các hoạt động của Trung tâm Dân số - KHHGĐ tuyến huyện, đội ngũ viên chức dân số xã và đội ngũ cộng tác viên dân số thôn bản dưới sự chỉ đạo của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã hoạt động rất tốt và ngày càng nhuần nhuyễn.

Trong bối cảnh trên, việc sáp nhập chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống. Đặc biệt, khi hiện tại chúng ta chỉ triển khai sáp nhập một cách cơ học chứ chưa có các căn cứ pháp luật và các thông tư hướng dẫn từ Bộ Y tế, Bộ Nội vụ.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh

Cụ thể, hiện Bộ Y tế chưa ban hành thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của trung tâm Y tế đa chức năng tuyến huyện, do đó khi sáp nhập trung tâm Dân số -KHHGĐ vào, việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động sẽ gặp khó khăn.

Với đặc thù trên, sau sáp nhập, chúng ta cần phải có một thời gian dài để thích nghi. Còn trước mắt, trong 5 - 7 năm tới, công tác dân số đối mặt những khó khăn. Đó là, ở tuyến huyện đang lúng túng về hoạt động cũng như các quy định rõ ràng của các cấp có thẩm quyền. Viên chức dân số xã sau khi về trạm y tế có thể chưa hiểu chức năng, nhiệm vụ của dân số và việc phân công nhiệm vụ và hoạt động sẽ gặp khó khăn.

Giám đốc Sở Y tế trao quyết định sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp. Ảnh: PV

Ngoài ra, trong những năm qua, đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản, xóm ở các xã phường hoạt động rất tốt. Đây cũng là đội ngũ “đi từng ngõ, gõ từng nhà rà từng đối tượng”, là “cầu nối” giữa người dân và chính sách dân số. Nếu không có đội ngũ này thì các chủ trương chính sách về công tác dân số không đến được với người dân và không nhận được các thông tin phản hồi của người dân đến bộ máy nhà nước cũng bị cắt đứt và chúng ta không có số liệu chính xác.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, vị trí cộng tác viên dân số bị cắt giảm, nhân viên y tế thôn bản sẽ kiêm nhiệm thêm công tác dân số trong khi đội ngũ này hầu hết là nam giới, lớn tuổi lại chưa từng tiếp cận với công tác dân số, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng và chưa hiểu về công việc mình kiêm nhiệm. Ngoài ra đội ngũ này hiện nay dù cùng lúc làm hai việc nhưng phụ cấp không tăng (chỉ được mức 0,3 của y tế thôn bản) nên khó gắn bó lâu dài.

PV: Trong bối cảnh trên, vậy ngành dân số có những đề nghị và giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn?

Ông Nguyễn Bá Tân: Như tôi đã nói, trong điều kiện hiện nay, để duy trì hoạt động của công tác dân số rất khó khăn bởi bộ máy dân số từ tuyến huyện xuống tuyến xã và đội ngũ cộng tác viên dân số đều có sự biến động.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác dân số, chúng tôi đang từng bước họp bàn và tham mưu cho Sở Y tế nhằm sớm có kế hoạch chi tiết, có một nguồn ngân sách để duy trì hoạt động cho công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở. Song song với đó, chúng tôi mong muốn sớm ban hành quy chế phối hợp giữa Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện để có sự ràng buộc trên xuống và dưới lên.

Tư vấn về chính sách dân số cho người cao tuổi ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Đây cũng là văn bản đã được nhiều tỉnh, thành thực hiện. Về phía ngành, thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tăng cường xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư, tình cảm của đội ngũ làm công tác dân số sau khi sáp nhập và lắng nghe những ý kiến góp ý. Trước mắt, hoạt động dân số vẫn triển khai đầy đủ từ công tác tuyên truyền, đào tạo, thống kê... và cố gắng dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ không bị gián đoạn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việc sáp nhập các trung tâm Dân số - KHHGĐ không chỉ trong ngày một, ngày hai mà đã có sự chuẩn bị khoảng 2 năm nay. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã làm công tác tư tưởng, động viên và đến thời điểm này đội ngũ làm công tác dân số tỉnh nhà cũng đã sẵn sàng bước vào giai đoạn mới. Qua Báo Nghệ An chúng tôi cũng mong lực lượng dân số tỉnh nhà hãy vững vàng đi theo đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và sự điều hành của Sở Y tế và các ban, ngành cấp tỉnh, đoàn kết vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp trên đã giao.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-khac-phuc-kho-khan-sau-sap-nhap-cac-trung-tam-dan-so-khhgd-vao-trung-tam-y-te-huyen-273014.html