Nghệ An: Hiệu quả từ đề án phát triển, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Việc phát triển nuôi tôm ứng dụng khoa học công nghệ cao trong những năm qua tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã mang lại hiệu quả cao, nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân nơi đây, hạn chế nguy cơ về dịch bệnh.

Nuôi tôm ứng dụng Khoa học công nghệ

Chúng tôi tìm về xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đúng thời điểm người dân đang tất bật chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới. Đi đến đâu cũng nghe mọi người hào hứng nói về việc đầu tư nuôi tôm công nghệ, công nghệ cao.

Mùa vụ vừa rồi, sau khi thu đến 19 tấn tôm trên diện tích 1,4ha, trừ chi phí thu về hơn 2 tỷ đồng, hiện gia đình anh Nguyễn Viết Bình (trú xã Diễn Trung) đang tất bật để ươm nuôi 60 vạn con giống trong nhà kín để kịp bung ra ao trong một vài ngày tới.

Mô hình nuôi tôm tại hộ gia đình anh Nguyễn Viết Bình ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Mô hình nuôi tôm tại hộ gia đình anh Nguyễn Viết Bình ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Anh Bình cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống đã hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, với mô hình này, càng về sau càng gặp khó khăn do nhiều yếu tố, nhất là tình hình dịch bệnh bùng phát dữ dội. Sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi, năm 2016, tôi quyết định cải tạo lại khu nuôi, xây dựng nhà kín với đầy đủ trang thiết bị áp dụng nuôi tôm qua 2 giai đoạn.

“Tôi áp dụng công nghệ sinh học nuôi tôm 2 công đoạn, công đoạn thứ nhất là ươm dèo, khi tôm được 25 ngày tuổi cứng cấp là xả ra môi trường ao nuôi. Khi con tôm khỏe mạnh thì kháng được các loại bệnh gan tụy, phân trắng, con tôm khỏe mạnh lớn nhanh hơn. Công nghệ này thì giảm chi phí được 30%, vừa lợi nhuận hơn vừa an toàn dịch bệnh”, anh Bình chia sẻ.

Đề án “Ứng dụng Khoa học công nghệ (KHCN) cao, đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản” được triển khai như luồng gió mới, làm nên cuộc sống đổi thay cho người nuôi tôm ở xã Diễn Trung nói riêng và huyện ven biển Diễn Châu nói chung.

Không còn cách nuôi truyền thống phó mặc cho thời tiết mà gần 100 hộ nuôi tôm đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, ứng dụng công nghệ cao ươm tôm trong nhà kín. Khi tôm giống mới đưa về được nuôi 25 ngày trong nhà kín cứng cáp với đầy đủ dưỡng chất mới bung ra ao nên tôm không bị dịch bệnh, nên rút ngắn được thời gian nuôi tới 1 tháng, tiết kiệm khoảng 40 triệu đồng/ha tiền thức ăn, tiền điện. Với cách làm này, đã giúp bà con nuôi ăn chắc 3 vụ tôm/năm.

Tại gia đình anh Nguyễn Cường (trú ở xóm 6, xã Diễn Trung) cùng với việc xây dựng 2 nhà kín với diện tích 1000m² đảm bảo nguồn giống khỏe mạnh cho diện tích 5 ha ao, anh còn áp dụng công nghệ nuôi an toàn sinh học, tạo ra các loại tảo có lợi trong nước vừa làm thức ăn, vừa che mát và tạo ô xi cho tôm. Nguồn nước không bị ô nhiễm nên tôm không phải dùng các loại kháng sinh. Không chỉ ươm tôm giống trong nhà kín mà tới đây anh sẽ đầu tư hàng chục tỷ đồng phủ kín che nắng mưa cho toàn bộ 5 ha, nhằm đảm bảo 3 mục tiêu tôm tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và tăng số vụ nuôi.

“Nhà ươm có rồi, ươm xong xả ra hồ thì hồ mình cũng làm nhà luôn. Mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Làm nhà hồ thì phải đầu tư 3-4 tỷ/ha”, anh Cường cho biết thêm.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã mang lại kết quả khả quan

Để mở thêm hướng mới cho nông dân giai đoạn 2019 – 2020, UBND huyện Diễn Châu đã hỗ trợ 300 triệu đồng cùng với nguồn quỹ hỗ trợ nông dân trên 400 triệu, tạo quỹ đất giúp anh Nguyễn Viết Thắng (trú ở xã Diễn Trung) mạnh dạn ứng dụng nuôi tôm trên bể nổi. Các ao nuôi là những bể hình tròn, được làm nổi phía trên mặt đất.

Anh Thắng cho biết: Sau nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi tôm, tôi nhận ra rằng với những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay như nuôi tôm trong ao đất, nuôi tôm trong ao đất trải bạt..., người nuôi tôm gặp khó khăn trong việc quản lý diễn biến môi trường trong ao. Áp dụng cách này giảm đáng kể quy mô diện tích, dễ kiểm soát dịch bệnh, ngược lại tăng vượt trội mật độ thả nuôi. Nuôi thông thường chỉ loanh quanh 100 – 150 con giống/m², giờ đây có thể đạt mức 500 con/m². Diện tích nhỏ gọn nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn rất nhiều, đó mới là sự khác biệt lớn nhất.

Mô hình đã thành công ngoài mong đợi khi sản lượng tôm từ 10 tấn/ha, nay tăng lên 60 tấn/ha. Thành quả này đang mở ra cơ hội phát triển công nghệ nuôi tôm mới cho người nuôi tôm ở Diễn Châu.

Việc nuôi tôm ứng dụng khoa học công nghệ đã mang lại năng suất cao cho người nuôi tôm ở Diễn Châu.

Nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Ông Đậu Ngọc Hòa – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Diễn Trung cho biết: Tại các hộ nuôi áp dụng theo công nghệ cao chưa xảy ra dịch bệnh. Mỗi năm bà con có thể nuôi 3 vụ ăn chắc. HTX và tổ chăn nuôi thì chuẩn bị mọi vật tư, tạo điều kiện kể cả con giống đề các hộ này phát triển. Chúng tôi tập huấn và tạo điều kiện cho tất cả các hộ còn lại tham quan mô hình và tạo điều kiện về mặt quy trình kỹ thuật, tiếp tục nhân rộng để đạt hiệu quả cao hơn.

Ô nhiễm môi trường, thời tiết khắc nghiệt khiến cho nghề nuôi tôm ở Diễn Châu ngày càng gặp khó khăn do dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Khắc phục khó khăn đó, nhiều hộ nuôi đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đầu tư vốn liếng cho nuôi tôm công nghệ cao. Trong số diện tích hơn 110 ha nuôi ở Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Kim, Diễn Vạn, đã có 30 ha đã được áp dụng công nghệ nuôi mới như ươm giống nhà kín, áp dụng công nghệ sinh học, nuôi tôm trong bể nổi. Đây là cơ sở vững chắc để Diễn Châu nhân rộng mô hình và mở rộng diện tích nuôi tôm vùng bãi ngang.

“Đề án Ứng dụng Khoa học công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản đã được triển khai trên địa bàn được 4 năm. So với nuôi thường, nuôi tôm áp dụng khoa học công nghệ cao đạt năng suất gấp 10 lần, sản lượng hằng năm đạt khoảng 1.500 tấn. Nhiều địa phương đã áp dụng rất tốt, mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích bà cao mở rộng, tạo những vùng nuôi lớn để nâng cao năng suất”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Diễn Châu ông Lê Thế Hiếu cho hay.

Dự kiện đến cuối năm 2020, diện tích ao nuôi của huyện Diễn Châu sẽ tăng lên trên 150 ha.

Trao đổi với PV, ông Phan Xuân Vinh – Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, UBND huyện đã có kế hoạch giao cho phòng Kinh tế hạ tầng, phòng NN&PTNT phối hợp với nhau quy hoạch vùng sản xuất và nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn, đặc biệt là áp dụng quy trình nuôi tôm công nghệ cao, mang lại hiệu quả, đảm bảo an toàn. Ngoài chính sách của tỉnh hỗ trợ cho nuôi tôm công nghệ cao thì huyện đang khuyến khích hỗ trợ một cách tối đa, đảm bảo đầu tư ban đầu, cơ sở vật chất cho nuôi tôm công nghệ cao.

Dự kiện đến cuối năm 2020, diện tích ao nuôi của huyện Diễn Châu sẽ tăng lên trên 150 ha. Với những triển vọng nuôi tôm công nghệ mới không chỉ tăng giá trị mà còn tạo ra tôm thương phẩm sạch, đáp ứng được điều kiện thị trường trong nước và xuất khẩu, qua đó để nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ngày càng phát triển bền vững

Bảo Trâm

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/san-pham-tieu-bieu/nghe-an-hieu-qua-tu-de-an-phat-trien-nuoi-tom-ung-dung-cong-nghe-cao-257271.html