Nghệ An: Hậu xúc tiến đầu tư những việc cần làm ngay

Nhiều năm nay, Nghệ An rất chú trọng các hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra vào đầu năm âm lịch hàng năm. Thế nhưng sau hội nghị, khi các cam kết và thỏa thuận đầu tư được ký kết, nhìn lại không mấy dự án đầu tư có hiệu quả.

Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Nghệ An có tổng diện tích 750 hecta, nhưng ít nhà đầu tư vào hoạt động.

Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Nghệ An có tổng diện tích 750 hecta, nhưng ít nhà đầu tư vào hoạt động.

Cần thực hiện kịp thời cam kết với nhà đầu tư.

Sau một thời gian dài, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư lớn, chúng tôi đều nhận được sự phàn nàn của các nhà đầu tư về thủ tục hành chính quá lằng nhằng, kéo quá dài. Những tiến độ thực hiện cam kết của tỉnh quá chậm trễ, vướng mắc quá nhiều khiến doanh nghiệp khó hoạt động hiệu quả…

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, thế nhưng doanh nghiệp lớn đầu tư tại Nghệ An có hiệu quả cũng chỉ đếm đầu ngón tay như tập đoàn TH truemilk, Vinamilk, nhà máy bia Hà Nội-Nghệ An, nhà máy bia Sài Gòn-Sông Lam, nhà máy bia Sài Gòn-Nghệ Tĩnh.

Để lí giải cho vấn đề này, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu vài doanh nghiệp và vài vấn đề Nghệ An cần làm ngay sau hội nghị xúc tiến đầu tư.

Ngày 3/3/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Lê Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinaceglass đã ký thỏa thuận đầu tư với UBND tỉnh Nghệ An sẽ đầu tư ba dự án với tổng số vốn lên đến 1 300 tỉ, trong đó có tổ hợp các công trình dịch vụ vận tải gồm có Bến xe Miền Trung (phía Nam thành phố Vinh), với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển của TP. Vinh đô thị loại I, đưa các hoạt động về dịch vụ vận tải, bến bãi ra ngoài thành phố, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong nội thành, giảm thiểu tai nạn giao thông, cũng như góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020.

Khi doanh nghiệp về đầu tư thì tỉnh Nghệ An cũng cam kết là triển khai xây dựng bến xe phía Bắc thành phố Vinh và sẽ chuyển bến xe trung tâm thành phố ra bến xe phía Bắc hoạt động trước ngày 30/4/2014. Thế nhưng đến tháng 4/2018, bến xe phía trung tâm mới chuyển ra hoạt động tại bến xe phía Bắc thành phố Vinh. Vì thế bến xe Miền Trung được đầu tư hơn 100 tỉ đồng đi vào hoạt động thì “vắng như chùa bà đanh”, các nhân viên ngồi chơi xơi nước.

Nguyên nhân là người dân quen đi vào bến xe trung tâm thành phố và đi vào bến xe trung tâm gần hơn rất nhiều.

Việc chậm tiến độ 6 tháng hoặc một năm đã khiến doanh nghiệp điêu đứng, thế mà bến xe phía Bắc thành phố Vinh, chậm tiến độ đến 4 năm.

Cũng như Vinaceglass Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, cũng được thu hút đầu tư về xây dựng hai cầu cảng số 5 và số 6 tại Cảng Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An cũng cam kết việc mở con đường riêng vào bến Cảng số 5, số 6 nối với Quốc lộ 46C cho nhà đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.

Phải xây dựng Cảng Cửa lò chuyên nghiệp

Hiện nay đã xây xong cầu cảng số 5, sắp tới sẽ xây dựng tiếp cầu cảng số 6, Cảng Cửa Lò đón được tàu hàng trọng tải lên tới 30.000 tấn sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vận chuyển, không phải ra Hải Phòng hay vào Đà Nẵng như trước đây.

Thế nhưng sau khi xây dựng xong cầu cảng số 5 thì không có đường để đi vào, sẽ phải đi nhờ đường qua cầu số 1,2,3,4 của Cảng Nghệ Tĩnh. Cực chẳng đã, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, phải cho Cảng Nghệ Tĩnh thuê với giá 15 tỉ đồng/năm(Bằng một nửa lãi suất ngân hàng mà họ phải trả hằng năm)

Tàu cá neo lôn tàu hàng hết sức lộn xộn tại Cảng Cửa Lò.

Điều đáng nói hơn, Dự án cầu cảng số 5, số 6 Cảng Cửa Lò với tổng mức đầu tư 1.180 tỷ đồng được khởi công ngày 3/4/2015, có tổng diện tích 23,4ha; là dự án được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BOT. Cầu cảng dài 450m, rộng 40m có khả năng tiếp nhận cùng một lúc 2 tàu có trọng tải 3 vạn tấn cập cảng. Bên cạnh đó là khu vực Hậu cần của bến có bãi hàng hóa 9,5ha, bãi container rộng 1,1ha, kho CFS diện tích 3ha… Sau khi hoàn thành, công trình bến số 5 và 6 đưa vào sử dụng sẽ có khả năng bốc xếp hàng container với các tính năng kỹ thuật như: Sức nâng dưới móc 50 tấn, tầm với tối đa 36m, chiều cao nâng tối đa 30m, tốc độ nâng/hạ tải 40 tấn là 50m/phút.

Việc đầu tư xây dựng cảng Cửa Lò sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư vào khu kinh tế Đông Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, thực hiện thành công Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Nghệ An đến năm 2020. Việc triển khai xây dựng bến số 5, 6 cũng đồng thời thực hiện Quyết định 70 ngày 19/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Cảng Cửa Lò thành Cảng đầu mối quốc gia loại I có vai trò phục vụ chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cả nước và liên vùng.

Tầm quan trọng là vậy, nhưng nhiều năm nay tỉnh Nghệ An vẫn không thể làm dứt khoát một bến neo đậu tàu thuyền cho ngư dân, khiến cho tàu cá neo lộn với tàu hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã không ít lần tàu hàng nước ngoài và tàu hàng nội địa khi cập cảng đã va chạm với tàu cá của ngư dân và xảy ra xung đột. Nhiều lần tàu hàng đã phải bồi thường tiền cho tàu cá vì va chạm gây thiệt hại. Ngoài chuyện mất mỹ quan, tàu cá đậu vào gây cản trở, mật an toàn hàng hải và điều quan trọng nhất là thiếu chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Cảng Cửa Lò, cho biết: “Từ lâu lúc nào cũng có trên 40 tàu đánh bắt xa bờ neo đậu. Từ 4-5 giờ sáng là tàu về, cho đến 16-17 giờ tàu lại đi, phức tạp lắm”.

Vì thiếu chuyện nghiệp thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không dám đầu tư làm ăn. Chính điều này đã khiến cho Vsip Nghệ An ngày càng cô đơn.

Ngoài ra, nội dung cam kết từ phía UBND tỉnh Nghệ An về việc mở con đường riêng vào bến Cảng số 5, số 6 Cảng Cửa Lò cho nhà đầu tư đến nay vẫn chưa được triển khai.

Đại diện chủ đầu tư ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Cửa Lò cho rằng, nếu lộ trình đưa vào khai thác, sử dụng bến Cảng số 5, số 6 mà chưa có tuyến đường riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi xe chở container chạy qua các dự án và trụ sở của các doanh nghiệp khác rất phức tạp. Thậm chí có những đoạn đường không thể chạy qua.

Chính vì thế việc cân làm bây giờ của Nghệ An không phải là tập trung thu hút nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư mà là xây dựng Cảng Cửa Lò, trở thành một bến cảng chuyên nghiệp, thuận lợi, an toàn. Khi đó cảng Cửa Lò mới sầm uất, mới mong doanh nghiệp vào đầu tư làm ăn, mới mong Vsip hết cô đơn, con em Nghệ An không phải đợi hàng km người để đón xe vào nam ra bắc mưu sinh.

HOÀNG TÙNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nghe-an-can-thuc-hiep-kip-thoi-cam-ket-voi-nha-dau-tu-d91261.html