Nghệ An: Hàng loạt cam rụng vì nhiễm bệnh

Thời điểm thu hoạch cam đang cận kề, hàng ngàn người dân trồng cam tại thủ phủ cam huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) lại xót xa nhìn cam rụng hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Cam rụng hàng loạt tại thủ phủ cam Nghệ An

Đến vườn cam của anh Lê Văn Hưu tại xóm Minh Xá, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) những gốc cam trĩu quả đang đến vụ thu hoạch rụng quả hàng loạt khiến anh đứng ngồi không yên. Vườn cam anh Lê Văn Hưu, xóm Minh Xá, xã Minh Hợp có 1 ha cam giống xã Đoài lòng vàng và giống Vân Du xảy ra hiện tượng rụng quả tấp thành từng đống, thối rữa dưới gốc. Với chi phí đầu tư trên 100 triệu động, việc cam rụng hàng loạt vào thời điểm mùa thu hoạch cận kề khiến anh Hưu thiệt hại lớn về kinh tế. Trên diện tích cam bị bệnh, anh Hưu đã tiến hành thu gom quả rụng để đảm bảo vệ sinh, tránh ruồi, muỗi.
Anh Lê Văn Hưu cho biết: Không biết do giống hay do thuốc nhưng các cây cam bị bệnh ngà càng nặng và rụng nhiều. Tỷ lệ rụng khoảng 70-80%, ban đầu ước tính khoảng được 400-500 triệu nhưng giờ bị thua lỗ nặng trong mùa vụ. Nguyện vọng lớn nhất của người trồng cam chúng tôi hiện nay là các cơ quan chức năng cần sớm tìm ra nguyện nhân để xử lý triệt để mầm bệnh, bên cạnh đó có các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn lãi suất thấp để người trồng cam tiếp tục đầu tư chăm sóc cam vụ sau.

Cam rụng hàng loạt tấp thành đống tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An)

Cũng như anh Hưu, hiện tượng rụng quả hàng loạt này xuất hiện tại hộ chị Nguyễn Thị Loan, xã Minh Hợp ở mùa vụ này, các cây cam rụng quả lá chuyển màu vàng, quả có chấm đen. Trên diện tích 3 ha trồng cam, gia đình chị Loan đã đầu từ gần 300 triệu gồm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chưa kể công chăm sóc. Tuy nhiên, với số gốc cam bị bệnh và rụng quả khoảng 50% diện tích xem như mùa cam này gia đình chị không còn lợi nhuận.
Cam huyện Quỳ Hợp hay còn gọi là “Cam Vinh” gồm nhiều giống khác nhau như: Cam xã Đoài lòng vàng, cam xã Đoài thường, cam Vân Du, cam Valen… Cam Vinh là thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng từ nhiều năm nay bởi vị ngọt, thơm, mát và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Giá bán cam vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán là 50.000 – 70.000 đồng/kg. Minh Hợp là một trong những địa phương trồng cam lớn nhất của huyện Quỳ Hợp có diện tích 1.700ha với gần 2.000 hộ trồng, nếu được mùa, bình quân 1ha cam có doanh thu đạt từ 300 đến hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc cam bị bệnh và rụng quả hàng loạt vào thời điểm hiện nay khiến nhiều hộ trồng đang lâm vào tình trạng mất trắng.
Nói về vấn đề này, ông Quán Vi Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết có 5 nguyên nhân chính khiến cam nhiễm bệnh. Một là cam quá tuổi nhưng hộ trồng không chịu phá bỏ mà muốn tận dụng. Thứ hai là do người trồng đã lạm dụng quá nhiều phân vô cơ. Một số hộ vẫn lén lút sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc kích thích. Thời tiết mưa nhiều vài năm nay cũng khiến vùng trồng cam bị ngập úng. Ngoài ra một số vùng thổ nhưỡng không hợp cây cam nhưng người dân vẫn cố trồng. Những nguyên nhân trên dẫn đến một số bệnh phổ biến như nấm, vàng lá gân xanh, vi khuẩn. Ngay sau khi xuất hiện tình trạng cam rụng hàng loạt, Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp phối hợp với Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An trực tiếp xuống các địa phương xác định nguyên nhân. Nguyên nhân bước đầu được xác định bởi thời tiết diễn biến bất thường, các cây cam rụng quả do bị ngâm nước dài ngày trước đó, gây long rễ.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết: Hiện nhiều địa phương có diện tích trồng cam lớn rơi vào tình trạng cam rụng sát thời điểm thu hoạch; trong đó, thiệt hại nặng nhất là các xã Minh Hợp, Văn Lợi. Chính quyền đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người trồng cam mạnh dạn phá bỏ cây bị bệnh để xử lý triệt để mầm bệnh và trồng lại cây khác. Để có vườn cam năng suất cao, người trồng nên sử dụng giống cam sạch bệnh. Bên cạnh đó người trồng cam tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, xử lý mầm bệnh trên cây cam để hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, cần tránh tình trạng trồng cam ồ ạt, không tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, xử lý sâu bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Phạm Ngân

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-te/artmid/462/articleid/12321/nghe-an-hang-loat-cam-rung-vi-nhiem-benh