Nghệ An, Hà Tĩnh: Bùng phát rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa

Nhiệt độ cao kéo dài, các trà lúa Hè Thu sớm (vùng chạy lũ) trên chân ruộng có ẩm độ đã xuất hiện dịch rầy nâu, rầy lưng trắng tại Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trên trà lúa Hè Thu sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ và trà chính vụ đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh, rầy nâu và rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) với tổng diện tích nhiễm hơn 140 ha, tại các xã Minh Châu, Diễn Cát, Diễn Nguyên… Mật độ phổ biến từ 200-500 con/m2, nơi cao 750-1000 con/m2, cục bộ 1500-3000 con/m2. Hiện tại rầy chủ yếu tuổi 1, tuổi 2, trên cây lúa vẫn còn nhiều ổ trứng chưa nở.

 Cán bộ Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Tĩnh điều tra rầy phát sinh tại Cẩm Xuyên.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Tĩnh điều tra rầy phát sinh tại Cẩm Xuyên.

Tại Hà Tĩnh, rầy nâu và rầy lưng trắng cũng đã phát sinh tại huyện Cẩm Xuyên, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã tiến hành điều tra, thu mẫu để kiểm tra virus lùn sọc đen và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ.

Dự báo trong thời gian tới rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ gia tăng mật độ và phạm vi gây hại. Trên các diện tích có mật độ cao sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Đặc biệt là nguy cơ có thể xuất hiện và lan truyền bệnh lùn sọc đen do rầy lưng trắng nếu không tiến hành các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Phú, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt & BVTV Diễn Châu cho biết: “Trước tình hình rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh và gây hại trên lúa Hè Thu 2020, Trạm đã phối hợp với chính quyền các xã tiến hành điều tra, theo dõi, thông báo và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục theo dõi diễn biến dịch rầy và nguy cơ có thể phát sinh virus lùn sọc đen, để có các biện pháp ứng phó hiệu quả”.

Do đặc thù các vùng trũng nông dân thường phải gieo mạ trước lúc gặt, cấy sớm ngay sau khi thu hoạch lúa xong để kịp chạy lũ ngập vào mùa mưa cuối vụ Hè Thu, đây là điều kiện thuận lợi để rầy chuyển tiếp vụ và phát sinh gây hại.

Mật độ rầy lưng trắng một điểm cục bộ tại huyện Diễn Châu.

Bà Nguyễn Thị Tình, Ban Nông nghiệp xã Diễn Nguyên chia sẻ: “Hiện tại cây lúa xã Diễn Nguyên đang trong thời kỳ đẻ nhánh, mật độ rầy trung bình 700-1000 con/m2 chủ yếu đang giai đoạn rầy cám (tuổi nhỏ). Chúng tôi đang phối hợp với cán bộ phụ trách của Trạm Trồng trọt & BVTV huyện điều tra, theo dõi diễn biến phát sinh gây hại, hướng dẫn phòng trừ các điểm cục bộ có mật độ cao”.

Biện pháp phòng trừ: Chỉ áp dụng biện pháp hóa học BVTV trên các ruộng nhiễm rầy có mật độ trên 1.000 con/m2. Hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp BVTV đối với cây lúa dưới 45 ngày tuổi. Nếu vùng nào phát hiện virus lùn sọc đen thì mới áp dụng biện pháp khoanh vùng dập dịch ngăn chặn môi giới truyền bệnh.

Nên sử dụng các thuốc trừ rầy có tính chọn lọc cao như các thuốc thuộc nhóm Neonicotinoids: Thiamethoxam (Actara 25WG,…), Imidaclomiprid (Sutin 50 SC, Brimgold 200 WP,…), Dinotefuran (Cyo super 200 WP,…), Nitenpyram (StartCheck 755 WP,…) để phòng trừ rầy và giảm gây hại đến thiên địch.

Trong giai đoạn hiện nay cây lúa đang thời kỳ đẻ nhánh nên sử dụng các thuốc như Actara 25 WG để đạt hiệu quả cao, vì hiện nay lúa chưa khép tán nên một số lượng thuốc rơi xuống mặt ruộng khi phun, cây lúa có thể hút trở lại qua rễ. Pha 3-4 gram thuốc cho bình 16-20 lít, phun ướt đều trên lá.

Minh Sơn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nghe-an-ha-tinh-bung-phat-ray-nau-ray-lung-trang-hai-lua-d266317.html