Nghệ An giảm 20 đơn vị hành chính sau sáp nhập

Liên quan đến công tác cán bộ, dự kiến sau sáp nhập, bố trí sẽ dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức và 306 người hoạt động không chuyên trách.

Tỉnh Nghệ An có 36 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập thành 16 đơn vị, giảm 20 đơn vị thuộc 9 huyện, thị. Để triển khai việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 491 ngày 13/8/2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, việc sáp nhập sẽ hoàn thành trong năm nay.

Liên quan đến công tác cán bộ, dự kiến sau sáp nhập, bố trí sẽ dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức và 306 người hoạt động không chuyên trách. Phương án giải quyết cán bộ dôi dư sẽ theo hướng, đối với các cán bộ đã đủ điều kiện nghỉ hưu, sẽ tạo điều kiện cho nghỉ theo đúng chính sách; những trường hợp đủ điều kiện chuyển vị trí việc làm thì tiến hành sắp xếp, bố trí phù hợp. Các huyện và đơn vị hành chính cấp xã tiến hành rà soát phân loại, dựa trên các tiêu chí cụ thể, khách quan để lựa chọn người chủ trì.

Đối với cán bộ cấp phó, sẽ bố trí chức danh phù hợp với trình độ, khả năng, tính chất chuyên môn; nếu đủ điều kiện luân chuyển sẽ tiến hành luân chuyển trong địa bàn. Theo đó, trước mắt sẽ không tạo nhiều biến động mà căn cứ theo lộ trình 5 năm để giải quyết phù hợp. Ông Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, mọi phương án đã được tính toán chu đáo.

Ông Lê Quốc Khánh cho biết: "Đối với những đồng chí cán bộ chủ chốt như: Chủ tịch, Bí thư, Phó Chủ tịch, Phó Bí thư… trước mắt phải cho cộng thêm số lượng tăng thêm cấp phó bố trí. Gay nhất là trưởng các đoàn thể vì họ là cán bộ chuyên trách được hưởng lương và đóng bảo hiểm, giờ bố trí sang cấp phó thì thành cán bộ không chuyên trách, không hưởng lương."

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất việc yêu cầu các địa phương tạm dừng việc tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã để điều tiết trong quá trình sắp xếp, sáp nhập. Việc điều tiết không chỉ ở trong một huyện mà giữa các huyện với nhau và có gắn với phương án sáp nhập trong giai đoạn tiếp theo.

Về việc sử dụng cơ sở vật chất, căn cứ vào tình hình thực tế, thực hiện việc lấy ý kiến người dân để lựa chọn trụ sở chính của đơn vị hành chính cấp xã tại 1 trong những đơn vị thuộc diện sáp nhập. Các trụ sở, công trình vật chất còn lại, tiến hành xin chủ trương của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho bán đấu giá các tài sản hiện hữu, các công trình trụ sở của các xã không sử dụng./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nghe-an-giam-20-don-vi-hanh-chinh-sau-sap-nhap-980071.vov