Nghệ An: Giải trình tiến độ cấp 'bìa đất' với Thường trực HĐND tỉnh

Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về công tác cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được tổ chức chiều 25/9.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh điều hành phiên giải trình. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh điều hành phiên giải trình. Ảnh: Mai Hoa

Tham dự phiên giải trình có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Hồ Phúc Hợp – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban VHXH – HĐND tỉnh; Phan Đức Đồng – Trưởng Ban Nội Chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh – Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân Sách HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Tỷ lệ cấp, cấp đổi GCNQSD đất đạt yêu cầu Quốc hội, Chính phủ

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại phiên giải trình, nhìn tổng thể, đến nay tỷ lệ cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) các loại đất trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đạt yêu cầu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Cụ thể, tỷ lệ cấp GCNQSD đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất sản xuất nông nghiệp đạt 88,38% so với tổng diện tích cần cấp; đất lâm nghiệp đạt 77,4%; đất ở nông thôn đạt 92,55% và đất ở đô thị đạt 94,82%.

Tỷ lệ cấp đổi GCNQSD đất sản xuất nông nghiệp đạt 44,58% so với tổng diện tích cần phải cấp đổi; đất ở nông thôn đạt 67,95% và đất ở đô thị đạt 79,77%.

Riêng đối với việc cấp GCNQSD các loại đất cho các tổ chức, đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, cấp GCNQSD đất sản xuất nông nghiệp đạt 83,26%; đất lâm nghiệp đạt 97,43%; đất nuôi trồng thủy sản, làm muối đạt 85%; đất ở nông thôn (các dự án bất động sản) đạt 85,5% và đất ở đô thị (các dự án bất động sản) đạt 99,68%...

Giám đốc Sở TN&MT Võ Duy Việt khẳng định, tỷ lệ cấp, cấp đổi GCNQSD đất trên địa bàn tỉnh đạt yêu cầu Quốc hội, Chính phủ. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, Giám đốc Sở TN&MT cũng thừa nhận một số tồn tại, bức xúc đang đặt ra trong công tác này. Trong đó, tồn tại lớn nhất hiện nay là tỷ lệ cấp GCNQSD đất ở lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân tại một số huyện miền núi cao và cấp đổi đất ở tại một số huyện; cấp đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất trang trại; cấp đổi GCNQSD đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa đạt thấp.

Theo Luật Đất đai 2013, thẩm quyền cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện; do vậy trách nhiệm chính đối với các tồn tại này là của UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Xóm chài xã Nam Tân (Nam Đàn) có hơn chục hộ, đã được chính quyền cấp đất, ổn định cuộc sống từ năm 2010 nhưng vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới trên dòng sông Lam. Ảnh tư liệu.

Còn Sở TN&MT có một phần trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương chưa thường xuyên và chưa có các giải pháp chỉ đạo các đơn vị tư vấn phối hợp với các địa phương thực hiện đo đạc bản đồ địa chính gắn với cấp và cấp đổi GCNQDS đất sau đo đạc.

Đình chỉnh một số đơn vị tư vấn thực hiện chưa hiệu quả

Bước vào phiên chất vấn, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đặng Quang Hồng cho rằng, qua nắm bắt thực tiễn cho thấy, một trong nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp GCNQSD đất tại một số địa phương là do đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ địa chính yếu kém, một số đơn vị bố trí cán bộ năng lực, kinh nghiệm hạn chế và việc phối hợp với chính quyền các địa phương chưa tốt.

Bên cạnh đó, theo quy định, kinh phí dành cho công tác đo đạc bản đồ địa chính và cấp GCNQSD đất phải đảm bảo 10% tổng dự toán tiền cấp quyền sử dụng đất, cho thuê đất; tuy nhiên, qua giám sát của HĐND tỉnh, tỷ lệ này mới chỉ đảm bảo 2,51% và hiện tại tỉnh đang nợ các đơn vị tư vấn. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ.

Người đứng đầu Sở TN&MT thừa nhận ý kiến ông Đặng Quang Hồng nêu là hoàn toàn chính xác và thời gian qua, Sở đã đình chỉnh một số đơn vị tư vấn thực hiện chưa hiệu quả và hiện đang tiếp tục rà soát, sàng lọc thêm một lần nữa, đồng thời làm việc với các địa phương để làm rõ trách nhiệm, nếu thuộc trách nhiệm của đơn vị tư vấn thì sẽ đình chỉnh ngay, còn nếu thuộc trách nhiệm phối hợp với các địa phương chưa tốt thì các địa phương cần có biện pháp nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức địa chính huyện, xã.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Võ Văn Hùng đề nghị Sở TN&MT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp GCNQSD đất. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến đảm bảo nguồn tài chính thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định, Sở sẽ tiếp tục làm việc với Sở Tài chính để điều chỉnh, bổ sung thêm nguồn lực cho ngành và các địa phương.

Nêu vướng mắc trong cấp GCNQSD đất tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò hiện nay, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung cho rằng, một trong những nguyên nhân là UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3496/UBND-CN, ngày 23/5/2018, chỉ đạo cấm chuyển nhượng đất ở dọc đại lộ Vinh - Cửa Lò. Quy định này trái với quy định tại Điều 188, Luật Đất đai 2013. Mặc dù HĐND tỉnh đã kiến nghị bãi bỏ, nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có phúc đáp.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, Sở đã phối hợp với một số ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại và thống nhất đề nghị UBND tỉnh sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp và Luật Đất đai. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa có văn bản sửa đổi.

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Cao Tiến Trung đề nghị Sở TN&MT làm rõ, có hay không tình trạng GCNQSD đất đã được cấp, cấp đổi nhưng chưa chuyển đến người sử dụng đất? Giải trình vấn đề này, người đứng đầu Sở TN&MT thừa nhận có tình trạng này ở một số địa phương như Yên Thành, Nghĩa Đàn, thị xã Hoàng Mai...

Nguyên nhân chủ yếu là do sai lệch về diện tích, sai lệch về vị trí và kể cả việc thu hồi bìa cũ để trả bìa mới cũng khó khăn do nhiều hộ dân đã thế chấp bìa đất cũ cho ngân hàng.

Để giải quyết nội dung này, vừa qua, Sở đã có văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các huyện yêu cầu các địa phương rà soát lại, nếu trường hợp nào đủ điều kiện thì thông báo để trả cho các hộ gia đình; trường hợp chưa đủ điều kiện thì tiến hành đo đạc và kiểm đếm lại theo đúng quy định.

Giám đốc Sở TN&MT cũng đã giải trình nhiều ý kiến liên quan đến thủ tục cấp GCNQSD đất tại một số địa phương đang còn phức tạp, gây khó khăn cho người sử dụng đất; trình độ, năng lực và đạo đức công vụ của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức địa chính cấp huyện, cơ sở yếu kém; vấn đề tháo gỡ các vướng mắc trong cấp đất trái thẩm quyền…

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương

Kết luận tại phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, liên quan đến công tác cấp GCNQSD đất đang xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, dẫn đến phát sinh nhiều đơn thư, khiếu kiện ở các cấp hiện nay.

Phân tích nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT và các địa phương cần tập trung khắc phục các nguyên nhân thuộc chủ quan; chú trọng công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hiểu trách nhiệm của mình trong quá trình cấp, cấp đổi GCNQSD đất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu, cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cơ sở cần xác định nhiệm vụ cấp GCNQSD đất là một trong những trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và đưa vào chương trình công tác hàng tháng, hàng quý để từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Sở TN&MT cần tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu và xác định trách nhiệm cụ thể cho các địa phương; gắn với tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, yếu kém đang đặt ra và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong vấn đề này.

Mặc dù cấp GCNQSD đất cho các cá nhân, hộ gia đình thuộc thẩm quyền trách nhiệm cấp huyện, nhưng Sở TN&MT cũng cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cũng như tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức địa chính. Về phía UBND tỉnh cần rà soát lại các văn bản chỉ đạo, đồng thời sớm điều chỉnh đảm bảo phù hợp và đúng pháp luật.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng giao đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Tài chính để tháo gỡ trong vấn đề nguồn kinh phí cho công tác đo đạc địa chính cho các địa phương.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-giai-trinh-tien-do-cap-bia-dat-voi-thuong-truc-hdnd-tinh-216354.html